Không chen chân vào đại học
Sau khi tốt nghiệp THPT, Lâm không cố chen chân vào giảng đường đại học mà anh quyết theo nghiệp cha bám biển. “Ngày đó, kinh tế gia đình còn khó khăn, mình nghĩ, để làm giàu chính đáng thì không nhất thiết phải có bằng đại học, miễn là theo nghề nào mình đam mê”.
|
Anh Lê Văn Lâm đang tu sửa vỉa cá để chuẩn bị mùa cá mới. |
Tuy nhiên nghề đi biển cũng không giúp gì được cho gia đình anh. Lâm trăn trở và cuối cùng anh chọn nghề hấp cá. “Qua tìm hiểu, mình thấy mặt hàng cá hấp có thị trường lớn, không chỉ trong nước mà còn nước ngoài - Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Quê mình vùng biển bãi ngang Cửa Việt (Quảng Trị), có rất nhiều cá nục, cá cơm. Mỗi mùa cá, ngư dân nơi đây mang về hàng trăm, hàng nghìn tấn cá. Như vậy, nguồn nguyên liệu tại chỗ mình có sẵn. Bên cạnh đó, lao động lại dồi dào bởi cánh phụ nữ địa phương hầu hết đều rảnh rỗi” - Lâm giải thích.
Từ phân tích đó, Lâm mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư 140 triệu đồng thuê 5.000m2 mặt bằng, đóng vỉa đựng cá, xây lò hấp cá. Cơ sở hấp cá của Lâm bắt đầu bận rộn, tấp nập với hơn 30 lao động làm việc từ tháng 2 đến tháng 8 âm lịch hàng năm (mùa cá). Trung bình mỗi ngày, Lâm hấp từ 3,5 - 5 tấn cá tươi, chủ yếu là cá nục và cá cơm, trừ chi phí mỗi mùa thu lãi khoảng 200 triệu đồng.
Hiểu nhu cầu thị trường
“Nhẫn nại, biết nắm bắt rõ nhu cầu thị trường là yếu tố quyết định sự thành công trong việc làm ăn của mình” - Lâm chia sẻ kinh nghiệm. Bước đầu tiên, Lâm cho biết đã bàn với bố thay vì đưa thuyền ra khơi đánh cá thì đưa thuyền ra đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) mua lại cá của ngư dân. “Như thế, mình bớt được khoản chi phí mua cá tại bờ biển và cá lại tươi hơn, không phải sử dụng các hoá chất độc hại. Vì thế sản phẩm sẽ có sức cạnh tranh hơn”- Lâm chia sẻ.
Hiện nay, cơ sở của anh Lâm giải quyết việc làm cho gần 30 lao động, bình quân mỗi người được trả công từ 100 - 120 nghìn đồng/ngày.
Tuy nhiên công việc của Lâm không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Cách đây 3 năm, Lâm bị một chủ nậu “xù” khiến mất trắng 480 tấn cá. Nếu lúc đó không đủ nghị lực, thì chắc Lâm không có ngày hôm nay.
Lâm vừa vinh dự nhận giải thưởng Lương Định Của lần thứ VI năm 2011. Đây là giải thưởng vinh danh nhà nông tiêu biểu trong phong trào thanh niên nông thôn sản xuất giỏi, tiếp thu tốt thành tựu khoa học kỹ thuật, làm ra của cải vật chất cho xã hội, làm giàu cho bản thân và đóng góp vào công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
Uyên Minh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.