Thanh Hóa: Hội Nông dân hỗ trợ hội viên xây dựng sản phẩm OCOP cấp tỉnh

Hữu Dụng - Hoài Thu Thứ năm, ngày 16/12/2021 11:36 AM (GMT+7)
Trong những năm qua, các cấp Hội Nông dân (HND) tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm xây dựng, phát triển sản phẩm nông sản địa phương. Đặc biệt là phát triển sản xuất sản phẩm OCOP góp phần nâng cao giá trị hàng hóa, tăng thu nhập cho nông dân.
Bình luận 0

Xây dựng các mô hình nông nghiệp an toàn, hữu cơ

Anh Nguyễn Văn Nam (xã Nga Thạch, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa) là một trong những nông dân điển hình trong việc sản xuất nông nghiệp an toàn, hữu cơ, phát triển sản phẩm OCOP tại Thanh Hóa.

Anh Nam cho biết, năm 2018, anh thuê 2,5ha đất để xây dựng mô hình nông nghiệp theo hướng hiện đại, quy mô lớn. Trong đó, anh cho xây lắp nhà lưới để trồng dưa vàng, dưa lưới theo tiêu chuẩn VietGAP.

HND Thanh Hóa: Hỗ trợ nông dân trong phát triển sản xuất sản phẩm OCOP - Ảnh 1.

Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa thăm mô hình nông nghiệp theo hướng sản xuất hữu cơ của anh Nguyễn Văn Nam ở xã Nga Thạch, huyện Nga Sơn. Ảnh: Quang Thanh

Để xây dựng dưa lưới và dưa vàng đạt tiêu chuẩn OCOP, anh đã đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt theo công nghệ của Israel, đồng thời ứng dụng công nghệ vi sinh, dùng phân bò hoai mục phối trộn với một số loại phân NPK có thành phần Organic để bón cho dưa.

Theo anh Nam, cách làm như vậy vừa cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây sinh trưởng và phát triển tốt, vừa đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm của quả dưa.

"Do thực hiện đúng quy trình, sản phẩm dưa vàng và dưa lưới sinh trưởng phát triển tốt, năng suất cao. Đặc biệt là hạn chế sự tấn công của sâu bệnh, không phải sử dụng thuốc hoá chất bảo vệ thực vật, tạo ra sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng quả thơm ngon, mẫu mã đẹp, hấp dẫn người tiêu dùng", anh Nam chia sẻ.

Không chỉ đẩy mạnh sản xuất, anh còn hoàn thiện mẫu mã, bao bì sản phẩm, đăng ký tem truy xuất nguồn gốc, xây dựng trang Website nhằm mở rộng kênh truyền thông, quảng bá sản phẩm...

Tháng 10/2020, sản phẩm Dưa vàng Vạn Hoa và Dưa lưới Vạn Hoa lọt qua nhiều vòng thẩm định, đã được Hội đồng OCOP tỉnh Thanh Hóa công nhận đạt OCOP 4 sao.

HND Thanh Hóa: Hỗ trợ nông dân trong phát triển sản xuất sản phẩm OCOP - Ảnh 2.

Hai sản phẩm dưa vàng Vạn Hoa và dưa lưới Vạn Hoa được công nhận đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh. Ảnh: Quang Thanh

Anh Nguyễn Văn Nam phấn khởi cho biết: "Từ khi đạt chứng nhận sản phẩm OCOP hạng 4 sao, sản phẩm dưa vàng, dưa lưới Vạn Hoa được góp mặt tại các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh. Thương hiệu sản phẩm được khẳng định uy tín, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường".

Ngoài đầu tư sản xuất, anh Nam còn liên kết với các hộ trong vùng, mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 200 tấn dưa, doanh thu đạt khoảng hơn 3 tỷ đồng. Cơ sở sản xuất của anh đang tạo việc làm cho 7 - 12 lao động địa phương với mức lương 5 triệu đồng/người.

Giúp nông dân thay đổi tư duy làm nông nghiệp

Còn tại xã Bình Sơn (huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) lại được biết đến những đồi chè bát ngát, rừng keo, rừng nguyên liệu giấy, cây ăn quả, cây dược liệu… Vốn có lợi thế phát triển kinh tế đồi, vườn, rừng đan xen nông lâm nghiệp, xã Bình Sơn xác định mũi nhọn là nâng cao sản phẩm chè, tập trung sản xuất trang trại, gia trại và tăng đàn ong mật.

Hiện nay, HTX nông lâm nghiệp Bình Sơn đã liên kết các hộ trồng chè trong xã để hình thành vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Chè bảo đảm các yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm, đã được các cơ quan liên quan chứng nhận. Sản phẩm chè được HTX thu gom, sàng lọc chè vụn, bỏ phần cọng lẫn vào, sau đó đóng gói hút chân không, có lô-gô, nhãn hiệu đăng ký theo tiêu chí OCOP.

HND Thanh Hóa: Hỗ trợ nông dân trong phát triển sản xuất sản phẩm OCOP - Ảnh 3.

Sản phẩm chè Bình Sơn và mật ong hoa rừng nguyên chất của HTX nông lâm nghiệp Bình Sơn (huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa). Ảnh: Quang Thanh

Chị Cao Thị Hoa, chủ đồi chè tại thôn Đông Tranh, xã Bình Sơn, huyện Triệu Sơn chia sẻ, mọi quy trình sản xuất phải tuân theo khuyến cáo và hướng dẫn của HTX, ngay cả bón phân cũng phải lấy phân hữu cơ từ bã sắn do HTX cung ứng. Mọi khâu chăm sóc phải tuân thủ để có sản phẩm an toàn, tạo uy tín, có đầu ra bền vững.

Năm 2019 sản phẩm chè Bình Sơn và mật ong hoa rừng nguyên chất được công nhận OCOP đạt chất lượng 3 sao. Người dân địa phương cho biết, từ khi trở thành sản phẩm OCOP chất lượng 3 sao, lượng tiêu thụ chè Bình Sơn ngày càng nhiều, giá chè cũng cao hơn.

Hàng năm, HTX Bình Sơn đưa ra thị trường khoảng 45 tấn chè khô, thu lãi hơn 100 triệu đồng, giúp nhiều hộ nâng cao thu nhập nhờ cây chè. Ngoài ra, HTX Bình Sơn cũng đứng ra liên kết được gần 400 hộ tham gia nuôi ong.

Việc thay đổi tư duy, hướng đến sản xuất nông nghiệp an toàn là hướng đi đã và đang đem đến nhiều lợi ích cho bà con nông dân xã Bình Sơn. Từ một xã miền núi kinh tế còn nhiều khó khăn, hiện nhiều hộ dân nơi đây có thu nhập ổn định

HND Thanh Hóa: Hỗ trợ nông dân trong phát triển sản xuất sản phẩm OCOP - Ảnh 4.

Các cấp HND tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm xây dựng, phát triển sản phẩm nông sản địa phương. Ảnh: Quang Thanh

Ông Trần Bình Quân - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa cho biết, nhận thức được vai trò, ý nghĩa của Chương trình OCOP, những năm qua, các cấp Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa, nội dung chương trình OCOP đến cán bộ, hội viên, nông dân. Tổ chức hội thảo, tập huấn, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân lựa chọn ý tưởng sản phẩm, đăng ký sản phẩm tham gia Chương trình.

Cũng theo ông Quân, bên cạnh đó, các cấp Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa cũng tập trung tổ chức thực hiện các giải pháp hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh như: Tiếp tục đẩy mạnh tín chấp và nhận ủy thác với các Ngân hàng cho nông dân vay vốn, phát huy hiệu quả nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân…

"Trong năm 2021, các cấp Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa đã trực tiếp vận động, hướng dẫn xây dựng thành lập mới 209 tổ hợp tác, 35 HTX và 124 doanh nghiệp; phối hợp cung ứng gần 35.000 tấn phân bón trả chậm; tổ chức tập huấn chuyển giao các tiến bộ Khoa học kỹ thuật cho trên 340 nghìn lượt hội viên; xây dựng được 156 chuỗi sản xuất, cung ứng lúa gạo, chuỗi sản xuất, cung ứng rau, củ quả an toàn…" - ông Trần Bình Quân - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm.

Sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tính đến thời điểm hiện tại tỉnh Thanh Hóa đã có 158 sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Trong đó, có 1 sản phẩm xếp hạng 5 sao, 40 sản phẩm OCOP 4 sao và 117 sản phẩm OCOP 3 sao.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem