Vòng chung kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn năm 2019 đã diễn ra từ hôm 24/11 tại Nhà Văn hoá Thanh niên TP.HCM, với 29 dự án xuất sắc nhất đến từ 22 tỉnh, thành dự thi chung kết.
Sản phẩm dép làm từ xơ dừa là dự án khởi nghiệp gây ấn tượng với khách tham quan (Ảnh: Quốc Hải)
Tại vòng chung kết năm nay, TP.HCM có hai dự án tham gia là Mật dừa nước và các sản phẩm có giá trị từ dừa nước của Phan Minh Tiến và Bột rau sấy lạnh của Nguyễn Ngọc Hương. Đây là những dự án được hội đồng giám khảo đánh giá khá cao ở vòng bán kết. Ngoài ra, hàng loạt các dự án khác về nông nghiệp của thanh niên nông thôn các tỉnh thành khác cũng được đánh giá cao, chẳng hạn như hai dự án đến từ Sơn La là Phát triển sản phẩm từ dế gắn với tài nguyên bản địa của La Văn Quý; và Phát triển chuỗi trang trại bò thịt tại các thung lũng ở Bản Rừng Thông, huyện Mai Sơn của Giàng A Dạy, cũng là những ứng cử viên năng ký. Trong đó, Giàng A Dạy là thí sinh từng du học ở Israel – quốc gia của nền nông nghiệp tiên tiến trên thế giới.
Các dự án khởi nghiệp của thanh niên nông thôn được tặng bằng khen sáng tạo của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (Ảnh: Quốc Hải)
Hoặc, dự án của bạn Cao Minh Long, thí sinh đến từ Nghệ An, cũng là người có khả năng soán ngôi vị cao nhất ở cuộc thi năm nay. Long mang đến cuộc thi đề tài Nâng cao hiệu suất sản xuất nấm bằng phương pháp sốc nhiệt kết hợp bổ sung dinh dưỡng. Đây là cách làm táo bạo, mang tính sáng tạo giúp nâng cao hiệu quả, cũng như sản xuất các loại nấm ăn trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Đặc biệt, những dự án có khả năng cạnh tranh thứ hạng cao cũng là những dự án đã tìm ra được thị trường ngách rõ ràng hơn, khắc hoạ được chân dung khách hàng và những nhu cầu họ cần đáp ứng, chẳng hạn như dự án Snack da cá của Trương Lê Huy Hoàng, Khô ba khía của Dương Thị Hồng Chuyên (cùng tỉnh Đồng Tháp), dự án Son môi dừa với vỏ son gỗ thân thiện môi trường của Nguyễn Thị Ngọc Như (Bến Tre), hay Nguyễn Ngọc Hương (TP.HCM) với dự án Bột rau sấy lạnh…
Năm nay, Lâm Đồng là địa phương góp mặt nhiều nhất với ba dự án. TP.HCM, An Giang, Đồng Tháp, Lào Cai và Sơn La cùng có hai dự án tham gia. 16 thí sinh còn lại thuộc các địa phương như: Cao Bằng, Hoà Bình, Hưng Yên, Lạng Sơn, Nghệ An, Thanh Hoá, Yên Bái, Long An, Vĩnh Long, Bến Tre, Hậu Giang, Bình Dương, Đồng Nai, Đắk Nông, Vũng Tàu và Đắk Lắk.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, đại diện ban tổ chức cuộc thi, cho biết, những dự án được chọn vào chung kết đều có sản phẩm mang tính thương mại hoá cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Đặc biệt, một điểm đáng khích lệ là những chủ dự án đã nắm rõ cốt lõi của sản phẩm, dịch vụ và làm chủ công nghệ. Bên cạnh đó, các đội thi bắt đầu ý thức, làm quen với các minh chứng, chứng thực về sản phẩm, các thành phần trong sản phẩm thông qua các xét nghiệm, kiểm nghiệm.
Dự án phân trùn quế và các sản phẩm từ trùn quế thu hút sự quan tâm (Ảnh: Quốc Hải)
“Với mục tiêu tập hợp những bạn trẻ quan tâm đến khởi sự kinh doanh, cuộc thi là sân chơi, giúp người khởi nghiệp làm giàu chính đáng bằng chính nguồn nông sản, tài nguyên bản địa, sản phẩm tại quê hương. Các chương trình liên quan, đồng hành với cuộc thi còn giúp họ cải thiện sinh kế, góp phần xây dựng kinh tế địa phương, nâng cao đời sống gia đình, tạo môi trường kết nối, cùng nhau trao đổi định hướng khởi nghiệp, mang đến những giải pháp giúp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh”, bà Kim Hạnh cho biết.
Tuy nhiên, bà Kim Hạnh cũng lưu ý: “Muốn thành công, các dự án cần phải lưu ý vấn đề khai thác thị trường, mang lại các giá trị tốt cho khách hàng và cần nêu bật những lợi thế trong cạnh tranh, lợi thế của sản phẩm, giá trị sản phẩm, dịch vụ mang lại. Do vậy, việc phân phối bán hàng cần được gia cố kỹ và bổ sung về quản trị doanh nghiệp. Điểm mạnh nữa là tinh thần đổi mới sáng tạo được các chủ dự án phát huy. Đây là con đường để các dự án đi tiếp không chỉ trong cuộc thi, mà còn xuyên suốt quá trình xây dựng doanh nghiệp, phát triển sản phẩm, dịch vụ”, bà Vũ Kim Hạnh nói.
Gạo ngon nhất thế giới ST25 của kỹ sư Hồ Quang Cua cũng xuất hiện tại gian trưng bày các dự án nông nghiệp nổi bật (Ảnh: Quốc Hải)
Theo đánh giá của các thành viên ban giám khảo, xét về tính thương mại hoá, độ hoàn chỉnh thì dự án năm nay tốt hơn những năm trước. Nhiều thí sinh đã hiểu được cách làm sao để tìm ra những sản phẩm mới đúng theo nhu cầu của thị trường ngách, đây là một trong những tiêu chí quan trọng của khởi nghiệp. Ngoài ra, không ít dự án mang đến sự đổi mới nhất định về thị trường. Tuy nhiên, để có được lợi thế cạnh tranh lâu dài, các thí sinh cần học hỏi nhiều hơn, đặc biệt là phải hình thành mô hình kinh doanh rõ ràng hơn nữa…
Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn” năm 2019 do trung tâm Hỗ trợ phát triển thanh niên nông thôn của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức. Giải thưởng của vòng chung kết gồm: 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba, 4 giải khuyến khích.
Theo đó, giải nhất sẽ bao gồm bằng khen của Trung ương Đoàn, 50 triệu đồng tiền mặt, học bổng “Tăng tốc khởi nghiệp, đạt chuẩn quỹ đầu tư” trị giá 500 - 1.000 USD. Đặc biệt, dự án đoạt ngôi quán quân còn được quỹ Quốc gia về việc làm hỗ trợ vốn với mức vay tối đa 1 tỷ đồng.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.