Thanh tra Bộ Lao động, TB&XH công bố Thanh tra CTMTQG giảm nghèo tại tỉnh Quảng Ngãi
Thanh tra Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công bố Thanh tra CTMTQG giảm nghèo bền vững tại Quảng Ngãi
Công Xuân
Thứ hai, ngày 15/07/2024 18:40 PM (GMT+7)
Sáng 15/7, Đoàn Thanh tra của Thanh tra Bộ LĐ- TB&XH, do Phó Trưởng phòng Thanh tra Chính sách về trẻ em và xã hội Lê Thị Thảo, làm Trưởng đoàn, đã tổ chức công bố Quyết định thanh tra Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo giai đoạn 2021-2025, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện CTMTQG giảm nghèo
Thời kỳ thanh tra từ 1/1/2022 - 30/6/2024; thời hạn không quá 15 ngày làm việc, kể từ ngày công bố Quyết định
Sáng 15/7, Đoàn Thanh tra của Thanh tra Bộ LĐ- TB&XH, do Phó Trưởng phòng Thanh tra Chính sách về trẻ em và xã hội Lê Thị Thảo, làm Trưởng Đoàn, đã tổ chức công bố Quyết định thanh tra Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo giai đoạn 2021-2025, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Theo đó thời kỳ thanh tra từ 1/01/2022 - 30/6/2024; thời hạn không quá 15 ngày làm việc, kể từ ngày công bố Quyết định.
Tham dự và phát biểu tại buổi lễ công bố, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Võ Phiên yêu cầu các cấp, sở, ban ngành liên quan chuẩn bị và sẵn sàng cung cấp hồ sơ, tài liệu, nội dung liên quan đến thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, cho Đoàn Thanh tra theo yêu cầu.
Được biết thời gian qua, trong quá trình triển khai CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Quảng Ngãi đã có nhiều chỉ đạo, ban hành chỉ đạo cho cấp ngành và địa phương.
Cụ thể theo báo cáo vào tháng 7/2023, tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành 15 văn bản quản lý, điều hành, gồm HĐND tỉnh ban hành 7 Nghị quyết; UBND tỉnh ban hành 9 Quyết định và nhiều chương trình, kế hoạch cho cả giai đoạn.
Theo đó các cấp, ngành và địa phương đã tích cực tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, chính sách về giảm nghèo, mục tiêu giảm nghèo bền vững dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú.
Tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác giảm nghèo, nâng cao năng lực thực hiện Chương trình; tổ chức các hội nghị tuyên truyền, hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; nói chuyện tuyên truyền nâng cao nhận thức thoát nghèo…
Những kết quả đáng ghi nhận
Nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo đầu năm 2021 (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020) của tỉnh từ 6,41%, đến cuối năm giảm xuống còn 5,35%, đạt chỉ tiêu đề ra.
Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo đầu năm (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025) là 9,11%, đến cuối năm giảm xuống chỉ còn 7,8% và đến tháng 11/2023, giảm xuống còn 6,22% (giảm 1,58%), vượt 0,46% so với kế hoạch chỉ tiêu đề ra.
Hỗ trợ phát triển mô hình trồng cây nghệ cho người dân huyện miền núi Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Hiếu - Hằng.
Trong đó các huyện miền núi giảm còn 24,58% (giảm 5,73%), vượt 1,22% và các huyện đồng bằng giảm 0,97%, vượt 0,57% so với kế hoạch đề ra; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số (trong tổng số hộ dân tộc thiểu số) đầu năm 2023 có 35,64%, đến cuối năm 2023 giảm xuống còn 32,24%, giảm 3,4% đạt chỉ tiêu đề ra.
Một diễn biến liên quan khác đến chương trình này, vào tháng 3/2024, tỉnh Quảng Ngãi đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo tiến độ triển khai CTMTQG giảm nghèo bền vững của địa phương.
Theo thông tin báo cáo tại cuộc họp, trong hai năm 2022-2023, nguồn vốn đầu tư công thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh là hơn 327 tỷ đồng.
Tính đến cuối tháng 01 năm 2024, đã giải ngân hơn 283 tỷ đồng, đạt tỷ lệ trên 86,5%. Nguồn vốn sự nghiệp trong hai năm 2022-2023 là hơn 272 tỷ đồng, đã giải ngân gần 157 tỷ đồng, đạt tỷ lệ hơn 57,6%.
Tổng nguồn vốn thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững trong năm 2024 là hơn 401 tỷ đồng, gồm vốn đầu tư công hơn 156 tỷ đồng, vốn sự nghiệp hơn 245 tỷ đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.