Con đường sông độc đáo đưa hạt muối "quý hiếm" từ miền biển lên vùng núi non Quảng Ngãi
Con đường sông độc đáo đưa thứ hạt "quý hiếm" này từ miền biển lên vùng núi non tỉnh Quảng Ngãi
Thứ bảy, ngày 30/07/2022 13:00 PM (GMT+7)
Ngày xưa, ở vùng cao, muối ăn rất khan hiếm. Muối ăn có giá rất đắt nên không phải ai cũng có tiền để mua. Muối mua được rất ít nên đồng bào miền núi tỉnh Quảng Ngãi cất giữ muối như của quý.
Khi người Kinh ở đồng bằng mở lối thông thương, thì những hàng hóa thiết yếu như mắm, muối đưa lên vùng cao ngày càng nhiều.
Giao thương giữa đồng bằng và miền núi
Bên cạnh thương lái ở đồng bằng đến tận buôn làng để buôn bán, thì đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi cũng thường xuyên dùng voi, ngựa hoặc đi bộ đến đồng bằng hoặc vùng giáp ranh trao đổi thổ sản để lấy muối ăn và các hàng hóa khác.
Thời kỳ chúa Nguyễn Đàng Trong đã chú trọng việc giao lưu kinh tế - văn hóa giữa người Kinh với các bộ tộc ở miền núi nhằm khai thác các nguồn lợi, mở rộng giao thương với bên ngoài, đúng như Nguyễn Hoàng đã nói: “Núi sẵn vàng sắt, biển có cá muối”.
Từ thời đó đã hình thành một hành lang nối liền xứ Quảng với khu vực bắc Tây Nguyên, kết nối vùng đồng bằng với khu vực phía tây Quảng Nam, Quảng Ngãi giáp với Kon Tum và xuyên tận qua Lào. Các dòng sông xứ Quảng như sông: Trà Khúc, Trà Bồng, sông Vệ, Trà Câu (Quảng Ngãi), Thu Bồn, Vu Gia (Quảng Nam)... là trục buôn bán chính giữa miền xuôi và miền ngược.
Từ vùng đồng bằng Quảng Ngãi lên Trà Bồng, Sơn Hà, Minh Long, Ba Tơ là một hệ thống giao thông đường bộ, đường sông khá thuận lợi. Ở những nơi có thể dùng thuyền ngược sông được thì người ta còn dùng thuyền, nhưng phần nhiều gồng gánh đi bộ.
Người Kinh đi buôn nguồn, từ đồng bằng mang hàng hóa từ miền xuôi như vải vóc, nông cụ, đá lửa, dầu hỏa, nồi đồng, chiêng, ché, mắm muối... lặn lội đến các làng vùng cao để buôn bán. Trong các sản vật ấy, cá, mắm, muối là chủ yếu.
Cá biển sẽ được phơi khô hoặc hấp chín để bảo quản được lâu. Sau đó, họ mua về các sản vật ở miền núi như trầu, quế, trái cây, dây mây, mật ong... Người dân ở đồng bằng Mộ Đức, Đức Phổ mang muối Sa Huỳnh, hoặc muối tự làm lên bán cho đồng bào ở nguồn Ba Tơ. Việc buôn bán như vậy kéo dài nhiều thế kỷ cho đến thời hiện đại.
Cuốn sách kiêm họa đồ “Quảng Thuận đạo sử tập” do Nguyễn Huy Quýnh soạn, hoàn thành năm 1785, trong trang họa đồ vẽ địa vực tỉnh Quảng Ngãi ở khu vực miền núi Ba Tơ có chú thích: Trại Lụy, nơi người Thượng, người Kinh định kỳ gặp nhau. Sách “Đại Nam nhất thống chí” soạn vào thế kỷ XIX, ở phần ghi chép về tỉnh Quảng Ngãi cũng viết: Bốn nguồn đầu núi là nơi người Kinh, người Thượng buôn bán.
Người đi buôn núi gặp không ít hiểm nguy, họ phải luôn đối mặt với giặc cướp và thú dữ dọc đường. Xưa cọp có khắp nơi, hầu như rừng nào cũng có cọp. Cho nên người đi buôn thường không đi đơn lẻ mà rủ nhau đi thành tốp năm, bảy người để nương tựa nhau chống thú dữ.
Người ta dùng những vật nhọn như đòn xóc để chống lại cọp hoặc dùng giáo, mác phòng thân. Những người ở nhà cũng phải kiêng cữ nhiều điều để cầu bình an, may mắn cho người thân đang đi buôn bán, lặn lội trên những vùng đồi núi hiểm trở, xa xôi để tìm kế mưu sinh.
Muối là mặt hàng quý hiếm
Đối với đồng bào miền núi, muối ăn là mặt hàng quý hiếm. Có một thời gian khá dài, đồng bào nơi đây phải đi đốt cỏ tranh, tre nứa để làm muối, gọi là muối tro. Hạt muối kiếm được người dân để dành ăn dần. Muối còn dùng để trao đổi lương thực, thực phẩm, vật nuôi, đồ dùng...
Đồng bào vùng cao có nhiều cách bảo quản, chế biến muối. Khi mua về, họ lấy chiếc gùi nhỏ bên trong lót lớp lá rồi đổ muối vào gùi cất giữ.
Họ chế thêm nước cơm cho muối tan chảy ra và kết dính vào nhau. Sau đó, gùi muối được treo lên dàn bếp cho khô ráo. Để lâu ngày muối khô đóng thành một cục to, muốn lấy ăn phải cào cục muối bằng vật cứng. Cách bảo quản này giữ muối ăn được lâu ngày. Mỗi gùi muối gia đình ăn được vài năm, khi nào hết mới mua lại.
Trong quá khứ chưa xa, đã từng tồn tại con đường thổ cẩm, vải vóc, con đường muối ở miền Tây xứ Quảng. Có mắm muối, có vải vóc là có nguồn sống, có sự sung túc, ấm no. Qua con đường muối, người Kinh ở đồng bằng xứ Quảng sớm gắn bó với các tộc người trên dải Trường Sơn và bắc Tây Nguyên.
Con đường muối cũng là con đường mở ra việc giao lưu, hỗ trợ và gắn kết giữa người Kinh và đồng bào các dân tộc thiểu số, cùng nhau làm ăn, khai khẩn, lập nghiệp trên vùng đất mới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.