Khôi phục trồng cây dược liệu quý
Năm 2006, một số hộ gia đình ở vùng Phong Sơn, gồm 4 xóm 7, 8, 9,10 thuộc xã Thanh Nho, huyện Thanh Chương bắt đầu vực dậy phong trào trồng cây rễ hương - loại cây vốn đã đi xuống từ nhiều năm nay. Do đã trồng rễ hương rải rác từ hàng chục năm nay, nên người dân Thanh Nho nắm bắt khá rõ về loại cây này.
|
Trồng rễ hương hiệu quả gấp 20 lần trồng keo nguyên liệu. |
Gần đây, với những điều kiện thuận lợi là giống rễ hương được ươm và cung cấp tại chỗ, đầu ra sản phẩm được tư thương săn đón, giá cả ổn định, nên từ một vài hộ tự phát trồng và sơ chế, phong trào trồng cây rễ hương đã lan dần ra 4 xóm của vùng Phong Sơn. Hiện nay ở 4 xóm có trên 300 hộ tham gia trồng, nâng tổng diện tích loại cây dược liệu này lên trên 20ha.
Rễ hương đã được người dân ở đây sơ chế đem đi tiêu thụ ở nhiều thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh...
Ông Trần Văn Bình- Chủ tịch UBND xã Thanh Nho cho biết: “Toàn xã có hơn 1.700ha đất vườn và đất rừng, trong đó 850ha đã được trồng keo nguyên liệu, 20ha trồng rễ hương. Vài năm gần đây, nhờ trồng rễ hương, nhiều hộ trong xã đã có cuộc sống khá giả, có thu nhập tốt". Do có hiệu quả như vậy, nên năm 2010, UBND xã Thanh Nho đã đưa vào kế hoạch, chủ trương chỉ đạo chuyển toàn bộ diện tích trồng keo sau thu hoạch sang trồng rễ hương.
Để tăng hiệu quả kinh tế, bước đầu ở Thanh Nho đã hình thành 2 cơ sở sơ chế rễ hương để thu mua cho bà con nông dân, sau đó đưa đi tiêu thụ tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh với khối lượng hàng chục tấn rễ hương mỗi năm.
Đầu tư ít, thu lãi cao
Rễ hương có đặc tính kháng chịu sâu bệnh tốt, thời gian sinh trưởng ngắn (chỉ sau 1 năm trồng là có thể thu hoạch), phù hợp với các loại đất mỡ gà và sỏi nhựa. Kỹ thuật trồng và chăm bón loại cây này khá đơn giản: Sau khi máy xới đất thành rãnh, chỉ cần bón lân (25kg/sào) rồi bỏ từng dảnh rễ hương xuống và lấp đất, khóm cách khóm 40-50cm, hàng cách hàng 60-70cm.
Ông Lê Đình Thanh - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thanh Chương cho biết thêm: "So với các loại cây trồng khác, rễ hương đem lại hiệu quả kinh tế rất cao. Chúng tôi đang có kế hoạch trồng thêm 10ha tại Khu tái định cư Thủy điện Bản Vẽ. Nếu thành công, kế hoạch này sẽ đem đến cho đồng bào dân tộc nơi đây bước đột phá về kinh tế".
Sau 2-3 tháng bổ sung đạm urê, vun gốc. Sau 1 năm trồng, nếu chăm bón cây đúng kỹ thuật, nông dân có thể thu về 20 tấn/ha. Với giá tư thương thu mua tận vườn thời điểm hiện tại là 5.000-7.000 đồng/kg tươi, trừ các chi phí, cây rễ hương có thể đem về cho người nông dân nguồn thu trên 100 triệu đồng/ha lãi ròng.
Anh Nguyễn Sỹ Bá - người có thâm niên trồng rễ hương tại xóm 10 xã Thanh Nho cho biết: "Rễ hương có thể trồng gối vụ và thu hoạch quanh năm, không mất nhiều công chăm sóc mà hiệu quả kinh tế cao. Nếu trồng 1ha keo nguyên liệu, sau 7 năm chỉ thu về trên dưới 40 triệu đồng thì trồng rễ hương sau một năm có thu hoạch trên 100 triệu đồng/ha, cao gấp 20 lần so với trồng keo".
Cùng xóm với anh Bá còn có gia đình anh Trần Văn Đương trồng 1ha rễ hương và đạt thu nhập trên 100 triệu đồng/năm; gia đình anh Nguyễn Sỹ Sửu, Nguyễn Sỹ Tiến, Nguyễn Công Vũ... đều có thu nhập trên dưới 70 triệu đồng/năm từ trồng cây dược liệu này.
Võ Văn Dũng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.