Mặc dù ghi nhận điểm nổi bật trong thông điệp đầu năm của Thủ tướng là “đã xác định vài điểm nhấn trọng tâm trong năm 2014 để tạo động lực mạnh mẽ nhằm làm thay đổi tình hình, tạo dựng lòng tin”, nhưng ông Cao Sĩ Kiêm cũng cho rằng: “Những thông điệp đúng đắn đó cần phải được nuôi dưỡng bằng những giải pháp kịp thời”.
Thưa ông, Thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng được ghi nhận là điểm nhấn với nhiều giải pháp điều hành kinh tế xã hội trong bối cảnh nền kinh tế cần phải đột phá mạnh mẽ. Theo ông, những điểm nào là đột phá đáng chú ý?
- Tôi cho rằng với vai trò là người đứng đầu đất nước, Thông điệp đầu năm của Thủ tướng đã hệ thống hóa toàn bộ những việc cần làm của năm 2014. Trong đó nổi lên mong muốn cần xác định động cơ, động lực mạnh mẽ để tạo thế phát triển mới cho đất nước.
Ông Cao Sĩ Kiêm khẳng định, ưu tiên cho nông nghiệp luôn là mục tiêu quan trọng nhất.
Cùng với mục tiêu phát huy dân chủ, phát triển tái cơ cấu nông nghiệp, vấn đề cải cách thể chế được Thủ tướng đặc biệt quan tâm và nhấn mạnh, bởi nhiều chỉ đạo của năm 2013 không thực hiện được là do tắc ở thể chế chứ không phải ở khâu triển khai. Ví dụ như gói tín dụng 30.000 tỷ đồng giải cứu thị trường BĐS hay giải quyết nợ xấu trong hệ thống ngân hàng…
Việc cải cách thể chế thực sự quan trọng để từ đó triển khai Hiến pháp mới được thông qua, Luật Đất đai mới và những chủ trương mới trong công tác phòng chống tham nhũng… Tất cả những nội dung này đều được Thủ tướng nhấn mạnh phải được triển khai đồng bộ trong năm 2014.
Nhưng để biến những thông điệp này thành hiện thực không chỉ dừng ở những chỉ đạo, thưa ông?- Tôi xin ví dụ, Thông điệp của Thủ tướng nhấn mạnh tới quyền làm chủ của người dân trong xã hội và doanh nghiệp. Thủ tướng cũng làm rõ hơn những quy định trong Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân- đó là quyền làm chủ. Tuy nhiên, những vấn đề này lâu nay chúng ta làm chưa tốt nên không tạo ra động lực. Chừng nào doanh nghiệp và người dân phấn khởi và làm tự giác thì mới có động lực cho phát triển.
Tuy nhiên, căn cứ tình hình mấy năm qua để thấy rằng tuy có hướng là vậy nhưng nếu những chủ trương, đường lối đó không nhanh chóng được cụ thể hóa, không nêu địa chỉ, nội dung, điều kiện làm thì những chỉ đạo đó vẫn là chỉ đạo, vẫn nằm trên giấy. Có nghĩa là những thông điệp đúng đắn đó cần phải được nuôi dưỡng bằng những giải pháp kịp thời.
Thông điệp đưa ra quan điểm phải thực hiện cơ chế giá thị trường với tất cả các hàng hóa, dịch vụ. Chúng ta phải có những giải pháp hay thay đổi gì để thực hiện được điều này?- Đúng là lâu nay chúng ta mới chỉ đang tiến dần đến cơ chế giá thị trường, chứ chưa hẳn đã đạt được cơ chế giá thị trường với một số sản phẩm như đã nêu. Bởi thị trường là phải theo cung cầu, không được áp đặt, không có mệnh lệnh. Nhưng trên thực tế giá điện, giá xăng còn lúc lên lúc xuống. Khi theo cơ chế kinh tế thị trường thì phải dứt khoát xoá bỏ độc quyền, đằng này chúng ta vẫn chưa triệt để nên thực chất vẫn là đang tiến lên thôi.
Rõ ràng dù ít hay nhiều cũng cần phải có sự thay đổi nào đó, nếu không vẫn sẽ như năm 2013?
- Điểm quan trọng nhất theo tôi là Nhà nước không nên can thiệp, muốn chỉ đạo phải thông qua luật lệ, qua các quy chế, cơ chế, điều kiện pháp lý, chứ không phải làm cái này, cái kia, quyết nâng giá, hạ giá… Thị trường là cung cầu điều tiết, để hình thành giá cả, thành sức cạnh tranh, thành chất lượng, thành yêu cầu của người tiêu dùng. Họ chấp nhận thị trường xác định, lỗ lãi do thị trường đo, phát triển hay thu hẹp, hay phá sản là thị trường quyết định, cái đấy phải được tôn trọng.
Theo ông Cao Sỹ Kiêm: Đổi mới thể chế cần phải bảo đảm công bằng, bình đẳng, minh bạch công khai. Người dân phải được làm những gì pháp luật không cấm và được pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tuy nhiên, những vấn đề này lâu nay chúng ta làm chưa tốt nên không tạo ra động lực cho sự phát triển”.
|
Vấn đề thị trường cần chính là sự quản lý của Nhà nước theo pháp luật, có kiểm tra, kiểm soát thường xuyên. Ai làm đúng hay làm sai đều lấy pháp luật soi vào. Ai làm không đúng, vi phạm, luồn lách thì phải xử lý nghiêm, như thế cung- cầu mới được đảm bảo vững chắc.
Ngay sau Thông điệp của Thủ tướng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01 với những giải pháp cụ thể, trong đó có một nội dung quan trọng là đề cao vai trò của nông nghiệp. Theo ông, cái khó nhất trong việc quan tâm đến nông nghiệp hiện nay là gì? Làm thế nào để thực hiện được những giải pháp này một cách hiệu quả?- Tôi cho rằng ưu tiên cho nông nghiệp luôn là mục tiêu quan trọng nhất. Tuy nhiên, thực tế nhiều năm qua hệ thống thể chế cho phát triển nông nghiệp còn nhiều vướng mắc. Không chỉ ở nguồn cung tín dụng hay tiêu thụ nông sản cho nông dân mà cái nổi lên nhiều nhất đó là việc cần phải có cơ chế bảo hiểm sản xuất cho nông dân.
Phải làm thế nào để cho nông dân an toàn trong sản xuất nông nghiệp, nếu có rủi ro trong nông nghiệp thì phải giải quyết ra sao… Đây là những việc các cơ quan làm chính sách phải tích cực triển khai trong năm 2014, bởi lâu nay chúng ta nói nhiều nhưng làm chưa được nhiều.
Xin cảm ơn ông!
Phương Hà (thực hiện) (Phương Hà (thực hiện))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.