Tuy nhiên, do việc áp dụng cơ giới hóa vào khâu thu hoạch còn hạn chế, chủ yếu làm bằng phương pháp thủ công và sử dụng các loại máy móc thô sơ nên nông dân Đồng Nai đang chịu nhiều tổn thất cả về khối lượng và chất lượng nông sản.
Theo kết quả điều tra mới nhất của Sở NNPTNT Đồng Nai về tổn thất sau thu hoạch đối với 8 loại nông sản chính (lúa, bắp, cà phê, điều, tiêu, rau ăn lá, rau ăn quả và trái cây) thì trái cây đứng hàng đầu với tỷ lệ tổn thất trung bình gần 19%. Trong đó, tổn thất nặng nề nhất là ở các khâu thu hoạch, vận chuyển và sơ chế. Còn rau ăn lá và rau ăn quả tổn thất từ 12 - 13,6%, với lúa là trên 12%, cà phê trên 7%, bắp trên 6%...
|
Có máy gặt đập để hạn chế thất thoát lúa là mơ ước của nhiều nông dân Đồng Nai. |
Căn cứ vào sản lượng cụ thể, mức độ tổn thất của 8 loại nông sản chính và mức giá bình quân năm 2010 cho từng loại do Cục Thống kê Đồng Nai cung cấp, ước tính, năm 2010, nông dân Đồng Nai mất trắng khoảng 1.000 tỷ đồng.
Cụ thể năm 2010, sản lượng lúa ở Đồng Nai đạt hơn 322.000 tấn, với hao hụt trên 12% thì nông dân mất trên 38.000 tấn. Giá lúa trung bình 5.000 đồng/kg, thì tổng số tiền thất thoát từ lúa trên 193 tỷ đồng/năm. Tương tự, bắp mất trên 80 tỷ đồng, cà phê hơn 53 tỷ đồng...
Xét trên bình diện chung thì tổn thất từ trái cây là nặng nề nhất. Chỉ tính riêng tổn thất từ một số trái cây chủ lực và có sản lượng lớn như: Cam, quýt, chôm chôm, xoài, sầu riêng, chuối đã khiến người nông dân tuột khỏi tay hơn 554 tỷ đồng/năm.
Điều đáng nói, con số thất thoát chắc chắn không dừng lại ở nghìn tỷ nếu tính gộp cả các loại nông sản khác. Năm 2011, dự kiến mức độ tổn thất từ nông sản sau thu hoạch cũng sẽ không dưới 1.000 tỷ đồng.
Nông dân Trương Văn Bạch ở ấp 2, xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai cho biết, mỗi năm ông trồng hơn 10ha lúa. Tổn thất trong tất cả các khâu từ thu hoạch, vận chuyển, phơi sấy, bảo quản thóc lúa… làm ông mất 2-3 triệu đồng/ha/năm.
Để nông dân bớt thiệt hại, cuối năm 2009, UBND tỉnh Đồng Nai đã giao Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai lập đề án: “Cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”.
Đến tháng 6.2011, đề án đã hoàn thành và hiện đang chờ UBND tỉnh phê duyệt (dự kiến vào cuối tháng 7.2011). Tổng kinh phí của đề án dự kiến trên 138 tỷ đồng. Riêng giai đoạn I (2011-2015) sẽ đầu tư hơn 73 tỷ đồng xây dựng các mô hình mẫu về bảo quản nông sản để nông dân có thể tới tham quan, học hỏi và nhân rộng.
Hồng Phúc
Vui lòng nhập nội dung bình luận.