Thạu khoăn bản Tày

Thứ năm, ngày 01/09/2011 07:40 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - "Đàn ông có mười hồn, đàn bà có bốn mươi vía. Hồn vía hòa liền với thể xác giúp cho người ta tràn đầy sức sống, đủ bản lĩnh để chống chọi với thiên nhiên, thử thách..." - từ bao đời nay, người Tày đã truyền lại như vậy.
Bình luận 0

Với đồng bào Tày ở các bản vùng cao thuộc Trùng Khánh (Cao Bằng), sau mỗi mùa thu hoạch lúa, ngô là dịp để người ta tiếp sức, bồi bổ cho hồn vía (pố khoăn phủ minh) của mình khỏe mạnh thêm. Người trẻ thì làm lễ "pố khoăn phủ minh", dưới 60 tuổi thì làm lễ "kỳ an giải hạn", cầu phúc cầu lành cho con người được sống khỏe, sống lâu, sống có ích cho đời; các cụ cao niên trên 70 tuổi thì làm lễ "thạu khoăn" chúc thượng thọ, sống hưởng lộc cùng con cháu.

img
Con cháu người Tày hát chúc thọ ông bà.

Lễ "thạu khoăn" mừng thượng thọ ông bà, cha mẹ được con cháu hỏi các thầy tướng số cao tay khác mường, khác bản để định ra ngày tốt ngày lành tổ chức. Ngày được chọn phải là ngày phúc sinh, an lành thông đạt. Ngày tốt đó, con cháu sẽ đồng tâm đón thầy Tạo, thầy Bụt hay bà Then đến để làm lễ "thạu khoăn", mời bà con làng trên xóm dưới, anh em nội ngoại đến ăn bữa cơm chúc phúc.

Trong lễ "thạu khoăn", mâm bày lễ vật được đặt ra gồm có một cái quây nhỏ đan bằng tre có trang trí hoa văn bằng giấy đỏ, xanh, vàng đặt trên một cái nong để đựng gạo do anh em họ hàng, con cháu mỗi người góp 3 nắm gạo bỏ vào. Xung quanh có 7 đôi (đối với nam), 9 đôi (đối với nữ) bằng giấy màu xanh, đỏ to bằng cái đèn pin, dài độ một gang tay trong đựng gạo được gọi là "tài lường".

Nếu còn đủ vợ chồng thì khâu đôi. Thiếu một người thì chỉ làm lẻ cùng với mâm bánh giầy, bánh moọc (thứ bánh giã bằng gạo nếp xôi nặn bẹt to bằng khay chén chè), một mâm đầy hoa lá tươi, một mâm để một con gà sống có cựa đã luộc chín.

Mười người con mang mười nắm gạo, chín người cháu mang chín tài lường, tiếp hồn tiếp sức cầu chúc cho cha mẹ, ông bà luôn được "vững như gà trống, khỏe như gà chọi, sống ngàn năm, cái chết không được tìm đến, hồn người được khỏe thêm, vía người thêm đầy đặn, ngược xuôi không vướng nợ".

Sau khi thầy cúng làm xong lễ, đại diện chủ gia đình mời ông bà, cha mẹ (người được thạu khoăn) ngồi trên một chiếc ghế đã đặt sẵn, đầu đội một tấm lụa đỏ, con cháu trong nhà, anh em nội ngoại đến bái lạy và nâng chén rượu chúc mừng, mời người hát khắp bài "Chúc thạu khoăn thượng thọ bố mẹ". Khi con cháu đã chúc xong, thầy Tạo hoặc thầy Bụt tiếp tục thực hiện đầy đủ các nghi thức của mình hoàn thành phần lễ "thạu khoăn".

Lễ "thạu khoăn", của người Tày Cao Bằng giờ đây vẫn được duy trì. Con, cháu dù có đi xa làm ăn, dù là cán bộ to, mỗi khi nhận được tin gia đình tổ chức lễ "thạu khoăn" cho ông bà, cha mẹ thì đều cố thu xếp để về...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem