Thay đổi tư duy làm ruộng

Thứ hai, ngày 26/03/2012 10:19 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Bước đầu, những cánh đồng mẫu lớn đã được hình thành tại một số địa phương với nhiều triển vọng tốt, tiến tới sự làm ăn lớn.
Bình luận 0

Diện mạo bước đầu thay đổi

Cánh đồng của HTX Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) là một trong những địa điểm được lựa chọn thí điểm xây dựng cánh đồng mẫu lớn (CĐML) trong vụ đông xuân năm nay.

img
Xây dựng cánh đồng mẫu lớn sẽ giúp đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp.

Ông Hoàng Xuân Điền - Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Nghĩa Thịnh cho biết: “Ngay khi được chọn triển khai xây dựng CĐML, HTX đã vận động bà con nông dân tự nguyện tham gia mô hình. Đến nay, đã có 703/762 hộ, với 1.054 lao động của HTX tham gia CĐML trên diện tích 100ha”. Sau khi “gom” được ruộng, HTX đã đảm đương toàn bộ hai khâu làm đất và tưới, tiêu, qua đó, giá làm đất được tính rẻ hơn giá thuê ngoài.

Mô hình cánh đồng mẫu lớn được triển khai thí điểm tại 3 tỉnh phía Bắc: Nam Định, Thái Bình và Thanh Hóa trong vụ đông xuân 2012.

Theo ông Điền, tuy vẫn là diện tích nhà nào, nhà nấy làm; lúa nhà nào, nhà nấy thu, nhưng CĐML có thể gọi là cánh đồng “ba cùng” (cùng cấy 1 loại lúa, cùng trà, cùng phương thức gieo cấy, cùng áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP).

Tại thôn Ngô Xá, xã Nguyên Xá (huyện Vũ Thư, Thái Bình), lần đầu tiên trong vụ đông xuân, CĐML được thí điểm ở đây với diện tích 46ha. Có CĐML, nông dân chỉ gieo cấy giống QR1 và giống VS1. Những ruộng lúa rộng hàng chục ha, trải dài trên cùng thửa đất, có đường bê tông đủ rộng để máy gặt đập liên hợp và các phương tiện giao thông đi vào.

Ông Nguyễn Phi Hùng - Chủ nhiệm HTX Nguyên Xá, cho biết: “Trước đây, cả xã có 300ha canh tác, thì có tới 6.000 mảnh, nhưng năm 2011, đã đồn điền đổi thửa, còn lại 2.500 mảnh”. Theo ông Hùng, làm CĐML sẽ giúp điều tiết được nước, phòng trừ sâu bệnh và lúa chín đều cả cánh đồng. Có máy móc cơ giới vào, sẽ làm được đồng loạt, tránh mỗi ruộng một màu trên cánh đồng.

Doanh nghiệp gặp khó khi tham gia

Ông Đoàn Văn Sáu- Giám đốc Công ty TNHH Cường Tân, một đơn vị đầu tư CĐML ở Nam Định cho biết: “Chúng tôi đủ điều kiện để bê tông hóa tất cả bờ vùng, bờ thửa trên cánh đồng, cũng như hoàn thiện hơn nữa hệ thống kênh mương. Nhưng vì thời gian thuê đất rất ngắn, chỉ được 5- 6 năm, nên chúng tôi chưa dám đầu tư. Nếu nhà nước có chính sách, có cơ chế đặc thù cho DN thuê đất dài hơn, chẳng hạn thời gian thuê từ 10- 20 năm, thì sẽ thuận lợi cho DN rất nhiều”.

Một khó khăn nữa, theo ông Nguyễn Viết Sáu - Phó Ban điều hành Chương trình "Cùng nông dân ra đồng” (Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang), ở miền Bắc, việc triển khai CĐML gặp khó khăn do ruộng đất manh mún, chỉ 46ha, nhưng của gần 400 hộ, trong khi CĐML ở miền Nam từ 400-500ha, thậm chí hơn 1.000ha/mô hình, số hộ cũng ít hơn.

Được biết hiện Công ty này đang tiến hành làm mô hình khép kín tại Thái Bình bao gồm cung cấp giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật và bao tiêu đầu ra. Ông Sáu cho biết: “Bước đầu, chỉ mong chuyển giao được quy trình kỹ thuật canh tác, giúp nông dân ghi chép nhật ký đồng ruộng, tạo thói quen sử dụng một loại giống, nâng cao năng suất, giảm các chi phí, công lao động”.

Vừa làm vừa rút kinh nghiệm

Ông Nguyễn Phùng Hoan - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Nam Định cho rằng: “Việc triển khai thí điểm mô hình khá gấp, hiệu quả đến đâu, phải chờ một thời gian nữa mới có thể đánh giá. Tuy vậy, việc xây dựng CĐML là hướng đi cần thiết để xây dựng nền sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh cơ giới hóa. Hiện tại, Nam Định đã triển khai được 12 mô hình này ở các huyện trong toàn tỉnh”.

Theo Bộ NNPTNT, vụ đông xuân 2012, cả nước có 20 tỉnh tham gia CĐML, với diện tích khoảng 19.000 ha. Riêng ở miền Bắc, 3 tỉnh đi đầu là Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định, với tổng diện tích trên 1.000ha. Dự kiến vụ mùa tới, 3 tỉnh trên sẽ nâng diện tích lên 1.700ha.

Để xây dựng CĐML, Bộ NNPTNT đã quy định, diện tích để xây dựng CĐML phải đảm bảo cánh đồng liền vùng, liền thửa từ 50ha trở lên. Tuy nhiên, theo ghi nhận đối với các tỉnh miền Bắc, để có những cánh đồng đạt chuẩn như thế là rất khó khăn. Càng khó khăn hơn khi trên diện tích khá lớn đó, nông dân chỉ được gieo cấy ít nhất là từ 1- 2 giống lúa... Ông Trần Minh Bằng - Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Trọng Quan, huyện Đông Hưng (Thái Bình) cho biết: “Việc quy định cánh đồng mẫu lớn là 50ha thì rất khó, chỉ nên khoanh vùng 20ha là vừa. Bởi khi nông dân cấy 1-2 giống lúa trên mô hình điểm CĐML nhưng hiện nay chưa có doanh nghiệp nào đứng ra thu mua sản phẩm cho nông dân”.

Còn theo bà Đoàn Thị Kim Tứ- Phó Giám đốc Trung tâm Khảo nghiệm, khuyến nông, khuyến ngư Thái Bình, hiện Thái Bình đang làm cơ chế, chính sách cho phát triển mô hình CĐML. Từ vụ mùa tới, tỉnh sẽ hỗ trợ 100% giống, 30% phân bón, liên kết với doanh nghiệp bao tiêu cho nông dân làm CĐML.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem