Thầy giáo 3 lần lập kỷ lục viết sử bằng thơ, "biến" môn học khô khan trở nên mượt mà, dễ nhớ
Thầy giáo 3 lần lập kỷ lục viết sử bằng thơ, "biến" môn học khô khan trở nên mượt mà, dễ nhớ
T.Linh
Thứ bảy, ngày 02/04/2022 15:20 PM (GMT+7)
Không chỉ lập 3 kỷ lục viết sử bằng thơ lục bát, thầy giáo Lê Văn Cường còn có nhiều bằng khen, giấy khen trong quá trình dạy học cũng như các hoạt động khác. Với cách áp dụng dạy môn Lịch sử bằng thơ lục bát dễ nhớ, thầy Cường khiến nhiều học sinh nung nấu thêm tình yêu mãnh liệt với môn học này.
"Muốn sử đến gần hơn với cuộc sống con người chứ không còn đáng sợ"
Thầy giáo Lê Văn Cường (sinh năm 1984) hiện đang công tác tại trường THPT Cảm Ân, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Ngôi trường này thuộc khu vực bán nông thôn, nằm trên tuyến quốc lộ 70, cách thành phố Yên Bái 25km. 2 năm vừa qua trường THPT Cảm Ân là lá cờ đầu trong phong trào thi đua xây dựng "Trường học hạnh phúc" khối THPT toàn tỉnh.
Thầy Cường là người 3 lần xác lập kỷ lục Việt Nam viết sử bằng thơ lục bát về lịch sử thế giới, Việt Nam và địa phương, dài nhất Việt Nam các năm 2016, 2018, 2022. Từ 2015 đến 2022, thầy Cường nghiên cứu, sáng tác và xuất bản 7 tập thơ, trong đó có 4 cuốn là các tác phẩm thơ lục bát phục vụ việc giảng dạy và học tập bộ môn Lịch sử thế giới, Lịch sử Việt Nam và Lịch sử địa phương Yên Bái.
Thầy Cường chia sẻ với Dân Việt, 16 năm trong nghề, thầy luôn mong muốn tìm ra phương pháp tiếp cận và dạy học Lịch sử mới giúp học sinh hứng thú hơn. Và thế là các cuốn sách thơ lục bát về lịch sử ra đời.
"Việc giáo dục lịch sử và truyền thống cho thế hệ trẻ hiện nay còn khá khiên cưỡng và khô khan, nặng về ôm đồm sự kiện, kinh viện, không hướng tới cảm xúc của người học do vậy nên ít nhiều nảy sinh tâm lý chán nản của học sinh khi học Lịch sử. Mình muốn thay đổi điều tưởng chừng như không thể này", thầy Cường nói.
"Mình cùng với các thầy cô giáo trong nhóm bộ môn Lịch sử nhà trường thường xuyên tham gia ôn luyện đội tuyển HSG Lịch sử hàng năm và đạt được 1 số thành tích đáng khích lệ như: 3 giải Ba, 6 giải Khuyến khích cấp trong những năm gần đây. Dù chưa có giải Nhất, giải Nhì nhưng với 1 trường nông thôn miền núi còn nhiều khó khăn với hơn 1/3 học sinh là người thiểu số thì những thành tích nêu trên là rất lớn lao, phản ánh những nỗ lực không ngừng nghỉ, mong muốn vượt lên và khẳng định bản thân của cả thầy và trò nơi đây" – thầy Lê Văn Cường.
Thầy Cường nhận định, việc dạy sử bằng thơ đã góp phần tạo ra một sự thay đổi mới về nhận thức trong việc dạy học Lịch sử ở trường THPT. Đối với đội ngũ giáo viên dạy Lịch sử, đó là việc có thêm công cụ hữu hiệu sáng tạo trong việc truyền đạt kiến thức cho học sinh thông qua các cuốn sách mình sáng tác. Đối với các học sinh, thì đây là các cuốn tài liệu tham khảo bổ ích và lý thú về lịch sử địa phương giúp các em khái quát được các sự kiện lịch sử từ thời nguyên thủy đến nay một cách dễ dàng, khoa học.
"Việc mình muốn sử dụng thơ lục bát để truyền tải những câu chuyện lịch sử hấp dẫn và mềm mại hơn xuất phát từ thực tế môn Lịch sử không được học sinh cũng như xã hội coi trọng trong nhiều năm về trước, thậm chí học sinh xé SGK Lịch sử khi nghe tin không phải thi tốt nghiệp môn này. Trong khi đó, thời học phổ thông ở các môn học khác chỉ một vài câu thơ lục bát như Bài ca hóa trị môn Hoá, thơ lục bát tính diện tích hình thang môn Toán... đã gây thiện cảm và ấn tượng với học sinh phổ thông một thời. Những điều đó cũng là một trong các nguyên nhân thúc đẩy mình sử dụng thơ lục bát để sáng tác lịch sử nhằm giúp học sinh và người yêu thích lịch sử tiếp cận dễ dàng và gần gũi hơn. Nói cách khác, mình muốn sử đến gần hơn với cuộc sống con người chứ không còn "đáng sợ" và chỉ là sản phẩm và chỉ được quan tâm nhỏ hẹp trong giới nghiên cứu...", thầy Cường tâm sự.
Theo thầy Cường, môn Lịch sử khô khan và khó học có nhiều nguyên nhân, trong đó lỗi phần lớn đến từ phương pháp giảng dạy của người thầy, đa phần áp đặt ý chí của mình cho học sinh. Các con số, sự kiện dài dằng dặc bắt các em phải nhớ là nỗi ám ảnh và ác mộng đối với đa số học sinh khi học Lịch sử. Do vậy, nếu như giáo viên biết cách làm cho kiến thức, sự kiện, biến cố lịch sử từ chỗ khô cứng trở nên mượt mà hơn, hấp dẫn hơn thông qua các câu chuyện lịch sử, các vần thơ mềm mại sẽ tạo nên xúc cảm và hứng thú mới đối với các em, từ đó giúp cho các em thấy được rằng học Lịch sử cũng hay, hấp dẫn chứ không phải chỉ là học thuộc lòng các con số ngày tháng năm vô tri vô giác....
Em Trần Đức Phước, học sinh lớp 10A1, trường THPT Cảm Ân cho biết: "Qua các tập thơ viết sử và cách dạy học Lịch sử bằng thơ lục bát của thầy Cường, kiến thức, sự kiện lịch sử được kết hợp với nghệ thuật tinh tế của thơ ca, nhất lại là thể thơ lục bát dễ đi vào lòng người. Dưới lăng kính nhìn nhận của người học, em thấy vừa thú vị, vừa nhận thấy bộ môn Lịch sử hóa ra lại hấp dẫn không ngờ".
Còn em Nguyễn Văn Đạt, lớp 12A1, học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử năm học 2021-2022 thì cho hay: "Các cuốn sách viết sử bằng thơ của thầy thêm thôi thúc tinh thần của em, giúp cho tình yêu với bộ môn Lịch sử của em thêm mãnh liệt hơn. Nhiều sự kiện, biến cố được ghi nhớ và vận dụng vào bài làm của em trong kỳ thi HSG tỉnh vừa rồi".
Thầy giáo đa tài
Ngoài đam mê lịch sử và công việc dạy học lịch sử, thầy Cường khá đa tài khi sáng tác thơ ca, thầy hiện là Hội viên hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Yên Bái. Trong công tác dạy học, thầy có nhiều thành tích và nhận được bằng khen của các cấp, ban ngành của tỉnh Yên Bái. Thầy từng là Bí thư Đoàn trường giai đoạn 2013-2018, nhận bằng khen của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh năm học 2015 – 2016, là điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo lời Bác giai đoạn 2012-2017, 1 lần đạt giải Nhì (2016) và 1 lần đạt giải Khuyến khích (2020) Hội thi Sáng tạo kĩ thuật tỉnh Yên Bái, giành giải Nhất đơn nam môn bóng bàn Đại hội TDTT ngành GDĐT Yên Bái năm 2013, đạt giải 3 Hội thi giáo viên dạy giỏi THPT cấp tỉnh năm học 2016-2017…
Hiện thầy Cường đã lập gia đình và có 2 con, trong đó có 1 con gái đang học lớp 5.
Thầy Cường chia sẻ, con gái học lớp 5 của thầy cũng rất thích đọc sách, yêu thích các cuốn sách thơ lục bát của bố sáng tác và đã áp dụng vào việc học tập trên lớp, đạt được kết quả khá tốt môn Lịch sử, Địa lý.
"Mình thấy rằng từ tình yêu, nhiệt huyết và đam mê của bố đã ít nhiều tác động và khích lệ tích cực đến việc tìm hiểu kiến thức Lịch sử và nuôi dưỡng tình yêu quê hương đất nước cho các con mình", thầy Cường bày tỏ.
Về bí quyết để đạt điểm cao Lịch sử trong các kỳ thi, thầy Cường khuyên: "Trước hết các em phải yêu thích bộ môn và tự hào về lịch sử dân tộc mình, điều đó thôi thúc các em học tập để tìm hiểu. Trong quá trình học, các em nên tăng cường việc làm bài tập, vận dụng nhiều phương pháp học khác nhau vào bộ môn như: học sử bằng thơ, lập bảng biểu thống kê, lập bảng so sánh, sơ đồ hoá, hệ thống hóa kiến thức kết hợp với vẽ sơ đồ tư duy Lịch sử một cách thường xuyên... thì chắc chắn việc ghi nhớ và hiểu đúng bản chất vấn đề lịch sử của các em sẽ được nâng cao".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.