Thầy giáo An Giang sáng tạo những công trình kiến trúc nổi tiếng thế giới bằng tăm tre
Thầy giáo An Giang sáng tạo những công trình kiến trúc nổi tiếng thế giới bằng...tăm tre
Bảo Phong
Thứ ba, ngày 19/07/2022 08:00 AM (GMT+7)
Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn ở Việt Nam, Tháp Eiffel, Nhà thờ Đức Bà Paris, Khải Hoàn Môn ở thủ đô Paris của nước Pháp hay Đồng hồ Pig Ben ở thủ đô London của nước Anh là những công trình kiến trúc nổi tiếng trên thế giới được một thầy giáo ở tỉnh An Giang tái dựng bằng cách tạo hình từ những chiếc tăm tre
Sản phẩm mô hình các công trình kiến trúc nổi tiếng thế giới được thực hiện một cách độc đáo bằng nghệ thuật thủ công y như thật khiến ai cũng thán phục, yêu thích.
Dù là thầy giáo dạy môn Hóa học nhưng Huỳnh Quốc Phong ở xã Mỹ An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang lại có đam mê nghệ thuật.
Công việc tạo hình những công trình kiến trúc nổi tiếng của thế giới khởi động sau nhiều năm tham gia vào "Hội yêu làm nhà bằng tăm tre" trên mạng internet, và cũng đáp ứng niềm đam mê sáng tạo khoa học kỹ thuật từ thuở bé.
Trải nghiệm công việc sáng tạo các công trình kiến trúc nổi tiếng thế giới của thầy giáo dạy môn Hóa học Huỳnh Quốc Phong, xã Mỹ An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Video: Bảo Phong.
Anh Phong chia sẻ: "Từ nhỏ thì em rất thích mỹ thuật và cũng rất thích những sản phẩm làm handmade (làm thủ công-PV). Khi bắt gặp những sản phẩm đó thì cùng sở thích với mình nên em đầu tư suy nghĩ, tận dụng thời gian rãnh để làm theo đam mê. Ban đầu làm những ngôi nhà nho nhỏ, rồi sau thiết kết thêm vài công trình như Tháp Eiffel, Tháp đôi của Malaysia, Nhà thờ Đức Bà Paris, Khải Hoàn Môn của Pháp rồi đến Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn ở Việt Nam...".
Nghệ thuật tạo hình không khó nhưng đòi hỏi phải kiên trì, tỉ mẫn từng công đoạn. Để hình thành công trình kiến trúc thu gọn trước tiên Phong truy cập internet rồi phát thảo ý tưởng trên máy tính, vẽ bản thảo ra giấy sau đó đo, kẻ tỷ lệ rồi thực hiện. Rất kỳ công mới tạo thành sản phẩm hoàn chỉnh, đẹp và hấp dẫn, khó khăn nhất vẫn là công đoạn thiết kế bản vẽ, hình thành ý tưởng ban đầu.
"Mình tải hình ảnh trên mạng về điện thoại rồi sử dụng thước nhỏ đo kích thước trong ảnh sau đó tính tỷ lệ và phóng lên bao nhiểu để so sánh với những phần khác. Càng nhiều hình ảnh thì độ chi tiết của sản phẩm mình càng tốt hơn, chi tiết hoa văn càng nhỏ thì càng đẹp. Mỗi sản phẩm tùy theo độ lớn nhỏ mà thời gian hoàn thành khác nhau thí dụ như đối với nhà thờ Đức Bà Sài Gòn em làm trong thời gian khoảng 1 tháng từ công đoạn sưu tầm hình ảnh, thiết kế đến hoàn chỉnh".
Nét tinh tế và độ sắc xảo tạo nên sức hấp dẫn, mỗi công trình do anh Phong sáng tạo ra đời cái nào cũng ấn tượng.
Vì vậy được rất nhiều khách hàng đón nhận các sản phẩm sáng tạo được lắp ghép từ tăm tre của anh Phong. Sản phẩm còn thú vị hơn khi được chủ nhân trang trí thêm nhiều hoa văn, họa tiết.
Tùy theo chi tiết mà mỗi sản phẩm có giá trị khác nhau, sau khi tham gia vào Hội Tăm tre, hiện sản phẩm handmade này cũng chiếm lĩnh thị trường cộng đồng mạng, ngay cả người khó tính ở ngoài nước cũng thích thú.
Một số tác phẩm tạo hình từ tăm tre của thầy giáo dạy môn hóa học Huỳnh Quốc Phong, xã Mỹ An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Ảnh: Bảo Phong.
"Không phải là dân chuyên nghiệp nhưng qua thấy mô hình kiến trúc trong đó khung sườn giống rất nhiều cho thấy cháu nó rất khéo tay, những chi tiết tỉ mĩ như thế này thì cháu nó làm tương đối giống hết", mẹ anh Phong cho hay.
Tài năng sáng tạo với lòng đam mê từ tâm qua ánh mắt của chàng trai 8X đã tạo thêm nét chấm phá đặc trưng của loại hình nghệ thuật mới mẻ và hấp dẫn người dùng. Ao ước sắp tới của thầy giáo làm nghệ thuật ở An Giang là sáng tạo thêm nhiều sản phẩm độc đáo hơn nữa và sẽ tham gia vào Hội thi sáng tạo Khoa học kỹ thuật do tỉnh An Giang tổ chức.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.