Tới vườn sinh thái của “ông trùm” Bến Tre, nhâm nhi rượu... ca cao

Thuận Hải Thứ năm, ngày 19/06/2014 06:55 AM (GMT+7)
Tới vườn sinh thái của “ông trùm” ca caoTư Thành ở Bến Tre, du khách không chỉ được nhâm nhi nhiều loại trái cây tươi ngon của miền Tây, mà còn được thử loại rượu “made in nhà vườn” thơm nồng, ngòn ngọt rất dễ chịu: Rượu ca cao.
Bình luận 0

Đến thăm Khu du lịch sinh thái Đại Lộc của lão nông Tư Thành (Nguyễn Công Thành, ngụ ấp Sơn Châu, xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre), du khách không chỉ được nhâm nhi nhiều loại trái cây tươi ngon của miền Tây, mà còn được thử loại rượu “made in nhà vườn” thơm nồng, ngòn ngọt rất dễ chịu: Rượu ca cao.

---------

Vào một ngày cuối tháng 5 đẹp trời, chúng tôi ghé thăm Khu du lịch sinh thái Đại Lộc, thấy Tư Thành đang lúi húi giặm cỏ, vô phân cho mấy khóm hồng, chậu mai trong vườn.

Thấy khách ghé thăm, ông đon đả nói: “Mấy ngày nay nhiều khách quá, có ngày bán ra cả ngàn vé. Khách đông nên họ giẫm nát hết cỏ, giờ tui phải chuốt lại cho đẹp”.

Cả buổi, tôi đã được ngồi nghe ông kể chuyện đầu tư làm nông nghiệp, rồi làm du lịch sinh thái, nhà hàng ăn uống đủ kiểu, giọng điệu sành sỏi như một doanh nhân thực thụ.

“Ông trùm” cây giống ca cao

Gắn bó với nông nghiệp gần 30 năm, ban đầu, Tư Thành được biết đến với vai trò nhà vườn cung cấp giống cây ăn trái các loại cho vùng ĐBSCL. Một số loại cây giống đơn giản, phổ biến như sầu riêng, ổi không hạt và một số cây trồng khác. Miệt mài, chăm chỉ ươm, trồng rồi mang tới cung cấp tận các vườn, nhưng giá bán ra các loại cây giống không lớn, lợi nhuận thu lại do đó cũng không bao nhiêu.

Năm 2001, một dịp tình cờ, Tư Thành được người quen ở Trung tâm Giống Bến Tre giới thiệu đến Trường Đại học Nông lâm TP.HCM tham quan mô hình ươm cây giống ca cao. Bản tính ham cái mới, cái lạ, lại sẵn có kinh nghiệm nhiều năm trong nghề làm cây giống, ông được nhà trường giao 600 cây ca cao đầu dòng về ươm làm mắt ghép.

“Lúc này, cây ca cao chưa được trồng phổ biến ở Việt Nam, mình lại thiếu kinh nghiệm với cây ca cao nên tỷ lệ mắt ghép thành công không nhiều, tỷ lệ hạt nảy mầm cũng không bao nhiêu” - Tư Thành kể lại.

Mặc dầu vậy, với sự trợ giúp của các chuyên gia từ Đại học Nông lâm TP.HCM, ông cũng dần dần khắc phục được các khuyết điểm. Qua nhiều lần “tự rút kinh nghiệm”, vườn ươm ca cao Tư Thành cũng được nhà vườn trong vùng biết đến.

Tới năm 2004, khi tỉnh Bến Tre thực hiện dự án trồng 10.000ha cây ca cao, ông Tư Thành là một trong những nông dân đầu tiên được mời tham gia dự án, với hợp đồng ký kết giao khoảng 300.000 cây giống ca cao cho tỉnh. “Đây là dự án lớn, cả về quy mô lẫn tính chất công việc. Hợp tác với tỉnh nên phải thiệt uy tín, giao hàng đúng hẹn, đúng chất lượng. Tôi là người đầu tiên được tỉnh chọn hồi đó” - ông Tư tự hào nhớ lại.

Từ diện tích vườn ươm ban đầu chỉ khoảng 2 công đất, đến nay Tư Thành được biết đến như một “ông trùm” cây giống ca cao với vườn ươm rộng gần 3ha. Mỗi năm, ông cung cấp hơn 700.000 cây giống, từ dòng TĐ1 đến TĐ13, trải khắp các tỉnh vùng ĐBSCL.

Không chỉ cung cấp giống cây cho nhà vườn, ông Tư Thành cũng mày mò tìm hiểu và xử lý thành công để cây ca cao ra trái 2 vụ/năm, mang lại thu nhập cao hơn cho người trồng. Ông kể lại: “Cách đây chục năm, bà con ở xa mua cây giống có phần khó khăn. Bây giờ dễ hơn rồi, tui còn lập website caygiongtuthanh.com để bán hàng, bà con vô tham khảo thoải mái rồi gọi điện đặt hàng là “ôkê” luôn”.

Lập khu du lịch sinh thái

Bán cây giống, Tư Thành có dịp đi nhiều nơi, tham quan nhiều vườn cây của bà con các vùng miền. Thấy nhiều nơi xây dựng được mô hình du lịch sinh thái “hay quá trời” (như cách mà ông vẫn hay nói). Mỗi lần như thế, ông đều tự đặt câu hỏi, hay như thế mà tại sao mình không làm thử? Nói là làm, năm 2012, ông dốc hết tiền tài, vốn liếng nhiều năm tích cóp ra “lên đời” cho khu nhà vườn rộng hơn 20 công sẵn có.

Ban đầu, ông đầu tư xây 35 phòng ngủ cho khách nghỉ qua đêm. Đồng thời, ông cũng thiết kế các khu nhà chòi xen kẽ giữa những ao cá, vườn cây, chuồng thú… để khách vừa nghỉ ngơi, thư giãn, vừa được sống hòa mình với thiên nhiên. Và giờ đây, ông đã chính thức trở thành ông chủ Khu du lịch sinh thái Đại Lộc.

 

“Mình có lợi thế lớn là vị trí địa lý thuận lợi, bên cạnh dòng kênh Chợ Lách, tuyến đường thủy huyết mạch của tỉnh, quanh năm nước trong xanh, trong vườn thì sẵn nhiều loại cây trái như dâu, sầu riêng, chôm chôm…”, vừa kể, ông vừa đưa tôi rảo bước ra sau vườn, nơi có đến 3 đoàn khách du lịch đang xếp hàng chụp hình kỷ niệm và chờ nhận phòng nghỉ.

Bên cạnh những “vốn liếng” là cây nhà lá vườn trên, ông cũng đầu tư nuôi thêm cá sấu, sóc, khỉ… cho khách tham quan. Sộp hơn nữa, Tư Thành đầu tư trên 100 triệu đồng mua luôn chiếc thuyền lớn làm “du thuyền”, cho khách thuê đi chơi sông nước miền Tây, đi tắm Cồn…

Cùng với các khoản “chơi”, Tư Thành cũng đầu tư nhà hàng một cách kỳ công với các món đặc sản miền Tây, phục vụ khoản ăn uống cho du khách. Điều đặc biệt ở “nhà hàng” của lão nông này là những món ăn chế biến bằng nguyên liệu tại vườn, trong đó có rượu ca cao.

Lại nói về rượu ca cao, Tư Thành tự hào giới thiệu nó như một loại đặc sản của Khu du lịch sinh thái Đại Lộc. Trong vườn vốn có hơn 1.000 cây ca cao trồng xen cây ăn trái, mọi năm ông Thành thường “bán đứt” trái ca cao cho thương lái. Thế nhưng, từ khi làm khu du lịch, ông mày mò nghiên cứu, đem trái ca cao ngâm, ủ, rồi ép lấy nước và làm rượu.

Theo đó, mùa mưa, một tấn ca cao tươi ông Thành chế biến được 15 lít rượu ca cao, trong khi mùa nắng chỉ được khoảng 4 – 5 lít. Do độ cồn nhẹ, chỉ 12 độ, lại có nguồn gốc trái cây tươi, rượu ca cao của Khu du lịch Đại Lộc được cả khách nam lẫn nữ ưa chuộng. Ngoài ra, ông còn rang, xay hạt ca cao ra thành bột, pha nước giải khát cho khách được nhiều người khen ngon.

Ngày thường, ông Thành đón từ 50 - 70 khách tham quan. Cuối tuần, con số có thể lên vài trăm người. Dù bận rộn, ông vẫn không quên dành thời gian chăm sóc vườn cây giống ca cao, với mong muốn phát triển loại cây trồng xen này trên đất Cửu Long.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Tư Thành còn liên kết với các nhà vườn xung quanh, cùng cung cấp trái cây cho khách hàng có nhu cầu, kết nối với các điểm du lịch sinh thái khác trong vùng. Ông cũng là người thu mua trái ca cao của bà con trong khu vực để làm rượu, chế biến bột ca cao. Ông Thành cho rằng, làm nông bây giờ phải liên kết lại thì mới “dễ ăn”, không chỉ mình “thắng”, mà là cả họ, cả làng cùng được mùa, cùng phát triển.

Dù giờ đã là “ông chủ” của khu vườn sinh thái tuyệt đẹp, nhưng khi chia tay chúng tôi, ông Tư Thành vẫn mộc mạc nói: “Đất sông nước miền Tây mình đẹp lắm, nhiều tiềm năng lắm, chỉ có điều dân mình có chịu khó suy nghĩ, học hỏi để vươn lên làm chủ trên chính mảnh đất của mình hay không thôi. Chỉ độ vài tháng nữa, tôi đảm bảo khu vườn này sẽ đẹp hơn nữa”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem