Nhớ từng chữ 12.000 cuốn sách dù không biết cài cúc áo

Quang Minh – Tổng hợp Thứ năm, ngày 02/06/2016 09:55 AM (GMT+7)
Nhắc tới Kim Peek là nói tới một bác học thực sự với kiến thức uyên thâm, trí nhớ siêu phàm dù ông không thể tự cài cúc áo nếu không được trợ giúp.
Bình luận 0

imgLaurence Kim Peek, người có thể ghi nhớ hầu như từng chữ trong 12.000 cuốn sách

Những thiên tài xuất hiện trong loạt bài này đều có khả năng siêu phàm, khác xa người thường, nhưng cuộc sống của họ lại không may mắn hoặc thiếu những năng lực mà người bình thường ai cũng có.

Laurence Kim Peek, sinh năm 1951, mất năm 2009 là một nhà thông thái người Mỹ. Ông được người đời ngợi ca là “siêu bác học” vì có trí nhớ tuyệt đỉnh. Tuy nhiên, thiên tài này gặp phải rất nhiều khó khăn trong cuộc sống mà nguyên nhân là bởi não của ông gặp vấn đề. Kim Peek chính là nguyên mẫu của bộ phim điện ảnh Rain Man nổi tiếng giành 4 giải Oscar danh giá.

Peek sinh ra ở thành phố Salt Lake, bang Utah với chứng não to, tổn thương tiểu não, thiếu thể chai nối hai bán cầu não. Các nhà khoa học cho rằng chính vì thiếu thể chai này mà Kim Peek có được khả năng ghi nhớ gần như tuyệt đối.

Ông Fran Peek, cha của Kim Peek cho biết con trai ông ghi nhớ tất cả mọi thứ từ khi 16 tháng tuổi. Dạo đó, cậu bé Kim đã có thể đọc sách, ghi nhớ và thường để ngược quyển sách trên giá để đánh dấu rằng mình đã đọc xong.

img

Bộ phim "Rain Man" giành 4 giải Oscar dựa trên nguyên mẫu Kim Peek.

Kim Peek chỉ mất một tiếng để đọc hết một quyển sách và quan trọng hơn, ông nhớ được hầu như mọi chi tiết trong đó. Dù kiến thức đó thuộc lĩnh vực như lịch sử, văn học, địa lý, thể thao, âm nhạc, Kim đều ghi nhớ không bỏ sót. Bố của Kim không biết con trai mình học đọc ở đâu, chỉ biết rằng khi được 16 tháng, Kim Peek bắt đầu cầm sách đọc như đã biết chữ từ rất lâu.

Điểm đặc biệt nữa của Kim Peek chính là ông đọc 2 trang sách cùng lúc bằng 2 mắt: mắt trái nhìn trang bên trái và tương tự với mắt phải. Theo tờ The Times, ông ghi nhớ được nội dung của khoảng 12.000 cuốn sách. Khi còn sống, ông dành thời gian đọc sách ở thư viện thành phố Salt Lake.

Kim Peek đam mê rất nhiều thứ và có thể trả lời hầu như mọi câu hỏi về bất kì lĩnh vực nào, gồm lịch sử, âm nhạc, thể thao, địa lý và phim ảnh. “Ông ấy là một đỉnh núi Everest về trí nhớ”, tiến sĩ Darold Treffert, người biết Kim trong hơn 20 năm, chia sẻ. Kim thuộc hầu như mọi vở kịch của Shakespeare và khi xem, ông sẽ dừng các diễn viên lại nhiều lần vì họ biểu diễn không giống nguyên tác.

img

Kim Peek được cho là đọc hết 12.000 quyển sách và nhớ hầu hết nội dung.

Tiến sĩ Harold nói: “Kim Peek thuộc mọi mã vùng và mã zip của nước Mỹ cũng như mọi đài truyền hình ở các khu vực. Ông biết hàng trăm bài nhạc giao hưởng, cho biết chính xác nó được chơi khi nào, ở đâu, do ai biểu diễn, ai là nhà soạn nhạc và nhiều thông tin bên lề khác”.

Dù trí tuệ vượt trội nhưng tới năm 4 tuổi Kim Peek mới biết đi. Ông không thể tự cài cúc áo và không thể điều khiển xe mô tô một cách bình thường. Trong các bài đánh giá IQ, Kim Peek chỉ đạt 87 điểm.

Năm lên 6 tuổi, Kim từng được phẫu thuật thùy não để xử lý tình trạng tự nói chuyện và hiếu động liên tục. Khi vào tiểu học, ông bị đuổi khỏi trường ngay khi nhập học một thời gian vì không thể tập trung quá 7 phút trong lớp. Vì điều này Kim Peek ở nhà và giáo viên tới kèm ông học tại gia hai tuần một lần, mỗi lần 45 phút. Năm 14 tuổi, Kim Peek đã học xong toàn bộ chương trình phổ thông.

Chuyện kể rằng năm lên 18 tuổi, ông được thuê tính bảng lương cho 160 người và ông hoàn thành chỉ sau vài giờ ngắn ngủi mà không cần dùng tới máy tính. Tuy nhiên một thập kỷ sau đó ông thất nghiệp vì quá trình tính lương được máy tính hóa. Ông được thay thế bởi hai nhân viên kế toán và một máy tính điện tử.

img

Mỗi khi đọc xong ông lại úp ngược sách trên giá.

Năm 2004, các nhà khoa học tại Trung tâm Khoa học sự sống hành tinh ở Trung tâm Nghiên cứu Ames thuộc NASA đã chụp X-quang và chụp cộng hưởng từ Kim Peek. Mục đích ban đầu là tạo ra hình ảnh 3 chiều cấu trúc não của Kim Peek và so sánh với mẫu chụp MRI năm 1988. Sau 4 năm nghiên cứu, kết quả cho thấy Kim Peek mắc hội chứng FG, một dạng gene hiếm gặp khiến người bệnh mắc chứng não to.

Tác động lớn nhất tới Kim Peek chính là khi ông được xem bộ phim Rain Man do Barry Morrow làm biên kịch. Kim Peek thừa nhận bộ phim đã thay đổi toàn bộ cuộc đời ông, từ việc không bao giờ dám nhìn vào mắt người khác, ông đã có thể giao tiếp tương đối ổn và học chơi nhạc cụ.

Kim Peek đột ngột qua đời vì trụy tim năm 2009 ở tuổi 58. Sau đó 5 năm, cha ông là Fran Peek cũng qua đời khi vừa qua tuổi 88. Cả cuộc đời Kim Peek chỉ sống cùng cha ruột sau khi bố mẹ ông li dị.

________________

Đón đọc bài sau vào 10h ngày 3.6: “Siêu nhân” học ngoại ngữ khó nhất thế giới trong 1 tuần

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem