Xã Đồng Văn có 570ha đất canh tác thì tới 88ha đất nuôi trồng thủy sản. Vài năm trở lại đây, người nuôi cá đứng trước nhiều khó khăn như giá thức ăn tăng cao, giá bán cá lên xuống thất thường và đặc biệt là thiếu vốn đầu tư.
Vốn đến đúng lúc
Ông Tô Trọng Vọng (thôn Bá Văn) tâm sự: “Tính đến nay gia đình tôi nuôi cá đã 11 năm. Năm 2003, tôi đấu thầu 0,3ha đất của xã cùng với 0,3ha đất canh tác của gia đình, tôi chuyển đổi từ lúa 1 vụ năng suất thấp sang đào ao thả cả, kết hợp trồng cây ăn quả và quây chuồng nuôi vịt, gà. Trước đây tôi làm ăn có lãi, nhưng mấy năm gần đây giá thức ăn cho cá tăng cao, giá bán cá lên xuống thất thường, người nuôi cá chúng tôi nhiều phen lao đao. Kiên định bám trụ với nghề nuôi cá nhưng việc thiếu vốn đầu tư sản xuất gây trở ngại lớn cho tôi. Rất may, đầu tháng 8.2012, tôi được Quỹ HTND cho vay 30 triệu đồng”.
Có vốn, ông Vọng cải tạo lại ao nuôi, mua thêm cá giống về thả và mua thêm thức ăn. Gia đình ông có 3 ao cá (trong đó 2 ao thả cá truyền thống như trôi, trắm… và 1 ao thả cá rô phi đơn tính) với diện tích mặt nước 4.000m2. Mỗi năm ông xuất bán 4 tấn cá các loại, trừ chi phí ông bỏ túi 50 triệu đồng.
Cũng được Quỹ HTND cho vay 30 triệu đồng, bà Nguyễn Thị Liệu (thôn Yên Lạc) cho biết: “Gia đình tôi có 4 ao nuôi cá với tổng diện tích 7ha, chủ yếu thả cá truyền thống như trôi, mè, trắm… Để duy trì sản xuất, cải tạo ao nuôi, mua thêm con giống, thức ăn cho cá, cộng thêm chi phí thuê nhân công, tôi cần rất nhiều vốn”.
“Năm 2012, tôi được Quỹ HTND cho vay 30 triệu đồng, số tiền tuy không lớn nhưng thực sự ý nghĩa với gia đình tôi. Tuy nhiên, với thời gian vay 2 năm nguồn vốn đó chưa thể phát huy được hết hiệu quả, giúp chúng tôi xoay vòng cho lứa cá kế tiếp. Vì vậy, chúng tôi mong muốn được T.Ư Hội tăng thêm thời gian và số tiền cho vay, ít nhất tầm 50 triệu đồng/hộ”- bà Liệu kiến nghị.
Giám sát chặt chẽ đồng vốn
Ông Đỗ Hồng Phúc- Chủ tịch Hội ND xã Đồng Văn cho hay: Dự án nuôi cá thương phẩm thực hiện ở xã Đồng Văn từ nguồn vốn của T.Ư Hội trong 2 năm (từ tháng 8.2012 đến tháng 8.2014), mỗi hộ vay từ 25-30 triệu đồng, thời gian vay 24 tháng. Ngay sau khi nhận được nguồn vốn ủy thác từ T.Ư Hội, Hội ND xã đã tiến hành bình xét công khai, ưu tiên các hộ thực sự cần vốn, chí thú làm ăn, có diện tích ao nuôi cá lớn và có khả năng tiếp thu các tiến bộ khoa học kỹ thuật về nuôi trồng thủy sản.
Hiện toàn tỉnh đang triển khai trên 40 dự án, cho 920 hộ vay vốn. Riêng 6 tháng đầu năm 2014, đã triển khai 19 dự án với số tiền 6,7 tỷ đồng, cho 254 hộ vay”.
Trong quá trình triển khai dự án, Hội ND xã cùng Ban Quản lý dự án luôn theo dõi, kiểm tra giám sát việc sử dụng vốn vay của các hộ. Mỗi tháng Ban Quản lý tổ chức cho các hộ vay vốn họp một lần. Nội dung họp là phản ánh tình hình phát triển trong chăn nuôi cá thương phẩm, chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp nuôi cá qua từng giai đoạn, các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho ao nuôi, những diễn biến của thị trường đối với các loại vật tư chăn nuôi và giá bán cá thương phẩm.
Theo ông Lê Văn Linh- Trưởng ban Kinh tế, Hội ND tỉnh Vĩnh Phúc: Tuy nguồn vốn vay chưa nhiều nhưng thực sự có ý nghĩa với các hộ chăn nuôi trong tình trạng khan vốn. Đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ HTND trên địa bàn tỉnh đạt gần 37 tỷ đồng, trong đó vốn của T.Ư Hội ủy thác là 8,15 tỷ đồng, nguồn vốn của tỉnh là 27,6 tỷ đồng, còn lại là nguồn của huyện và xã.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.