Thị trường máy nông nghiệp: Thua trên sân nhà

Chủ nhật, ngày 04/03/2012 05:53 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ở ĐBSCL, sản xuất lúa gần như đã cơ giới hóa toàn bộ, bởi diện tích canh tác lớn. Tuy nhiên, do máy móc trong nước còn kém chất lượng, nên hầu hết nông dân vẫn chọn mua máy ngoại để sử dụng.
Bình luận 0

“Máy ngoại”... 100%

Ông Hồ Văn Dân- Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng (Long An) cho biết: “Cách đây vài năm, đi đâu cũng thấy máy gặt đập liên hợp (GĐLH) của Trung Quốc hoặc máy sản xuất trong nước chạy đầy đồng. Nhưng giờ đã khác, gần 35.000ha đất lúa của huyện này chỉ toàn máy Nhật”.

img
Máy “ngoại” đang thống lĩnh thị trường.

Nhiều nông dân ở đây cho hay, máy Tàu và máy của VN đều bị chê vì chậm và rơi vãi nhiều. Có khi đang chạy ngon trớn, thì máy “ngã bệnh” ngay giữa ruộng làm chủ đất phải chật vật tìm máy khác thay thế. “Nông dân bây giờ chỉ thích máy xịn. Họ giao kèo phải là máy Nhật họ mới thuê. Muốn lấy tiền công cho ngon, máy chạy phải “ngọt”, chứ không được hỏng hóc giữa chừng” - ông Dân nói.

Thực tế, máy GĐLH sản xuất tại Việt Nam, giá chỉ hơn 200 triệu đồng/máy, nhưng máy trong nước có nhược điểm là hay hư hỏng từ năm thứ 2 trở đi. “Máy Việt Nam hay Trung Quốc đều kém chất lượng như nhau. Mỗi lần máy hư sửa mất cả tuần mới xong, nên tôi chấp nhận bỏ ra hơn nửa tỷ bạc để mua máy Nhật cho chắc ăn. Cái máy cũ giờ kêu bán 20 triệu đồng, giá rẻ như sắt vụn mà không ai thèm mua” - ông Nguyễn Văn Lợi, một nông dân ở huyện Tân Hưng nói.

Theo ông Võ Hữu Nghị - Phó trưởng Phòng NNPTNT huyện Tân Hưng, toàn bộ đất lúa ở đây đều canh tác 100% bằng cơ giới, chỉ khi nào lúa bị ngã hoặc ngập nước, mới thu hoạch bằng thủ công. “Toàn huyện có gần 2.000 máy móc phục vụ sản xuất như máy GĐLH, máy cắt xếp dãy, máy làm đất nhưng vẫn không đáp ứng nhu cầu, nên các chủ máy ở Tiền Giang, Đồng Tháp phải kéo sang làm thuê. Nhưng phải là máy Nhật thì nông dân mới chịu” - ông Nghị nói.

Vỏ Việt, ruột nước ngoài

Ông Nguyễn Văn Lang - chủ doanh nghiệp chuyên sản xuất máy GĐLH Tư Sang (Cái Bè, Tiền Giang) cho biết, máy của ông sản xuất dù là “thương hiệu Việt”, nhưng những linh kiện quan trọng đều phải nhập từ Nhật. “Tiếng là máy Việt, nhưng “ruột” toàn linh kiện nước ngoài. Nhiều linh kiện Việt Nam không sản xuất được, còn hàng Trung Quốc phần lớn kém chất lượng” - ông Lang nói.

Theo báo cáo của các ngân hàng khu vực ĐBSCL, dù Nhà nước hỗ trợ lãi suất để nông dân mua máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhưng tiến độ giải ngân vẫn rất chậm. Thậm chí, có nơi chỉ là con số không bởi muốn vay vốn phải mua máy sản xuất trong nước.

Ở ĐBSCL, Công ty CP Cơ khí An Giang là doanh nghiệp sản xuất máy nông nghiệp có tên tuổi, nhưng cũng phải liên doanh với một công ty của Trung Quốc, vì nhiều linh kiện sản xuất trong nước chất lượng thấp, nhưng giá lại rất cao. Theo thống kê, hiện có hơn 20 doanh nghiệp sản xuất máy móc Trung Quốc có mặt tại Việt Nam. Họ sản xuất tất cả các linh kiện với giá chỉ bằng 1/4 so với mặt hàng cùng chủng loại sản xuất tại Việt Nam. Trong 20% thị phần “hàng Việt Nam”, thực chất cũng là hàng ngoại bởi linh kiện nước ngoài chiếm quá nửa.

Ông Lê Minh Đức- Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An cho biết: “Hiện cả tỉnh có gần 1.100 máy GĐLH, nhưng không thấy máy nào sản xuất tại Việt Nam. Các loại máy nông cụ khác như máy bơm, máy cày… phần lớn cũng là hàng ngoại. Mấy năm trước, máy ngoại thường là hàng Trung Quốc, nhưng giờ thì nông dân không thèm xài”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem