Thị trường rộng mở cho ngành chế biến sữa

Khánh Nguyên Thứ sáu, ngày 31/05/2019 14:00 PM (GMT+7)
Không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam và Trung Quốc trao đổi Nghị định thư về yêu cầu thú y và sức khỏe cộng đồng đối với các sản phẩm sữa của Việt Nam, bởi nhu cầu tiêu thụ sữa của thị trường 1,4 tỷ dân này là cực lớn. Nếu khơi thông được thị trường rộng lớn này, chắc chắn kim ngạch xuất khẩu sữa của Việt Nam không dừng lại ở con số khiêm tốn như hiện nay.
Bình luận 0

Xuất khẩu liên tục tăng

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong giai đoạn 2016 - 2018, giá trị kim ngạch xuất khẩu (XK) sữa và sản phẩm từ sữa liên tục tăng, từ 84,47 triệu USD năm 2016 lên 82,65 triệu USD năm 2017 và 129,68 triệu USD năm 2018. Giá trị kim ngạch XK trung bình cả giai đoạn tăng trưởng là 27,37%. Trong 3 tháng đầu năm 2019, giá trị kim ngạch XK sữa đạt 48,6 triệu USD.

img

img

Ngành chăn nuôi bò sữa có nhiều thị trường phát triển. Ảnh: T.L

Trong năm 2019, hoạt động XK sữa dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ khi các doanh nghiệp (DN) trong nước tăng cường thúc đẩy XK ra nước ngoài. Đặc biệt, đến nay phía Trung Quốc đã hoàn tất báo cáo đánh giá rủi ro mở cửa thị trường sữa cho Việt Nam. Sau hơn 6 năm đàm phán, Nghị định thư về XK sữa, sản phẩm sữa của Việt Nam sang Trung Quốc đã được ký kết, tạo cơ hội rộng mở cho sữa và các sản phẩm sữa của Việt Nam XK vào thị trường 1,4 tỷ dân này.

Theo báo cáo thị trường sữa toàn cầu 2018 của FAO, Trung Quốc sản xuất 35,6 triệu tấn sữa, giảm 1,1% so với năm 2017. Để đáp ứng tiêu dùng sữa và sản phẩm sữa trong nước, nước này đã nhập 14,6 triệu tấn sữa quy đổi. Đây là quốc gia có tiềm năng rất lớn cho XK các sản phẩm sữa của Việt Nam trong những năm tới.

Ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) nhận định, đến năm 2020, nước này cần tới 1,1 tỷ lít sữa nhưng ngành sữa của Trung Quốc hiện tại còn non trẻ, chi phí sản xuất cao cũng như hạn chế về nước và thức ăn sẽ tiếp tục là bất lợi cho ngành sản xuất sữa nội địa, vì vậy, việc nhập khẩu các sản phẩm từ sữa chế biến là tất yếu.

“Dư địa XK sữa Việt sang Trung Quốc là rất lớn, kể từ khi xảy ra vụ sữa bột nhiễm melanine chính người dân Trung Quốc vẫn nghi ngại khi sử dụng sữa trong nước, chất lượng bò sữa cũng có vấn đề do đồng cỏ bị ô nhiễm. Tuy nhiên, thách thức lớn là hiện nay sữa của Úc và New Zealand đang chiếm thị phần lớn trên thị trường sữa Trung Quốc, do đó, sữa của Việt Nam vào Trung Quốc có triển vọng nhưng sẽ gặp phải cạnh tranh của hai “ông lớn” này” – ông Chinh nói.

Tập trung sản xuất theo chuỗi

Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi, ngành chăn nuôi bò sữa đang có sự phát triển ấn tượng với tốc độ tăng trưởng đàn bò sữa là 2,09%/năm, tốc độ tăng trưởng sản lượng sữa giai đoạn 2016-2018 là 8,52%, năng suất sữa trung bình của đàn bò vắt sữa trong cả nước năm 2018 đạt trên 5.000kg/con/năm, mức khá cao. Đặc biệt, tại một số trang trại áp dụng công nghệ cao của Vinamilk, TH true milk, Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu, năng suất sữa trung bình/con/ngày của đàn bò đạt từ 24,51 - 28,35kg/con/ngày.

Trong khi đó, tiêu thụ sữa bình quân đầu người ở Việt Nam tuy cao hơn một số nước trong khu vực nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều mức tiêu thụ trung bình của thế giới, năm 2018 đạt 27 kg/người/năm, dự báo đến năm 2020, mức tiêu thụ sữa khoảng 28 lít/người/năm.

Dù Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 6 các nước châu Á về sản lượng sữa và đứng thứ 4 về năng suất của đàn bò vắt sữa nhưng sản xuất trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu. Hàng năm nước ta vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn sữa và sản phẩm sữa về để phục vụ tiêu dùng trong nước.

Để tận dụng được tiềm năng cũng như cơ hội đối với ngành sữa, nhiều ý kiến cho rằng, cần tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn, có chứng nhận chất lượng. Đồng thời, đầu tư nghiên cứu sâu nhằm gắn sản xuất với nhu cầu và yêu cầu của từng thị trường xuất khẩu là nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện. Cần xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, quy mô hóa nền chăn nuôi là chìa khóa cho sự bền vững của nền chăn nuôi tiên tiến. Việc hình thành chuỗi liên kết giúp DN có vùng nguyên liệu ổn định và người nuôi bò yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất.

“Việt Nam rất có tiềm năng và dư địa trong việc tiêu thụ sản phẩm sữa. Hiện, sức sản xuất của các DN Việt Nam mới đạt 1 triệu tấn sữa. Việt Nam phải nhập khẩu số lượng gần 1 triệu tấn sữa mới thì mới đạt được con số 25 lít sữa/đầu người/năm và mức bình quân này chỉ bằng 1/4 so với mức tiêu thụ trên thế giới” – Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định.

Để ngành sữa Việt Nam phát triển, ông Chinh kiến nghị, Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo sữa quốc gia do Bộ NNPTNT làm Trưởng ban, thành viên là các bộ, nghành có liên quan: Công Thương, KHCN, Y tế, GDĐT và lãnh đạo của các tỉnh chăn nuôi bò sữa trọng điểm để thống nhất chỉ đạo Chương trình sữa học đường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem