Thi vào lớp 10 tại Hà Nội ngày càng "nóng": Chuyên gia "vạch ra" 4 nguyên nhân
Thi vào lớp 10 tại Hà Nội ngày càng "nóng": Chuyên gia "vạch ra" 4 nguyên nhân
Gia Khiêm
Thứ hai, ngày 01/05/2023 07:20 AM (GMT+7)
Trước việc hệ thống các trường THPT công lập tại Hà Nội chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu của học sinh, chuyên gia xã hội học, quy hoạch kiến trúc đã lên tiếng, hiến kế.
Căng thẳng bài toán tuyển sinh vào lớp 10 công lập Hà Nội
Chỉ hơn 1 tháng nữa hơn 120.000 học sinh của Hà Nội sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2023-2024.
Năm học tới, Hà Nội dự kiến có 129.210 học sinh dự thi xét công nhận tốt nghiệp THCS. Trong đó, khoảng 72.000 em được tuyển vào THPT công lập (chiếm 55,7%, tăng 1.000 em so với năm ngoái), 30.000 em vào các trường công lập tự chủ hoặc tư thục (23,2%).
Tuyển sinh vào trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên khoảng 10.000 học viên, chiếm tỷ lệ 7,7%. Tuyển sinh vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khoảng 17.210 học viên, chiếm tỷ lệ 13,4%.
Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn, với tốc độ gia tăng dân số như hiện nay, ngay cả những học sinh có hộ khẩu ở Hà Nội, hệ thống các trường THPT công lập trên địa bàn thành phố chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu học tập của các em.
Số còn lại sẽ theo học tại hệ thống trường ngoài công lập và trung tâm giáo dục thường xuyên. Thành phố đang đẩy mạnh việc đầu tư, xây dựng, quy hoạch trường học. Tuy nhiên, việc này cần có thời gian, lộ trình cụ thể.
Trước vấn đề này, dư luận đặt ra câu hỏi nguyên nhân nào khiến việc thi vào lớp 10 tại Hà Nội lại "nóng" như vậy?
Trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung Tâm Dư luận xã hội (Viện Xã hội học Việt Nam) thẳng thắn nhìn nhận, từ chỗ không đủ trường đang đẩy giáo dục phổ thông của con em nhân dân chuyển sang khu vực tư nhân.
"Thực tế cho thấy năm nay hệ thống các trường THPT công lập trên địa bàn Hà Nội chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu học tập của các em, chưa nói tới chuyện thi vào trường điểm. Phải chăng chúng ta đang chuyển hoá giáo dục quốc dân sang giáo dục mang tính chất tư nhân, dân lập chứ không phải trường công lập? Từ đó dẫn đến kín chỗ, sinh ra chuyện nguyện vọng này, nguyện vọng khác. Nỗi căng thẳng lo âu của phụ huynh là câu chuyện có thật, đối với mọi nhà kể cả học trò giỏi lẫn yếu.
Học trò yếu dường như đã nhìn xung quanh, chuẩn bị sẵn tình huống không được vào trường công lập lên tinh thần vào trường tư, trường tư thì liên quan đến học phí, ngân sách, chất lượng đào tạo… Đúng là thi vào lớp 10 còn căng thẳng hơn thi đại học...", PGS Trịnh Hoà Bình nêu.
Theo ông Bình, thành phố cần phải có cái nhìn chiến lược, dài hơi hơn xung quanh câu chuyện có triển khai được trường công lập đáp ứng nhu cầu người dân hay không.
"Nếu chúng ta không tăng cường, không chạy đuổi theo, tương lai tỉ lệ chọi còn cao nữa bởi Việt Nam là dân số trẻ, tỉ lệ trẻ đến trường hiện nay mỗi năm một lớn lên, không có chuyện giảm", ông Bình lo lắng.
Nhiều nơi chỉ chú trọng xây dựng nhà để thu lời, "quên" xây trường?
Trao đổi với PV Dân Việt, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy học - Kiến trúc Hà Nội cho rằng vấn đề tỉ lệ "chọi" vào lớp 10 của Thủ đô cao không phải do quy hoạch, vấn đề mấu chốt nằm ở chỗ thiếu thực hiện quy hoạch, đặc biệt không quản lý được gia tăng dân số.
Theo ông Nghiêm, quy chuẩn về quy hoạch được đưa ra có căn cứ vào dân số tính theo trường học, thậm chí tính toán 12-15m2/học sinh.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm đánh giá có 4 nguyên nhân khiến thực trạng mỗi mùa tuyển sinh tại Hà Nội vì sao lại "nóng" đến thế.
"Vấn đề thực hiện quy hoạch thì nhiều nơi không làm theo cái này. Thứ 2, việc gia tăng dân số vượt quá mức như dự kiến. Thứ 3 chính sách đầu tư công lập và trường dân lập hiện nay chưa rõ ràng, chưa có chính sách để dân lập phát triển.
Nhiều địa điểm không khuyến khích huy động xã hội được nên thiếu các vị trí trường. Vì vậy mới có chuyện bi hài bốc thăm tranh suất học vào trường thời gian qua gây xôn xao dư luận. Thứ 4, thiếu giám sát xây dựng nhất là các khu vực mới, khu vực ven đô, có địa điểm rồi nhưng không giải phóng mặt bằng. Việc này ai giám sát, ai chịu trách nhiệm thì chưa rõ ràng", ông Nghiêm nêu lý do.
Ông cũng cho rằng: "Hiện nay các đơn vị chỉ chú trọng xây dựng nhà để thu lời, chuyện giáo dục ít để ý đến, người giám sát quyết liệt thì không. Đáng lẽ muốn cho người đến ở khu đô thị ở phải có đủ hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên nhiều nơi chỉ chú ý đến hạ tầng kỹ thuật mà không chú ý đến xã hội như tổ dân phố hoạt động ra sao, trường học ra sao, vườn hoa, cây xanh sao...".
Trước thực trạng này, ông Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, thành phố cần rà soát lại quy hoạch, địa điểm nào đã làm trường mà chưa giải phóng.
"Hiện nay nổi lên nhiều địa điểm xây trường nhưng không giải phóng mặt bằng biến thành nơi đỗ xe. Thành phố cần tăng cường ngân sách đầu tư và có chính sách tạo điều kiện cho tư nhân huy động nguồn lực tham gia. Tại một số điểm khu đô thị mới tăng dân số như thời gian qua thì phải tăng thêm diện tích trường học.
Hiện nay các trường đang xây dựng trường học quy định cao nhất 4 tầng thì hiện Hà Nội đang xin đặc thù tới 5 tầng. Có như vậy thì may ra mới giải quyết được thực trạng thiếu trường, thiếu lớp như thời gian qua", ông Nghiêm nói thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.