Thiệt thòi vì trồng rừng 327

Thứ tư, ngày 08/01/2014 09:52 AM (GMT+7)
Sau nhiều năm mất đất vì tham gia Dự án trồng rừng 327, nay rừng đã cho thu hoạch, nhiều hộ đồng bào ở huyện Khánh Vĩnh (tỉnh Khánh Hòa) cứ mong ngóng được trả lại đất để canh tác. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra, không như họ mong muốn.
Bình luận 0
Góp đất trồng rừng rồi... trắng tay

Ông Nie Don ở xóm Y Bảo, thôn Hòn Lay, xã Khánh Hiệp (Khánh Vĩnh) cho biết: Từ năm 1996, ông đã đưa 2ha đất rẫy tham gia vào Chương trình trồng rừng 327. Theo hợp đồng, trong 3 năm đầu, gia đình ông sẽ được nhận 5 triệu đồng/ha/năm (trả bằng gạo) cho công chăm sóc bảo vệ. Đến kỳ thu hoạch, ông sẽ được hưởng cây keo, thu hoạch trái đào, còn giá trị cây dầu sẽ chia theo tỷ lệ 3/7 (dân được 3 phần).

Vậy nhưng, gia đình ông chỉ được 2 năm nhận gạo rồi không được nhận gì nữa, đồng thời toàn bộ đất, rừng Chương trình 327 đột nhiên được bàn giao cho Công ty TNHH MTV Trầm Hương (Công ty Trầm Hương) mà không thấy bàn bạc gì với dân. Mất hết đất canh tác, mười mấy năm nay gia đình ông Nie Don cùng 35 hộ khác phải đi làm thuê kiếm sống. “Nay họ thu hoạch rừng, chúng tôi chả được gì, thậm chí vào mót củi cũng bị cấm. Giờ chỉ mong Nhà nước thu hoạch xong cây thì trả lại đất” – ông Nie Don nói.

Sau 17 năm “hiến” đất tham gia Chương trình 327, người dân huyện Khánh Vĩnh đã không được hưởng lợi từ giá trị thu hoạch lâm sản.
Sau 17 năm “hiến” đất tham gia Chương trình 327, người dân huyện Khánh Vĩnh đã không được hưởng lợi từ giá trị thu hoạch lâm sản.

Chị Lý Thị Kim (dân tộc Nùng, cùng thôn với ông Nie Don) thì bức xúc: “Nhiều hộ không tham gia trồng rừng 327 thì giữ được đất, gia đình tôi hăng hái tham gia với 5,5ha, thì mất sạch, giờ không biết có đòi được hay không”. Ông Nguyễn Trung – Trưởng thôn Hòn Lay cho biết: UBND xã Khánh Hiệp vừa chỉ đạo thôn lên danh sách thống kê những hộ nghèo thiếu đất sản xuất để chia đều đất, nhưng những hộ dân đã giao đất cho Chương trình 327 phản đối quyết liệt.

“Đất của bà con đã “hiến” cho 327 mười mấy năm, nay thu hoạch rừng rồi thì trả đất lại cho họ. Ít nhất thì cũng trả lại họ 60 – 70%, số còn lại mới chia cho dân nghèo không có đất. Xã có bắt tôi làm kiểm điểm thì tôi làm, chứ bảo tôi lên danh sách để chia đất như vậy, tôi không dám làm đâu” – ông Trung nói.

Chẳng được hưởng gì từ rừng 327

Sau cả chục năm, qua nhiều nhiệm kỳ đốc thúc việc bóc tách đất lâm nghiệp, trả lại cho dân canh tác, ngày 13.12, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có chỉ đạo khẩn về việc tổ chức thực hiện giao 319,5ha đất cho 639 hộ đồng bào DTTS nghèo thiếu đất sản xuất (đợt đầu). Tỉnh đốc thúc UBND huyện Khánh Vĩnh tiếp tục kiểm tra, rà soát đầy đủ, chính xác chủ sử dụng đất trên 955ha đất đã được bóc tách còn lại, để xây dựng phương án tiếp tục giao đất cho đồng bào dân tộc nghèo thiếu đất trên địa bàn và tiếp tục bóc tách tiếp.

Từ năm 2004, khi Chương trình 327 chấm dứt, 658ha đất của hàng trăm hộ dân các xã của huyện Khánh Vĩnh đã bị chuyển hẳn cho Công ty Trầm Hương.

Được biết, từ năm 2004, khi Chương trình 327 chấm dứt, 658ha đất của hàng trăm hộ dân nhiều xã ở huyện Khánh Vĩnh đã bị chuyển hẳn cho Công ty Trầm Hương.

Chủ tịch UBND xã Khánh Bình - ông Trần Minh Thuận cho biết: “Đó là tồn tại của lịch sử, đang rất khó giải quyết. Theo chỉ đạo của cấp trên, số đất bóc tách rất ít so với số hộ thiếu đất nên chỉ còn cách chia đều, mỗi hộ 5 sào. Nhưng đất lâm nghiệp mà 5 sào thì dân biết canh tác thứ gì để kiếm sống đây? Đất không sinh lợi, không khéo họ lại bán đất được chia. Ngoài việc thực hiện biện pháp không cấp sổ đỏ cho người mua đất của đồng bào dân tộc, chúng tôi dự kiến sẽ cấp 7-10 hộ chung một sổ đỏ hoặc UBND xã sẽ giữ sổ đỏ để ngăn việc đồng bào bán đất”.

Ông Nguyễn Văn Hào - Phó Giám đốc Công ty Trầm Hương cho biết: “Công ty đã bóc tách khoảng 283ha từ diện tích đất của Chương trình 327 giao lại cho địa phương để chia lại cho người dân. Số diện tích đất của Chương trình 327 còn lại đang được xác minh chủ sử dụng”.

Vẫn theo ông Nguyễn Văn Hào, công ty không rõ việc thỏa thuận trước kia giữa Chương trình 327 với dân, nhưng nay toàn bộ tiền bán gỗ từ việc thu hoạch rừng đều nộp vào ngân sách, người dân và cả công ty đều không được hưởng gì (?!)
Mai Khuê (Mai Khuê)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem