Thiếu biện pháp quyết liệt để ngăn chặn bạo lực gia đình

Thứ sáu, ngày 28/09/2012 09:33 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hòa giải đang là biện pháp phổ biến trong công tác phòng chống bạo lực gia đình tại cơ sở. Nhưng thực tế, hòa giải chỉ mang tính xuê xoa, làm nguội bạo lực chứ không có tính răn đe...
Bình luận 0

“87% phụ nữ bị bạo lực gia đình (BLGĐ) vẫn chưa bao giờ dám tìm kiếm sự trợ giúp. Nguyên nhân là do họ chưa tìm thấy sự tin cậy từ hệ thống hỗ trợ của chính quyền” – bà Nguyễn Vân Anh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học gia đình, giới, phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) chia sẻ tại Hội nghị quốc gia về phòng chống BLGĐ với chủ đề: “Thu hẹp khoảng cách từ luật đến cuộc sống” ngày 27.9.

Đây là hội nghị do các tổ chức trong Mạng lưới phòng chống BLGĐ quốc gia (DOVINET) tổ chức. Tại hội nghị, chị Nguyễn Thị T (39 tuổi, sống ở ngoại thành Hà Nội) cho biết, chị đã chịu cảnh bạo lực gia đình trong nhiều năm và đã từng báo cáo với các tổ chức chính quyền thôn, xã.

img
Một nạn nhân của bạo lực gia đình đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa.

“Nhưng có kêu thì họ cũng chỉ vào hòa giải, ông chồng chỉ hứa hẹn cho qua, hôm sau lại chứng nào tật đấy, thậm chí cán bộ quay lưng đi còn đánh vợ dữ hơn” - chị T chia sẻ. Chị T cũng không đồng ý với quy định phạt tiền của Luật Phòng chống BLGĐ vì “có chị bị đánh rồi lại phải bỏ tiền túi của mình cho chồng nộp phạt hoặc nộp tiền xong là cánh đàn ông như chuộc tội, lại nhơn nhơn”.

Chị Phạm Thị Minh Ch (Hòa Bình) cũng đang sinh hoạt trong một CLB phụ nữ bị bạo hành sau gần 20 năm bị chồng đánh đập. Theo chị, phải 60-70% phụ nữ xã chị vẫn đang gánh chịu BLGĐ dưới nhiều hình thức. Tuy nhiên, can thiệp của chính quyền địa phương còn kém cỏi, chị em chẳng được bênh vực, khi về nhà lại tiếp tục bị chồng đánh.

Báo cáo đánh giá thực thi Luật Phòng chống BLGĐ của CSAGA tại 2 tỉnh Hòa Bình và Hà Nam cũng cho thấy, nhiều phụ nữ phải tìm kiếm sự giúp đỡ chỉ khi không thể chịu đựng thêm được nữa, muốn chia sẻ, bị đuổi khỏi nhà, bị thương tích quá nặng hoặc bị dọa giết.

Tuy nhiên, khi phải cầu cứu thì 69% tìm hàng xóm, 28% tìm họ hàng, 10% tìm bố mẹ. Chỉ có 5% tìm đến Hội Phụ nữ và 2,6% tìm đến trưởng thôn. Đặc biệt, tại Hà Nam, phụ nữ không bao giờ tìm đến chính quyền vì họ cho rằng chính quyền còn ít quan tâm đến việc giải quyết các vấn đề gia đình.

Bà Nguyễn Thu Thúy (chuyên viên CSAGA) cho biết: Hòa giải đang là biện pháp phổ biến trong công tác phòng chống BLGĐ tại cơ sở. Nhưng thực tế, hòa giải chỉ mang tính xuê xoa, làm nguội bạo lực chứ không có tính răn đe đối với người gây BLGĐ. Bởi vậy, theo các đại biểu, bên cạnh hòa giải cần có những biện pháp quyết liệt để các đối tượng gây bạo lực sợ mà “chùn tay”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem