Giá lợn hơi không ngừng tăng, áp lực tái đàn và kiểm soát dịch

Thiên Hương - Minh Long Thứ hai, ngày 23/12/2019 09:24 AM (GMT+7)
Giá lợn hơi đang tăng cao, nguồn cung thịt lợn hơi khan hiếm, nhất là trong thời điểm cận kề tết vừa là cơ hội, nhưng cũng là thách thức trong việc tái đàn và kiểm soát dịch tả lợn châu Phi đối với những vùng chăn nuôi lợn trọng điểm.
Bình luận 0

Thận trọng và dè dặt

Không vội vàng tái đàn là tâm lý chung của những hộ chăn nuôi trên địa bàn của tỉnh Hưng Yên thời điểm hiện nay. Tìm hiểu của phóng viên, thực tế đã có không ít hộ chăn nuôi vì vội vàng tái đàn đã chịu tổn thất lớn do mầm bệnh từ các ổ dịch cũ, từ hoạt động chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ lợn.

Ông Nguyễn Văn Thế  (ở thôn Lạc Dục, xã Đức Thắng, huyện Tiên Lữ) chia sẻ: “Trong thôn, những hộ nhỏ lẻ nuôi vài chục con bây giờ không dám tái đàn ồ ạt  như trước nữa. Sản xuất ra con giống bao nhiêu thì bây giờ chúng tôi nuôi bấy nhiêu. Lo ngại nhất là dịch tả lợn châu Phi chưa có vaccine và thuốc chữa bệnh”.

img

Mô hình chăn nuôi lợn của gia đình ông Lưu Đình Độ, thôn Ninh Phúc, xã Hùng An, huyện Kim Động (Hưng Yên) an toàn giữa “bão” dịch tả lợn châu Phi nhờ áp dụng nghiêm ngặt các giải pháp an toàn sinh học. Ảnh: Hải Đăng

Ngoài áp lực dịch bệnh, thời gian gần đây lợn giống cũng rất khan hiếm, giá đang ở mức rất cao, khoảng 2,2 triệu đồng/con. Việc nhập lợn giống giá cao về nuôi thương phẩm vào thời điểm này khiến hộ chăn nuôi có nguy cơ "thiệt hại kép" nếu chẳng may dịch bệnh quay trở lại hoặc mua phải lợn giống không an toàn.

Theo ông Vũ Minh Chiến - Giám đốc HTX Chăn nuôi nông nghiệp Đức Thắng (huyện Tiên Lữ), mặc dù đủ điều kiện tái đàn nhưng chuồng trại của một số thành viên HTX ở khu vực có nguy cơ cao, liền kề với khu dân cư, có nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ xung quanh nên chưa thực sự đảm bảo an toàn.

 “HTX gần như tự chủ về con giống, chúng tôi duy trì chăm sóc đàn lợn nái để sinh sản con giống nuôi thương phẩm chứ không dám nhập từ các trại khác về vì rất rủi ro. Trong quá trình bắt con giống ở trại khác có thể không bị dịch, nhưng quá trình vận chuyển lại rất dễ phát sinh mầm bệnh” - ông Chiến nói.

Thống kê của Sở NNPTNT Hưng Yên, hiện trên địa bàn có khoảng 450.000 con lợn, giảm khoảng 30% so với cuối năm ngoái. Ngành chuyên môn khuyến cáo người chăn nuôi chỉ tái đàn lợn khi bảo đảm được điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.

img

    Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến kiểm tra tình hình tái đàn lợn tại Phú Thọ mới đây.  Ảnh: K.L

"Với những trang trại, những hộ chăn nuôi xen kẹp trong dân mà cố tình tái đàn không báo cáo chính quyền địa phương, khi xảy ra dịch thì sẽ phải tự tiêu hủy và sẽ không nhận được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước”.

Ông Nguyễn Quang Tuấn - Chi Cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Hưng Yên

Ông Nguyễn Đình Tưởng - Trưởng phòng Chăn nuôi (Sở NNPTNT tỉnh Hưng Yên) cho biết, để kiểm soát và ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi tái phát trở lại, quan điểm của tỉnh là tái đàn tại chỗ đối với những trang trại có đủ điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học và chăn nuôi VietGAP, hạn chế tái đàn ở nông hộ không đủ điều kiện về an toàn dịch, xen kẹt giữa các khu dân cư bởi mầm bệnh vẫn còn tồn tại trong môi trường.

“Không những dịch tả lợn châu Phi mà người chăn nuôi còn gặp áp lực với bệnh tai xanh và dịch lở mồm long móng, do đó các hộ không nên phát triển chăn nuôi bằng mọi giá. Nếu cố tình tái đàn mà bị dịch bệnh thì sẽ không được hỗ trợ” - ông Tưởng nhấn mạnh.

Tạo điều kiện cho nông dân tái đàn

Tại Hà Nội, sau một thời gian triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, số lợn tiêu hủy ở các địa phương đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, đến nay bệnh dịch vẫn diễn biến phức tạp, tái phát ở một số hộ chăn nuôi.

Ông Đặng Văn Chiến ở xã Lam Điền (huyện Chương Mỹ) cho biết, sau 3 tháng để trống chuồng, đến tháng 10 vừa qua, thấy bệnh dịch ở địa phương giảm nên gia đình ông đã mua 60 con lợn về nuôi chuẩn bị phục vụ thị trường tết. Mặc dù trang trại đã được tổng vệ sinh, tiêu độc trước khi tái đàn, nhưng do virus bệnh dịch tả lợn châu Phi tồn lưu trong môi trường, phương thức truyền lây phức tạp nên cả đàn lợn mới thả nuôi bị nhiễm bệnh, phải tiêu hủy.

Theo Sở NNPTNT Hà Nội, sau hơn 10 tháng bùng phát bệnh dịch tả lợn châu Phi, Hà Nội có 550.000 con lợn (chiếm khoảng 30% tổng đàn) mắc bệnh phải tiêu hủy, trọng lượng khoảng 38.000 tấn. Hiện thành phố đang chủ trương tổ chức tái đàn tại các hộ chăn nuôi đáp ứng điều kiện theo hướng dẫn của Bộ NNPTNT nhưng không ồ ạt mà có kiểm soát. Ước tính, toàn thành phố có khoảng 3.500 hộ đủ điều kiện được phép chăn nuôi lợn trở lại với tổng đàn khoảng 290.000 con.

Để đảm bảo bình ổn thị trường thịt lợn phục vụ dịp Tết Nguyên đán Canh Tý và những tháng đầu năm 2020, Bộ NNPTNT vừa có Công văn số 9523/BNN-TY đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo tổ chức đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản nhằm bù đắp lượng thịt lợn thiếu hụt do bệnh dịch tả lợn châu Phi. Trong đó, chỉ đạo, hướng dẫn việc áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp tổng cách ly, vệ sinh, sát trùng bằng hóa chất, bằng vôi; nâng cấp cơ sở vật chất, dụng cụ chăn nuôi bảo đảm để áp dụng có hiệu quả các biện pháp an toàn sinh học.

Chính quyền cơ sở và các cơ quan thú y địa phương tổ chức kiểm tra, xác nhận điều kiện nuôi tái đàn; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, các trang trại, gia trại có điều kiện đảm bảo an toàn sinh học được tái đàn. Đẩy mạnh phát triển sản xuất, chăn nuôi các loại gia súc khác, gia cầm và thủy sản, đảm bảo 3 nguyên tắc: An toàn sinh học, cân bằng cung cầu và an sinh xã hội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem