Nguy cơ thiếu thịt lợn Tết Nguyên đán: Nhiều nơi đẩy mạnh tái đàn

Minh Huệ Thứ sáu, ngày 20/12/2019 19:10 PM (GMT+7)
Do ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi nên nguồn cung thịt lợn trong nước bị giảm, giá thịt lợn cả nước đang tăng cao nhất trong lịch sử khiến người tiêu dùng không khỏi lo lắng. Để bình ổn thị trường, nhất là thời gian trước và sau Tết Nguyên đán, Chính phủ đã có chủ trương cho nhập khẩu thịt lợn, trong khi đó các vùng chăn nuôi lớn thì đẩy mạnh tái đàn…
Bình luận 0

img

Xây thêm chuồng, mua lợn nhỡ về nuôi

Những ngày này, ông Phạm Văn Cảnh - Giám đốc HTX chăn nuôi Hợp Lực (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) gần như không có lúc nào được nghỉ ngơi, mà dồn toàn tâm, toàn lực chăm sóc đàn lợn thịt 2.300 con, bao gồm cả lợn mới sinh cho tới loại nhỡ và loại chuẩn bị được xuất chuồng.

Trao đổi với phóng viên, ông Cảnh cho biết: “Đợt này tôi bận tối mắt tối mũi vì đang xây thêm 2 khu chuồng nuôi lợn thịt, quy mô nuôi từ 500 - 600 con/chuồng. Tôi cũng vừa tăng thêm 40 con lợn nái hậu bị và dự kiến từ nay tới tết sẽ tăng thêm 20 con nữa. Thực tế trang trại của HTX có quy mô nuôi 500-600 nái, nhưng sau các đợt “bão” giá năm 2017, dịch bệnh lở mồm long móng cuối năm 2018 và dịch tả lợn châu Phi từ đầu năm đến nay, trang trại đã chủ động giảm còn 300 nái. Hiện thị trường lợn giống vẫn chưa khởi sắc trở lại, người nuôi giảm đàn nhiều quá nên HTX tiêu thụ con giống cũng chậm, chủ yếu để nuôi thành lợn thịt”.

Theo ông Cảnh, trang trại của ông chủ yếu bán lợn cho thương lái ở Hà Nội, dự tính từ nay tới Tết Nguyên đán, ông Cảnh sẽ cung ứng khoảng 1.500 con lợn cho thị trường.

img

 Người dân nhiều địa phương đang đẩy mạnh chăm sóc đàn lợn để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.
(ảnh tư liệu)

“Tôi cho rằng tết năm nay thị trường Hà Tĩnh sẽ thiếu thịt lợn do các trại nhỏ lẻ bị dịch bệnh, lợn chết gần hết, giờ rất ít người có lợn to để bán. Phần lớn lượng thịt lợn cung ứng ra thị trường hiện nay là của doanh nghiệp FDI, các HTX và trại chăn nuôi lớn. Như trại nhà tôi, vừa nuôi lợn nái, vừa duy trì lợn thịt và chăn nuôi khép kín mới có thể duy trì được sau hàng loạt “cơn bão” trong 3 năm qua. Hầu hết các trại nhỏ lẻ đã kiệt sức. Với tình hình này, tôi cho rằng giá lợn hơi sẽ tiếp tục tăng cao, sớm đạt mốc 100.000 đồng/kg” - ông Cảnh nói. 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có chỉ đạo  Bộ NNPTNT tính toán cân đối cung cầu, bù đắp thiếu hụt, nhất là nhu cầu tăng cao trong những ngày lễ, tết để cùng với Bộ Công Thương có phương án nhập khẩu thịt lợn ở các nước có thương mại hai chiều với nước ta. Bộ NNPTNT chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng về việc thiếu hụt thịt lợn, giá tăng cao ảnh hưởng đời sống của người dân và nền kinh tế.

Mặc dù không có con lợn nái nào, nhưng nhiều năm nay anh N.V.A - một thương lái ở xã Bình Nghĩa (huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) vừa thu mua lợn thịt, vừa mua lợn nhỡ về nuôi gột để bán ra thị trường. Vì là thương lái nên anh N.V.A có điều kiện đi khắp nơi mua lợn và nhận thấy thực trạng nhiều địa phương đàn lợn giảm rất mạnh.

Anh N.V.A cho biết: Ví dụ như ở xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục từng một thời là “thủ phủ” chăn nuôi toàn miền Bắc, đến đầu làng đã nghe tiếng lợn kêu ầm ĩ đòi ăn. Dịch tả lợn châu Phi ập đến, đàn lợn của xã tan tác, khắp nơi phủ trắng vôi bột, nhiều trại lớn chết sạch không còn con nào. Số người chăn nuôi từ gần 500 hộ, trong thời gian ngắn đã giảm xuống chỉ còn gần một nửa…

“Người dân bị thiệt hại nặng nề nên không dám tái đàn. Bản thân tôi khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát ở Hà Nam, giá lợn hơi giảm sâu cũng đã bị lỗ cả tỷ bạc. Bây giờ người chăn nuôi mới có cơ hội gỡ gạc” - anh V.A nói.

Được biết, đợt giá tăng “nóng” hồi giữa tháng 11, anh V.A bán 50 con lợn với trọng lượng bình quân từ 173kg/con, giá 75.000 đồng/kg, doanh thu 648 triệu đồng, lãi trung bình 5 triệu đồng/con. Sau lứa lợn thắng đậm, anh tiếp tục tìm nhập 300 con lợn nhỡ (khoảng 50-70kg/con) từ thị trường miền Nam và miền Trung về nuôi tiếp để bán tết.

Không lo khủng hoảng thiếu thịt lợn?

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ông Nguyễn Xuân Lộc - Trưởng Ban quản lý chợ đầu mối gia súc - gia cầm huyện Bình Lục (tỉnh Hà Nam) cho biết: Ngày 16/12, giá lợn hơi tại chợ đầu mối đạt 95.000 đồng/kg (lợn siêu loại 1), tăng 20.000 đồng/kg so với cùng kỳ tháng 11/2019. Giá lợn hơi tại nhiều tỉnh phía Nam cũng đã tăng trên 90.000 đồng/kg. Nguyên nhân tăng giá chủ yếu vẫn là nguồn cung khan hiếm, lợn to trong dân còn rất ít do đã bị chết nhiều bởi dịch tả lợn châu Phi.

img

Thương lái chuyển lợn hơi đem cân trước khi đưa đi tiêu thụ tại chợ đầu mối gia súc - gia cầm huyện Bình Lục (Hà Nam). Ảnh: Trần Quang

Theo ông Lộc, trung bình mỗi ngày, thương lái tại chợ Bình Lục tiêu thụ khoảng 500 con lợn hơi, trong khi trước đây từ 1.000 - 1.500 con. Đáng chú ý, lượng lợn bán ra chợ ngày càng có trọng lượng nhỏ, trung bình từ 110 - 120kg con, thậm chí chỉ đạt 90kg/con. Tuy nhiên, theo ông Lộc, thị trường cuối năm và Tết Nguyên đán sẽ không phải quá lo lắng chuyện thiếu thịt lợn.

“Tại Bình Lục, lâu rồi tôi không thấy xuất hiện ổ dịch tả mới. Phần lớn người dân đang thu mua lợn nhỡ khoảng 70-80kg/con nuôi gột lên khoảng 120kg/con để “đón giá” là chính, ít người dám nuôi lợn nhỏ vì sợ dịch bệnh quay trở lại. Bên cạnh đó, giá thịt lợn càng cao thì người tiêu dùng sẽ giảm lượng tiêu thụ. Trước đây, mỗi ngày 1 thương lái tại chợ bán hết 2-3 con lợn thì hiện nay bán hết 1 con còn khó” - ông Lộc thông tin.

Tại một cuộc họp mới đây, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, nhiều địa phương cũng đã chỉ đạo bà con nông dân tái đàn để cung cấp lợn thịt cho thị trường. So với năm 2018, năm nay tổng sản lượng thực phẩm tăng 390.000 tấn gồm thịt gia cầm, thịt trâu bò, dê cừu..., một phần phục vụ tăng trưởng, phần khác bù đắp thiếu hụt thịt lợn. 

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, dự báo nguồn cung thịt lợn trong các tháng cuối năm sẽ thiếu hụt khoảng 70.000 tấn/tháng. Do đó, Chính phủ cũng đã có chủ trương nhập khẩu thịt lợn trước và sau Tết Nguyên đán.

Ghi nhận thực tế cho thấy, “cơn sốt” giá thịt lợn hiện nay chủ yếu diễn ra ở kênh bán lẻ truyền thống, do dịch tả lợn châu Phi khiến đàn lợn bị giảm, tỉ lệ tái đàn trong nước còn thấp. Thêm vào đó, đây cũng là thời điểm nhu cầu nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc tăng đột biến do đàn lợn nước này đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh.

Tại các siêu thị, hệ thống bán lẻ lớn, hầu hết các doanh nghiệp đã có kế hoạch chuẩn bị lượng thịt lợn cho cả năm bằng cách ký kết dài hạn với các đầu mối cung cấp thịt từ các trang trại quy mô lớn, kiểm soát bệnh dịch tốt hơn. Cụ thể, các đơn vị cung cấp lớn như C.P, Vissan, Meat Hà Nam, Anh Hoàng Thy… đã chuẩn bị xong nguồn thịt lợn giá tốt để cung ứng cho thị trường.

Riêng với Saigon Co.op (đơn vị chủ lực được UBND TP.HCM giao bình ổn giá), Phó Tổng Giám đốc thường trực Nguyễn Anh Đức cho biết, hệ thống bán lẻ của đơn vị đang tiêu thụ từ 40 - 50 tấn thịt lợn/ngày, dự kiến dịp Tết Nguyên đán sẽ tăng khoảng 30-40%. Do đó, Saigon Co.op đã tập trung chốt sớm các phương án giá, sản lượng… để đảm bảo nguồn thịt lợn có giá tốt nhất, dự kiến khoảng 3.500 - 4.500 tấn và sẽ tham gia bình ổn mạnh mặt hàng này từ nay cho đến cao điểm tết và ngay sau tết.

img

Kiểm tra tình trạng "lũng đoạn, găm hàng"

Trước phản ánh của một số nhà phân phối, siêu thị về việc khó tiếp cận nguồn hàng thịt lợn của các nhà sản xuất, trang trại, công ty chăn nuôi, trong đó có Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam (mặc dù các nhà sản xuất này còn nguồn hàng) Bộ Công Thương cho biết, sẽ thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, tập trung kiểm tra tình trạng lũng đoạn, găm hàng, tăng giá gây bất ổn thị trường của các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn. Nếu có dấu hiệu vi phạm sẽ điều tra, xử phạt hành chính hoặc kiến nghị xử lý hình sự.

img

Bộ Công Thương cho biết sẽ thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, tập trung kiểm tra tình trạng lũng đoạn, găm hàng, tăng giá gây bất ổn thị trường. Ảnh: N.V

Bộ Công Thương cũng đề nghị Bộ NNPTNT chỉ đạo quyết liệt các doanh nghiệp sản xuất cung ứng đủ và theo đúng cam kết cho các doanh nghiệp phân phối, giảm giá bán nhằm dẫn dắt, bình ổn thị trường mặt hàng thịt lợn. Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phân phối, nhất là các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường tiếp cận trực tiếp nguồn hàng với giá hợp lý.

Để kiểm soát thị trường thịt lợn, theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, lực lượng quản lý thị trường tại các địa phương đã triển khai tích cực công tác chống đầu cơ, tích trữ, ngăn chặn việc chuyên chở lợn bệnh, lợn lậu, ngăn chặn việc đưa lợn sang các nước láng giềng qua đường tiểu ngạch. Theo báo cáo mới nhất (ngày 16/12/2019) của Ban chỉ đạo 389 các tỉnh và từ các Cục Quản lý thị trường, hiện tại không có tình trạng xuất lậu lợn sang Trung Quốc.

Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh cho biết, do phía Trung Quốc kiểm soát dịch bệnh cũng như các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh kiểm soát chặt nên thời gian qua, lực lượng hải quan và biên phòng chưa bắt giữ và xử lý vụ việc nào. Cục Quản lý thị trường tỉnh Cao Bằng thông tin, trong 2 tháng đã xử lý 6 vụ vi phạm, tiêu hủy 4.430kg chân giò lợn và 1.446kg thịt lợn. Tại địa bàn không có việc xuất lậu các xe lợn sang Trung Quốc vì cơ quan chức năng hai bên kiểm soát chặt.

Tại Lạng Sơn, trong tháng 11 và nửa đầu tháng 12/2019, các lực lượng công an và quản lý thị trường đã thu giữ 35 tấn chân giò lợn vận chuyển lên Lạng Sơn để đưa sang Trung Quốc.

Lực lượng Quản lý thị trường tại các tỉnh biên giới vẫn đang phối hợp rất chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong Ban chỉ đạo 389 của tỉnh để ngăn ngừa và kiểm soát việc vận chuyển lợn, thịt lợn trái phép.

Được biết, Bộ NNPTNT vừa có Công văn số 9524/BNN-TY ngày 19/12/2019 đề nghị các doanh nghiệp chăn nuôi lớn tích cực tái đàn, tuyệt đối không được tiếp tay cho buôn lậu lợn.

Trong Công văn do Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến ký nêu rõ, hiện nay, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đã có chiều hướng giảm mạnh; đến hết ngày 18/12/2019 có 6.020 xã (chiếm 71% tổng số xã có dịch) thuộc 412 huyện của 56 tỉnh, thành phố đã qua 30 ngày; tỉnh Hưng Yên và Hải Dương đã hết dịch.

Dự báo hết tháng 12/2019, số lợn buộc tiêu hủy khoảng 50.000 con, giảm 67% so với tháng 11/2019 (có 152.000 con lợn buộc tiêu hủy); giảm 96% so với tháng 5/2019 (là tháng cao điểm, buộc phải tiêu hủy hơn 1,27 triệu con lợn).

Khánh Nguyên

Nhu cầu cuối năm lên đến 600.000 tấn

Theo thống kê của Bộ NNPTNT, sản lượng thịt lợn tính đến tháng 11/2019 đã giảm 380.000 tấn, tương đương 9-10% so với năm 2018.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh đã giảm khoảng 50% so với trước khi xuất hiện dịch tả (tháng 4/2019). Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, giá các sản phẩm thịt lợn hiện đang ở mức rất cao. 

Theo Bộ Công Thương, như thường lệ tiêu dùng thịt lợn sẽ có xu hướng tăng trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, tăng mạnh nhất trong tháng 1/2020. Dự báo nhu cầu cho tháng 12/2019 và tháng 1/2020 khoảng 600.000 tấn.

Bên cạnh các giải pháp bình ổn thị trường trong nước, Bộ Công Thương cũng đang đẩy mạnh nhập khẩu để bù đắp lượng thịt lợn thiếu hụt. Trong 10 tháng năm 2019, nhập khẩu thịt lợn đạt 96.000 tấn, trị giá hơn 108 triệu USD, tăng 101,7% về lượng và tăng 94,9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Về thị trường, trong tháng 10/2019, thịt lợn được nhập khẩu nhiều nhất từ Ba Lan, đứng thứ 2 là thị trường Đức, đứng thứ 3 là thị trường Mỹ, tiếp theo là thị trường Hà Lan.

Hiện, có 24 quốc gia được xuất khẩu thịt lợn chính ngạch vào Việt Nam. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay trong việc nhập khẩu chủ yếu là hạ tầng logistics (kho lạnh) để dự trữ, bảo quản thịt lợn đông lạnh sau nhập khẩu.

K.N

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem