Thổ Nhĩ Kỳ bán máy bay không người lái cho Ukraine khiến Nga 'tức giận'

Lê Phương (Reuters) Thứ bảy, ngày 09/04/2022 14:00 PM (GMT+7)
Nga bày tỏ sự không hài lòng với Thổ Nhĩ Kỳ vì đã bán máy bay vũ trang không người lái Bayraktar TB2 cho Ukraine, một quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết hôm 8/4.
Bình luận 0
Thổ Nhĩ Kỳ bán máy bay không người lái cho Ukraine khiến Nga 'tức giận' - Ảnh 1.

Máy bay không người lái Bayraktar xuất hiện trong một cuộc diễn tập cho buổi diễu hành quân sự Ngày Độc lập ở trung tâm Kiev, Ukraine ngày 18 tháng 8 năm 2021. Ảnh: Reuters

"Phía Nga tỏ ra khó chịu và thỉnh thoảng họ lại phàn nàn về việc bán máy bay không người lái của chúng tôi. Trước đây họ đã từng phàn nàn và bây giờ họ lại đang phàn nàn", quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết tại một cuộc họp với truyền thông nước ngoài.

"Chúng tôi đã đưa ra câu trả lời cho phía Nga... Đây là giao dịch từ công ty tư nhân chứ không phải nhà nước với nhà nước, và việc mua máy bay không người lái này cũng đã được thực hiện trước khi chiến sự bắt đầu", ông giải thích.

Thổ Nhĩ Kỳ đã xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với Nga về năng lượng, quốc phòng và thương mại, cũng như phụ thuộc rất nhiều vào khách du lịch Nga. Công ty quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Baykar đã bán máy bay không người lái cho Kiev bất chấp sự phản đối của Nga, bên cạnh đó ký một thỏa thuận hợp tác sản xuất, điều này khiến Moscow tức giận.

Thành viên NATO, Thổ Nhĩ Kỳ có chung đường biên giới trên biển với Ukraine và Nga ở Biển Đen, nước này có quan hệ tốt với cả hai và đóng vai trò trung gian trong cuộc xung đột. Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức một số cuộc đàm phán hòa bình và liên tục kêu gọi các tổng thống Ukraine và Nga ngồi lại.

Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ sự ủng hộ Ukraine và chỉ trích hoạt động quân sự của Nga, nhưng đồng thời cũng phản đối các biện pháp trừng phạt rộng rãi của phương Tây đối với Moscow.

Ankara phản đối các chính sách của Nga ở Syria và Libya, cũng như việc sáp nhập Crimea vào năm 2014.

Sau cuộc đàm phán hòa bình ở Istanbul vào tuần trước, Ukraine đã liệt kê một số quốc gia, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ và các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, là những người bảo lãnh tiềm năng cho an ninh của Kiev. Các quan chức cho biết một số quốc gia được liệt kê sẽ phải đối mặt với "các vấn đề pháp lý" với tư cách là người bảo đảm an ninh, mà không cần giải thích chi tiết.

Về nguyên tắc, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ sẵn sàng trở thành người bảo lãnh cho Ukraine, nhưng các điều kiện chi tiết cần phải được hoàn thiện.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem