Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế - bảo tàng sống về văn chương

Chủ nhật, ngày 24/05/2015 07:00 AM (GMT+7)
Hệ thống thơ văn chữ trên kiến trúc cung đình Huế bao gồm hàng ngàn bài thơ, bài văn, câu đối được thể hiện trực tiếp bằng nhiều loại hình chất liệu khác nhau (gỗ, xà cừ, pháp lam, sành sứ...) trên công trình kiến trúc cung đình triều Nguyễn như một cách thức trang trí đặc biệt, chỉ riêng có tại Cố đô Huế. 
Bình luận 0
Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa trong cả nước đều chung nhận định, hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là nét độc đáo, riêng có. Loại hình di sản này xứng đáng được UNESCO xem xét, vinh danh.

img

Thơ văn của các vua triều Nguyễn được trình bày tại các ô hộc trênđiện Thái Hóa

Bảo tàng sống về văn chương

Trải qua thời gian, dù phải chịu đựng sự tàn phá của chiến tranh, hiện nay trên kiến trúc cung đình Huế hiện còn 2.967 ô thơ văn chạm khắc, sơn thếp, cẩn xà cừ trên gỗ; 146 ô thơ văn viết tráng men thành pháp lam; 88 đơn vị ô hộc, câu đối, bài văn đắp ngõa sành sứ. Tuy nhiên, để trở thành Di sản tư liệu thế giới thì còn rất nhiều việc phải làm.

GS.TSKH. Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản Quốc gia khẳng định: Đây là di sản vô cùng phong phú và có giá trị. Đối chiếu với các tiêu chí được UNESCO hướng dẫn xây dựng hồ sơ đăng ký Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới tôi nhận thấy: Hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để được vinh danh. Riêng về tính độc đáo và duy nhất: Hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là một hình thức "xuất bản” và "lưu trữ” tư liệu hết sức độc đáo, duy nhất và hiếm có. Thông thường, tư liệu thường được cất giữ trong các thư viện, phòng lưu trữ, tại bảo tàng, nhưng hàng ngàn bài thơ văn, câu đối được chọn lọc kỹ càng từ những áng thơ văn của các vị vua triều Nguyễn, đồng thời cũng là những nhà thơ nổi danh như vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức và của những danh nhân uyên bác về thơ văn của triều đình Nguyễn, lại được lưu giữ trên các liên ba, đố bản, vách ván… kiến trúc cung đình Huế. 

Không những thế, những áng thơ văn này lại được "nghệ thuật hóa”, "kỹ thuật hóa” bằng cách chạm khắc, khảm cẩn, tráng men, đắp nổi,… thể hiện một cách tinh tế, điêu luyện, sáng tạo trong cách sử dụng nhiều chất liệu khác nhau (như gỗ, ngà voi, xương, xà cừ, pháp lam, sành sứ,…) tạo thành một tác phẩm mỹ thuật đa màu sắc, có sức hấp dẫn để trang trí cho công trình kiến trúc, và cùng với cách trang trí một ô thơ hoặc một đại tự đi liền với một bức họa tạo nên lối trang trí mỹ thuật kiến trúc "nhất thi nhất họa”, "nhất tự nhất họa”. Vào thời các vị vua đầu triều (vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức), việc trang trí trên các công trình kiến trúc thường sử dụng các vật liệu truyền thống, chủ yếu là trang trí trên công trình kiến trúc gỗ. 

Từ năm 1885 trở về sau (từ thời vua Đồng Khánh), phong cách kiến trúc cung đình Huế chịu ảnh hưởng của văn minh phương Tây, bên cạnh việc tiếp tục truyền thống trang trí trên kiến trúc gỗ, xuất hiện việc sử dụng vật liệu hiện đại như bê tông, sắt thép và trang trí kiến trúc thiên về đắp nổi sành sứ. Trên các bức tranh ghép bằng sành sứ, các câu thơ được ghép trực tiếp vào các bức tranh kiểu "trong họa có thi”, "trong thi có họa”, chứ không theo kiểu "nhất thi nhất họa” như trong kiến truc gỗ. Điều này thể hiện cách tiếp cận hài hòa giữa "truyền thống và phát triển” trong trang trí kiến trúc.

Sớm công nhận di sản tư liệu thế giới

Trong khi đó TS.Vũ Thị Minh Hương, Phó chủ tịch Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, hiện tại hồ sơ về thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế đệ trình UNESCO cần bổ sung thêm một số ý ở tính quốc tế và tính thời đại, cụ thể các công trình kiến trúc, thơ văn được sản sinh trong triều Nguyễn từ năm 1802-1945 là triều đại phong kiến cuối cùng của nước Việt Nam, tuy nhiên đây là một giai đoạn đầy biến động trong lịch sử cả Việt Nam, và thế giới cho nên trong hồ sơ cần phải nhấn mạnh, đây chính là ý nghĩa quốc tế của hồ sơ này. 

Về yếu tố con người, trong tác phẩm này hồ sơ đã nêu bật được 3 yếu tố con người đó là những nhà vua viết nên những bài thơ rất có giá trị biểu hiện rõ là số lượng lớn các bài thơ của vua Minh Mạng, Tự Đức, Thiệu Trị, tuy nhiên trong hồ sơ này chúng ta chưa nêu bật được những bài thơ này chỉ nói của các nhà vua hoặc quan, ngoài ra tôi nghĩ trong hồ sơ cần bổ sung thêm yếu tố những con người bình dị là nhân vật chính trong thơ, hay đó là những nghệ nhân những con người đã khắc những vần thơ. Riêng phần minh họa trong hồ sơ còn rất thiếu, có rất nhiều tác phẩm thơ được họa tính trên pháp lam ở lăng Minh Mạng rất đẹp nhưng trong hồ sơ chỉ có phần văn nói không có hình ảnh minh họa. 

"Khi chúng ta gởi hồ sơ sang thì không phải chuyên gia nào cũng đến được tận nơi để thực tế tại hiện trường. Vì vậy tất cả những hình ảnh đẹp nhất ở độ phân giải cao chúng ta phải đưa vào hồ sơ để minh họa. Với kinh nghiệm và trách nhiệm của những người làm công tác bảo tồn. Tôi tin tưởng Di sản thơ văn chữ Hán trên kiến trúc Cung đình Huế sớm được vinh danh là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO như một di sản nằm trong Di sản văn hóa thế giới đã được UNESCO công nhận”, TS Hương khẳng định.

Về lộ trình để đưa hồ sơ hệ thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế trở thành di sản của nhân loại TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc TTBTDTCĐ Huế chia sẻ: Với tính độc đáo, giá trị hiếm có mà hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế có được rất xứng đáng được UNESCO tôn vinh, để Huế có thêm một di sản nữa. Tuy nhiên điểm chúng ta lo ngại nhất đó là chữ Hán cổ vốn là một ngôn ngữ không dễ đối với nhiều người.

 Vì thế làm sao phải thuyết phục được hội đồng để xem xét hồ sơ này, để các thành viên hội đồng hiểu giá trị nổi bật mà di sản này có được. Chúng tôi rất cầu thị tiếp thu ý kiến các nhà nghiên cứu, những nhà quản lý, đặc biệt là những người có kinh nghiệm trong việc xây dựng hồ sơ tư liệu, đồng thời chúng tôi cũng tranh thủ các hoạt động hành lang để làm sao đó các thành viên tham gia hội đồng có được hồ sơ sớm để nghiên cứu, có ý kiến để góp ý trao đổi. Dự kiến chậm nhất cuối tháng 10-2015 chúng ta hoàn thiện gởi hồ sơ, quá trình xét duyệt hồ sơ sẽ diễn ra vào tháng 5-2016”.

GS.TSKH. Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản Quốc gia nhận định: Tính độc đáo, duy nhất, hiếm có không chỉ được thể hiện ở số lượng hàng ngàn tư liệu thơ văn được lưu trữ, mà còn ở tính đa dạng về loại hình kiến trúc trên đó có thơ văn được lưu giữ (thành quách, cung điện, lăng tẩm, đàn miếu, phủ đệ, vườn ngự uyển, chùa chiền, cầu). Không có một di tích lịch sử - văn hóa nào ở Việt Nam lại có hình thức trang trí trên công trình kiến trúc độc đáo như ở Cố đô Huế. Đây là phong cách riêng có của kiến trúc cung đình Huế kéo dài gần 150 năm.

 

(Theo Báo Đại đoàn kết)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem