Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Ngày 15/2 tới, Thông tư 03/2023 của TAND tối cao "Hướng dẫn thẩm quyền xét xử của tòa án quân sự" sẽ có hiệu lực. Đây là văn bản chi tiết hóa Điều 272 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Theo Thông tư, đối tượng chịu xét xử của tòa án quân sự là quân nhân tại ngũ, công chức quốc phòng, công nhân và viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện, dân quân tự vệ khi phối thuộc chiến đấu và công nhân được điều động vào quân đội.
Ngoài ra, người bình thường có thể bị xét xử bởi tòa án quân sự nếu phạm tội về bí mật quân sự, bí mật an ninh quốc phòng; gây thiệt hại cho quân đội hoặc phạm tội trong doanh trại, khu quân sự.
Về thẩm quyền theo lãnh thổ, vụ án xảy ra trên địa bàn nào sẽ thuộc thẩm quyền của tòa án quân sự nơi đó còn việc phân định địa bàn sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định.
Riêng trường hợp bị cáo là người của hải quân hoặc người khác nhưng gây thiệt hại cho hải quân sẽ bị xét xử bởi tòa án quân của chủng hải quân, không phụ thuộc nơi phạm tội.
Đáng chú ý, tòa án quân sự có thể xét xử tất cả các loại tội phạm trong trường hợp thiết quân luật; kể cả khi thiết quân luật bị dỡ bỏ, tòa quân sự tiếp tục xét xử những vụ đã thụ lý.
Luật Quốc phòng năm 2018 quy định, thiết quân luật là biện pháp quản lý nhà nước đặc biệt có thời hạn do quân đội thực hiện. Khi an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở một hoặc một số địa phương bị xâm phạm nghiêm trọng tới mức chính quyền ở đó không còn kiểm soát được tình hình, Chủ tịch nước ra lệnh thiết quân luật theo đề nghị của Chính phủ.
Thông tư 03 của TAND tối cao quy định thêm, tòa án quân sự khu vực có quyền xét xử các bị cáo khi phạm tội có quân hàm trung tá trở xuống hoặc giữ chức vụ theo quy định có cấp bậc cao nhất là trung tá. Những người có quân hàm thượng tá trở lên hoặc tương đương sẽ do tòa án quân sự quân khu xét xử.
Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 quy định, hệ thống tòa án thuộc quân đội bao gồm Tòa án Quân sự Trung ương; tòa án quân sự quân khu hoặc tương đương; tòa án quân sự khu vực.
Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương đồng thời sẽ là Phó chánh án TAND tối cao, do Chủ tịch nước bổ nhiệm. Người giữ chức vụ này hiện nay là Trung tướng Dương Văn Thắng (được bổ nhiệm từ năm 2019).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.