Thời hoàng kim của làng gà

Thứ sáu, ngày 10/06/2011 07:29 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Mặc dù giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, nhưng người chăn nuôi ở xã Tân Khánh, huyện Phú Bình,Thái Nguyên vẫn có lãi. Có thể nói, đây là thời hoàng kim của những nông dân nuôi gà ở đây.
Bình luận 0

Anh Hà Văn Đông - Phó Chủ tịch Hội ND xã Tân Khánh dẫn chúng tôi đi thăm một số hộ nuôi gà trong xã. Anh cho biết, cuối năm 2010 và những tháng đầu năm 2011, nhiều hộ chăn nuôi trong xã “trúng quả”.

Kiếm bạc triệu mỗi ngày

img

Với mô hình nuôi gà đẻ, sau mỗi ngày anh Nguyễn Văn Tuyên, xóm Làng Cả thu lãi 1,4 triệu đồng.

Chỉ có 2 lao động chính, nhưng vợ chồng anh chị Nguyễn Văn Tuyên - Nguyễn Thị Tâm, xóm Làng Cả nuôi tới 4 trại gà đẻ và điều hành một lò ấp trứng công suất 3 vạn quả trứng/mẻ. Gà giống ấp nở tại lò của nhà anh Tuyên cung cấp cho hàng chục trại gà thịt trong xã. Nuôi tới vài nghìn con gà đẻ nhưng xem ra anh Tuyên thảnh thơi lắm. “Chỉ cho gà ăn, dọn vệ sinh và nhặt trứng cho vào lò ấp. Xong việc thì nghỉ. Trừ hết chi phí, bình quân mỗi ngày vợ chồng tôi bỏ túi 1,4 triệu đồng”- anh Tuyên cho hay.

Không chỉ những hộ nuôi gà đẻ như anh Tuyên, hàng trăm hộ nuôi gà thịt thương phẩm cũng thu lời hàng chục triệu đồng mỗi lứa. Gia đình anh Nguyễn Văn Thịnh, xóm Đồng Bầu mấy năm nay có tích lũy nhờ nuôi gà. Trại gà của gia đình anh có hàng nghìn con. Mỗi tháng, anh mua về 1.000 gà giống nên quanh năm lúc nào cũng có gà bán. Anh Thịnh chia sẻ: “Những tháng nắng nóng, nhu cầu giảm, tôi nuôi ít, chứ đầu năm, cuối năm, mỗi lứa nhà tôi nuôi tới 2.000 con. Giá gà bán cho thương lái hiện từ 70.000-75.000 đồng/kg. Bình quân, mỗi con gà xuất khoảng 2kg, trừ chi phí, người nuôi lãi 50%”.

Ông Nguyễn Văn Căn-Chủ tịch Hội ND xã Tân Khánh không giấu được niềm vui: “Làng Cả là xóm nuôi gà nhiều nhất xã Tân Khánh. Năm nay doanh thu mỗi lứa gà của xóm tới vài tỷ đồng. Không chỉ nuôi gà, nhiều hộ nuôi lợn trong xã thời điểm này cũng rất phấn khởi vì bán được giá”.

Sẽ thành lập HTX chăn nuôi

img Hội ND tỉnh Thái Nguyên và huyện Phú Bình cần quan tâm, tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi hàng hoá ở xã Tân Thành tham gia các lớp dạy nghề chăn nuôi thú y. Lao động được đào tạo thì việc mở rộng chăn nuôi mới có cơ sở vững chắc... img

Xã trung du Tân Khánh có 24 xóm. Các mô hình nuôi gà, lợn với quy mô hàng hoá xuất hiện ở Tân Khánh cách đây hơn 10 năm. Đi tiên phong là các hộ ở xóm Làng Cả, rồi xóm La Di, sau lan dần ra tất cả các xóm. Các đồi gò trồng ngô, sắn hiệu quả thấp dần được thay thế các lán trại nuôi gà.

Nhiều người trước kia đi đào đãi vàng nay đã về quê nuôi gà. Ban đầu mạnh ai nấy nuôi, sau các hộ tập hợp nhau vào CLB chăn nuôi. Giờ đây, 24 xóm trong xã đều có CLB chăn nuôi thu hút hàng trăm ND tham gia.

Anh Hà Văn Đông cho biết: “Các thành viên trong CLB giúp nhau kinh nghiệm, kiến thức chăn nuôi; cung ứng cho nhau con giống, thức ăn chăn nuôi; thống nhất phương thức bán, giá bán để hạn chế bị thương lái ép giá... Trong tương lai, các hộ chăn nuôi lớn sẽ thành lập HTX. Hiện, trong xã có 130 hộ đạt chuẩn và được cấp giấy chứng nhận trang trại”.

Tuy chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nông nghiệp, tạo việc làm cho hàng trăm lao động, nhưng theo ông Nguyễn Xuân Mão - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Khánh, hiện các hộ chăn nuôi đang đối mặt với 3 khó khăn. Thứ nhất, vay vốn thương mại rất khó; có tài sản thế chấp, nhưng ngân hàng chỉ cho vay tối đa từ 30-50 triệu đồng. Thứ 2, hiện nay quy mô ngày càng mở rộng, nhưng người chăn nuôi chưa được dạy nghề, đào tạo kỹ thuật. Thứ 3, địa bàn xã rộng, nhưng hầu hết các đường liên thôn chưa được cứng hoá, mỗi khi mưa gió, rất khó khăn cho việc vận chuyển gà, lợn...”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem