Thói quen uống rượu lại "cầu cứu" hội nhóm báo chốt nồng độ cồn
Người uống rượu, bia "cầu cứu" hội nhóm báo chốt thổi nồng độ cồn
Ngọc Huyền
Thứ ba, ngày 05/12/2023 06:18 AM (GMT+7)
Nhiều tài xế hễ uống rượu, bia lại vào nhóm "cầu cứu" anh em thông báo về các điểm có chốt đo nồng độ cồn. Việc lập nhóm báo chốt CSGT, 141 có thể "tiếp tay" cho những người vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý.
Trên mạng xã hội gần đây xuất hiện ngày càng nhiều các hội nhóm "báo chốt" 141 và cảnh sát giao thông (CSGT), lôi kéo đám đông cổ súy hành vi coi thường pháp luật. Chỉ cần gõ từ khóa "báo chốt" trên tài khoản mạng xã hội, ngay lập tức hiện ra rất nhiều fanpage, hội nhóm.
Trong đó, các nhóm như: Thông chốt & Báo chốt 141; Báo chốt 141 Hà Nội; Chốt giao thông,… có đến hàng nghìn thành viên. Mỗi bài đăng trên các nhóm này đều thu về lượt tương tác khủng.
Thời điểm về đêm là lúc các thành viên hoạt động sôi nổi nhất. Người điều khiển xe máy liên tục hỏi chốt 141, còn những người đi ô tô lại tìm đủ mọi cách trốn tránh chốt đo nồng độ cồn.
Truy cập một nhóm báo chốt có lượng thành viên lên tới hơn 200.000 người, không khó để thấy được những bài đăng từ các tài xế đã ngấm men rượu.
"Ôi hôm nay lại say mất rồi. Hướng đi từ Hà Đông – Ngã Tư Sở - Hoàng Quốc Việt, anh em lên sóng hộ với. Uống từ trưa mà giờ vẫn còn cồn trong người, nay ở đâu có vậy các bác?", một lời "cầu cứu" cho hay.
Chỉ cần có người "cầu cứu", các thành viên lập tức ra tay giúp đỡ bằng cách báo vị trí chốt một cách chính xác, cụ thể. Có người chụp màn hình bản đồ rồi khoanh tròn, có người "cẩn thận" hơn, chụp ảnh chốt đo nồng độ cồn báo lên nhóm.
Hoạt động xuyên suốt ngày đêm, các thành viên của những hội nhóm báo chốt này luôn bận rộn cập nhật thông tin về địa điểm và hoạt động của lực lượng cảnh sát giao thông, lực lượng 141 khi đang làm nhiệm vụ. Mỗi thông tin đưa ra đều nhận về "cơn mưa lời khen" và lời cảm ơn từ những tài xế say xỉn.
Không chỉ dừng lại ở đó, nhiều chủ tài khoản còn sử dụng ngôn từ cùng lời lẽ mỉa mai, xúc phạm cảnh sát giao thông. Các bài đăng này luôn thu hút đông đảo lượt tương tác, đa số đều hưởng ứng, dành những lời tán dương việc báo chốt, đồng thời cảm ơn việc cung cấp địa điểm.
Hoạt động tinh vi, coi thường luật pháp
Thực trạng này đã tồn tại từ rất lâu, cũng có hàng loạt trường hợp bị xử phạt do lập hội báo chốt. Để tránh tai mắt của lực lượng chức năng, các hội nhóm ngày càng hoạt động tinh vi.
Một số nhóm báo chốt đo nồng độ cồn không còn để chế độ công khai mà cài đặt về chế độ riêng tư. Chỉ khi tham gia vào nhóm, người xem mới có thể đăng, bình luận và nhìn thấy các bài viết kín.
Thậm chí, các nhóm lập riêng 'đoạn chat cộng đồng' chỉ dành cho những thành viên của nhóm tham gia. Trong nhóm chat, các thông tin đưa ra có phần cụ thể, chi tiết hơn nhiều so với bài đăng thông thường.
"Thổi kèn, bắt oto, anh em tụ tập, căng dây,…" là những từ ngữ tiêu biểu mà hội nhóm này sử dụng để ám chỉ hoạt động kiểm soát của lực lượng CSGT. Hoạt động sôi nổi và đông thành viên tới vậy, nhưng hiếm có ai đưa ra lời khuyên đã uống rượu bia thì không lái xe.
Chị Đinh Thị Nguyệt (Nam Từ Liêm, Hà Nội) bức xúc: "Họ biết rõ bản thân đã uống rượu, bia nhưng vẫn cố tình lái xe. Đến khi gây ra tai nạn thì mọi chuyện đã rồi. Những người này không chỉ coi thường pháp luật mà còn coi thường mạng sống của người khác, của chính mình".
Cùng chung suy nghĩ, chị Nông Thị Hà (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi nghĩ nên dẹp triệt để các hội nhóm báo chốt, đặc biệt là chốt nồng độ cồn. Nỗi đau mất đi người thân thật sự quá khủng khiếp. Dù có phạt những người này bao nhiêu cũng không thể bù đắp được. Họ nên biết nghĩ về hậu quả thay vì báo chốt rồi thể hiện mình có ích như vậy".
Theo quy định, người dân có quyền giám sát đối với hoạt động của cơ quan chức năng, tuy nhiên việc giám sát phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Đã có trường hợp lập hội nhóm báo chốt bị cơ quan chức năng xử lý về hành vi "Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật".
Cơ quan chức năng cảnh báo, hành vi lập nhóm để đăng thông báo hoạt động của lực lượng CSGT giúp người vi phạm né tránh là rất nguy hiểm. Hành vi này không chỉ cản trở, tác động xấu đến hiệu quả công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông mà còn có thể giúp các đối tượng phạm pháp hình sự, tàng trữ, vận chuyển ma túy, vũ khí biết để né tránh lực lượng làm nhiệm vụ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.