Ngân hàng Nhà nước đang chịu áp lực "ba bề, bốn bên"

Huyền Anh Thứ bảy, ngày 20/08/2022 06:32 AM (GMT+7)
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước đang chịu áp lực "ba bề, bốn bên", có nhiều giải pháp mà nếu can thiệp bây giờ chỉ giải quyết được khó khăn trước mắt của năm nay và gây ra những hệ lụy của năm sau.
Bình luận 0

Đoàn công tác của Quốc hội vừa có buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) về tình hình triển khai các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022, giai đoạn 2021-2025.

Ngân hàng Nhà nước đang chịu áp lực "ba bề, bốn bên"

Phát biểu tại buổi làm việc, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, với Nghị quyết số 32/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, NHNN đã rà soát kĩ và thấy được nhiệm vụ tổng quát của hai nghị quyết này là thực hiện giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Trong ổn định kinh tế vĩ mô, đối với hoạt động ngân hàng là đảm bảo an toàn của thị trường ngoại hối và an toàn của hệ thống ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước đang chịu áp lực "ba bề, bốn bên" - Ảnh 1.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại buổi làm việc ngày 19/8. (Ảnh: SBV)

Trong bối cảnh thế giới và trong nước 6 tháng đầu năm nay có rất nhiều áp lực nhưng kết quả hoạt động của NHNN vẫn được đánh giá cao. Dù vậy, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng trong thời gian tới, những khó khăn đối với việc điều hành chính sách tiền tệ đã hiện rõ.

Đơn cử như tác động vòng hai của lạm phát đã thấy rõ qua chỉ số giá tiêu dùng tháng 7; tâm lý kỳ vọng lạm phát ở Việt Nam cũng khá cao so với các nước trong khu vực; hay với vấn đề lãi suất, nếu giảm lãi suất hoặc giữ mặt bằng lãi suất ổn định trong khi lãi suất thế giới cao thì nhà đầu tư có xu hướng chuyển dịch về nơi lãi suất cao, khi đó sẽ áp lực đến tỷ giá, đồng VND sẽ mất giá,...

Có thể nói, NHNN đang chịu áp lực "ba bề, bốn bên", người dân gửi tiền mong lãi suất đầu vào cao, doanh nghiệp mong giảm lãi suất đầu ra, doanh nghiệp bất động sản đang gặp vướng mắc về vốn thì mong tháo gỡ tín dụng còn các lĩnh vực sản xuất cũng mong dòng vốn chảy vào sản xuất, kinh doanh.

Khẳng định NHNN luôn lắng nghe ý kiến từ nhiều phía, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN sẽ luôn kiên định đặt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường ngoại hối, ổn định an toàn của hệ thống ngân hàng lên trên hết.

Chính vì vậy, Thống đốc mong muốn khi đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu ở nghị quyết của Quốc hội, NHNN sẽ được đánh giá ở mục tiêu tổng thể, bởi phải nhìn nhận rằng, bối cảnh xây dựng hai nghị quyết này khác với hiện tại, vì vậy nếu thực hiện các mục tiêu cụ thể này sẽ mâu thuẫn với mục tiêu chung.

Với ngành ngân hàng, không chỉ thực hiện mục tiêu của nghị quyết năm nay mà phải hướng tới mục tiêu bền vững, ổn định, bởi chính sách tiền tệ nó là tác động độ trễ, các chính sách kinh tế vĩ mô cũng có tác động độ trễ. Có nhiều giải pháp mà nếu can thiệp bây giờ chỉ giải quyết được khó khăn trước mắt của năm nay và gây ra những hệ lụy của năm sau.

Khó khăn, vướng mắc cần làm rõ lý do và sớm có giải pháp tháo gỡ

Đánh giá cao kết quả mà NHNN đã đạt được trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, báo cáo của NHNN và ý kiến của các đại biểu cũng đã thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các nghị quyết của Quốc hội, nhất là những áp lực đối với điều hành chính sách tiền tệ, điều hành tín dụng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. 

Kết quả cho vay theo chương trình hỗ trợ lãi suất qua hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) còn hạn chế; các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ còn gặp khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng; quá trình cơ cấu lại các NHTM mua bắt buộc và kiểm soát đặc biệt còn kéo dài; vốn điều lệ của các NHTM nhà nước tăng chậm; áp lực nợ xấu tăng; hoạt động mua, bán, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các TCTD còn tiềm ẩn rủi ro; tội phạm công nghệ với những thủ đoạn mới ngày càng tinh vi, khó lường có xu hướng gia tăng…

Ngân hàng Nhà nước đang chịu áp lực "ba bề, bốn bên" - Ảnh 3.

Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: SBV)

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội trong thời gian tới, ông Hải đề nghị NHNN tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng kịp thời với diễn biến của thị trường trong nước và quốc tế.

Triển khai quyết liệt Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về triển khai Nghị quyết số 43, Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, bảo đảm hiệu quả trong thời gian triển khai chương trình (đến hết năm 2023). Trong trường hợp có khó khăn, vướng mắc cần làm rõ lý do và sớm có giải pháp tháo gỡ; trường hợp cần thiết sửa đổi quy định, cần khẩn trương nghiên cứu, đề xuất kịp thời.

Đồng thời, NHNN điều hành tín dụng hợp lý, trong đó có việc phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng, bảo đảm cung ứng vốn cho nền kinh tế, nhất là trong giai đoạn triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

NHNN cũng cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hành lang pháp lý và tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách tiền tệ, ngoại hối, hoạt động kinh doanh vàng và hoạt động ngân hàng.

Tổ chức triển khai quyết liệt đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; nâng cao năng lực tài chính của TCTD, nhất là tăng vốn điều lệ cho các NHTM Nhà nước và NHTM có vốn nhà nước chi phối…

Chỉ đạo các TCTD tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến, đơn giản hóa quy trình, thủ tục vay vốn, tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng với lãi suất phù hợp, phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và nhu cầu đời sống, tiêu dùng chính đáng, góp phần hạn chế, tiến tới xóa bỏ "tín dụng đen". Đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tạo điều kiện cho các TCTD phát triển các sản phẩm cho vay an toàn, hiệu quả.

Bên cạnh đó, cần tăng cường quản lý, giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ ngân hàng điện tử và phối hợp với cơ quan bảo vệ pháp luật để phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm liên quan; đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực ngân hàng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem