Thú buông câu bắt cá lung bàu rừng U Minh Thượng

Bài, ảnh: Phúc Lộc Thứ năm, ngày 28/05/2015 06:29 AM (GMT+7)
Một lần đến Vườn Quốc gia U Minh Thượng, chúng tôi có dịp tháp tùng theo đoàn người du lịch ra tận các lung bàu để khám phá và làm quen với các “ngư  ông” đang buông câu giữa rừng.
Bình luận 0
Chiếc ghe vỏ composite chở chúng tôi băng băng rẽ sóng, bỏ lại sau lưng những cụm bèo non tơ xanh biếc và những cọng bông súng trắng muốt, mượt mà trông thật dễ thương. Sau gần 15 phút lảng đảng dọc theo các dòng kinh, chiếc vỏ lãi bỗng nhiên lao vun vút đến một trảng nước mênh mông mọc toàn bồn bồn, năn, súng, rong, bèo khiến cho lũ chim giật mình vỗ cánh bay lên, cất tiếng kêu hoang hoác. Một lát sau, chiếc vỏ lại chuyển hướng về vạt rừng tràm, nơi có những chiếc xuồng đang... cắm sào buông câu.
img
Đường vào rừng tràm vườn QG.U Minh Thượng.
Trước mắt chúng tôi bấy giờ là những “cần thủ” trông có vẻ rất chuyên nghiệp và rất say mê. Mỗi người trên một chiếc xuồng nhỏ tẻo teo, trong khoang chất lổn ngổn nào thùng đựng cá, nào đồ ăn, nước uống và các loại đồ nghề. Xuồng họ không tập trung một chỗ mà mỗi người lại chọn một điểm riêng. Người câu rê (nhấp cá lóc) lúc nào cũng đứng trong tư thế sẵn sàng ném sợi nhợ ra thật xa để kéo con mồi (nhái) sao cho lả lướt, nhẹ nhàng và điệu nghệ. Ai câu cá rô, cá trê… thì lúc đứng, lúc ngồi tùy hứng. Cứ mỗi lần được cá anh em lại nôn nao, hỏi nhau tíu tít như để động viên và chia sẻ. Lại có người ngồi ôm cần, trầm tĩnh vô ngôn giống như một nhà hiền triết.
img
Câu cá giữa rừng U Minh Thượng.
img
Câu cá lóc (loại câu rê) trong vườn Quốc gia U Minh Thượng.

Anh Ngọc Đạt, một người say mê thú câu cá từ thưở nhỏ. Anh cho biết đa số anh em câu cá ở đây đều đến từ TP.HCM. Có người thỉnh thoảng đi câu giải trí, có người coi U Minh Thượng là điểm hẹn cuối tuần hoặc cuối tháng. Mọi người chọn tour câu cá là vì đam mê.

Mỗi chuyến đi kéo dài 1-2 ngày, tốn kém bạc triệu nhưng họ vẫn say mê không nản chí. Nhiều người coi đây vừa là môn thể thao bổ ích vừa là thú vui thanh nhàn, giúp cho tinh thần thư giãn và bỏ lại sau lưng tất cả những phiền muộn lo âu sau những ngày lao động vất vả. Nhiều cụ già còn phấn khởi cho biết nhờ đi câu mà sức khỏe tăng lên, cuộc sống cảm thấy yêu đời hơn. Điển hình như cụ Tư Long (trên 70 tuổi), cụ  Hai (80 tuổi) … lúc ở nhà chỉ ăn có một chén cơm nhưng lúc tháp tùng đi câu với bạn bè thì lại hồ hởi, ăn ngon, ngủ khỏe và ăn nhiều gấp đôi, gấp ba lần.

Ngoài thú vui giải trí, phần lớn những “cần thủ” có kinh nghiệm sau mỗi chuyến đi thường mang về nhiều “chiến lợi phẩm” như cá trê, rô, lóc… đủ để làm quà cho gia đình, bạn bè và người thân. Đặc biệt trong số những người câu tài tử, ở U Minh Thượng còn có không ít người câu chuyên nghiệp, điển hình như anh Trần Quốc Toản, quê ở Thái Bình, vào Nam từ năm 9 tuổi và đã theo cha đi câu từ năm 11 tuổi. Từ đó đến nay anh trở thành một “tín đồ” say mê câu cá.

img
Anh Trần Quốc Toản, một "sát thủ" cá tại rừng U Minh Thượng.

 

Lúc đầu, anh đi câu cũng vì mục đích giải trí, một thú vui nhưng lần hồi bắt được nhiều cá nên anh mới chuyển thành một nghề hẳn hoi – nghề câu cá đồng. Thế là mỗi ngày anh mua vé, thuê xuồng để vào khu lung bàu này, tha hồ mà câu. Có thể nói hầu hết những lung, bàu, dòng kinh, trảng nước thuộc U Minh Thượng, không chỗ nào là anh không biết. Không những vậy, anh còn biết rõ chỗ nào nhiều cá, chỗ nào ít cá để hướng dẫn cho các anh em ở xa mới đến.  

Theo anh Toản, bí quyết của nghề câu là mồi. Muốn nhấp cá lóc nhất thiết phải có nhái sống, còn muốn câu cá rô, cá sặt và thát thát phải dùng mồi kiến vàng. Ngoài mồi, người câu còn phải nắm bắt các qui luật tự nhiên, chẳng hạn như cá rô ăn mồi mạnh nhất từ sáng cho tới 9 giờ, chiều từ 2 đến 5 giờ; cá lóc từ 9 đến 12 giờ; cá thát lát bất cứ lúc nào cũng câu được.
img
Hoàng hôn buông xuống, các “ngư ông” quay về sau một ngày buông câu.
Thông thường mỗi chuyến câu cá thường chấm dứt khi hoàng hôn vừa buông xuống. Lúc ấy, các hướng dẫn viên du lịch dùng vỏ lãi ra tận nơi rước các tay câu về hồ Hoa Mai. Tại đây, nếu ngủ lại đêm, các “ngư ông” sẽ có dịp thưởng thức những món ngon đồng nội như cá rô kho trái giác, cá rô, cá trê nướng ăn với nước mắm gừng, cá thát lát chiên sả hoặc cá lóc hấp bồn bồn, ăn kèm với các loại rau rừng: bồn bồn, rau muống, bông súng… toàn là những món ngon nhớ đời.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem