Thủ đoạn chính của tội phạm xâm hại trẻ em mà 91% hung thủ thường làm

Bách Thuận Thứ tư, ngày 07/12/2022 14:05 PM (GMT+7)
Trong 2 năm, Công an TP.Hà Nội điều tra, giải quyết hơn 200 vụ xâm hại trẻ em với hàng trăm đối tượng. Đối tượng phạm tội chủ yếu là nam giới và chúng thường có cách tiếp cận trẻ em gần như giống nhau.
Bình luận 0

Thủ đoạn chính của hầu hết các đối tượng

Công an TP.Hà Nội cho biết, trong thời gian 2 năm 2021 - 2022, Công an TP.Hà Nội đã phát hiện, điều tra, giải quyết 229 vụ, 281 đối tượng có hành vi xâm hại 240 trẻ em (giảm 11 vụ = 4,9% so với 2 năm liền kề).

Lực lượng chức năng đã xử lý hình sự khoảng 93% số vụ, xử lý hình chính khoảng 2,65% số vụ, đang điều tra 9 vụ. Các vụ việc xâm hại trẻ em xảy ra chủ yếu ở địa bàn các huyện, thị xã (chiếm hơn 60%), địa bàn các quận phát hiện 90 vụ, chiếm gần 40%.

Qua các vụ án, vụ việc đã phát hiện, điều tra khám phá cho thấy các vụ việc xâm hại trẻ em tập trung chủ yếu là hành vi xâm hại tình dục trẻ em.

Đối tượng phạm tội chủ yếu là nam giới (272 đối tượng, chiếm 96,7%), đối tượng nữ giới chiếm tỉ lệ nhỏ (9 đối tượng, chiếm 3,2%).

Đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em ở nhiều lứa tuổi, tập trung ở nhóm tuổi trên 18 tuổi; nhóm từ 16 đến dưới 18 tuổi có 57 đối tượng và nhóm dưới 16 tuổi có 22 đối tượng.

Các đối tượng có thành phần xã hội khác nhau, nhưng phần lớn có trình độ văn hóa thấp (không nghề hoặc lao động tự do, chiếm 97,2%), nhận thức pháp luật và xã hội còn hạn chế và hầu hết là phạm tội lần đầu (chiếm 95,7%); cá biệt có vụ việc do đối tượng là cán bộ, viên chức, người có trình độ học vấn thực hiện. Chưa phát hiện đối tượng là người nước ngoài.

Thủ đoạn chính của tội phạm xâm hại trẻ em mà 91% hung thủ thường làm - Ảnh 1.

Đến 91% đối tượng thường sẽ tìm cách làm quen trẻ em qua mạng xã hội, ứng dụng hẹn hò rồi tiếp cận, sau đó thực hiện hành vi phạm tội. Ảnh minh họa

Công an TP.Hà Nội cho biết, thủ đoạn chính của tội phạm xâm hại trẻ em thường là thông qua các mạng xã hội, ứng dụng hẹn hò, kết bạn (như Facebook, Zalo, Tinder…) làm quen với trẻ em để gặp gỡ, dụ dỗ trẻ em quan hệ tình dục (257 đối tượng, chiếm 91,4%).

Bên cạnh đó còn một số thủ đoạn khác như dùng vũ lực ép buộc, dùng vật chất để lừa gạt hoặc dùng chất kích thích. Ngoài ra, một vài trường hợp xâm hại trẻ em khác trong quan hệ gia đình hoặc quan hệ trong cơ sở giáo dục.

Nạn nhân của các vụ xâm hại này thường là trẻ em từ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi. Nạn nhân chủ yếu là trẻ em gái; trẻ em nam có 30 trường hợp (chiếm 12,5%).

Nhà chức trách khẳng định, hậu quả của các vụ xâm hại trẻ em để lại vô cùng nặng nề, làm ảnh hưởng đến tinh thần, ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ em.

Có 9 trẻ em mang thai (chiếm 3,8%), 26 trẻ em bị thương tích (chiếm 10,8%), 4 trẻ em chết hoặc tự tử (chiếm 1,7%), 1 em bị rối loạn tâm thần (chiếm 0,4%).

Đặc biệt xảy ra một số vụ trẻ em bị bạo hành, để lại hậu quả nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận như vụ cháu Đ.N.A (SN 2018), bị đối tượng Nguyễn Trung Huyên (SN 1992, Thạch Thất, Hà Nội, là người tình của mẹ) bạo hành, đóng 9 cái đinh vào đầu khiến cháu tử vong sau nhiều ngày cấp cứu.

Không để các em quá tự do, tiếp xúc nhiều nguồn thông tin không chuẩn về giới tính

Trước các diễn biến trên, Công an TP.Hà Nội đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý tội phạm xâm hại trẻ em.

Trong 2 năm qua, Công an thành phố đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ và phòng ngừa xã hội; quan tâm đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân tích cực tham gia phát hiện, đấu tranh, lên án, tố giác tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến các hành vi xâm hại trẻ em. Phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tăng cường quản lý, giáo dục trẻ em có hành vi trái với quy định của pháp luật. Xây dựng và duy trì nhiều mô hình điểm liên quan như: "Phòng ngừa, trợ giúp trẻ em, người chưa thành niên bị xâm hại tình dục", "Liên kết trường học, đấu tranh phòng ngừa các loại tội phạm cướp, cưỡng đoạt tài sản của học sinh", "xử lý chuyển hướng thân thiện dựa vào cộng đồng để phòng ngừa, trợ giúp người chưa thành niên vi phạm pháp luật"…

Xây dựng và duy trì sử dụng có hiệu quả "Phòng điều tra thân thiện" để lấy lời khai của trẻ em là nạn nhân của các vụ xâm hại và người chưa thành niên vi phạm pháp luật.

Thủ đoạn chính của tội phạm xâm hại trẻ em mà 91% hung thủ thường làm - Ảnh 2.

Nguyễn Trung Huyên xâm hại sức khỏe, tính mạng con gái của người tình bằng một cách rất tàn nhẫn. Ảnh: CACC

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm xâm hại trẻ em, các ngành chức năng cần tiếp tục tham mưu thực hiện có hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em… Cần tăng cường sự phối hợp trao đổi thông tin giữa các cấp, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội, chính quyền các cấp, trong đó vai trò của các cấp ủy Đảng, chính quyền và gia đình là hai yếu tố rất quan trọng trong hoạt động thông tin, tuyên truyền.

Đẩy mạnh phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc trong quần chúng nhân dân với những nội dung tuyên truyền cụ thể về phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm xâm hại trẻ em, nhất là các hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi phạm tội; tuyên truyền về tác hại mặt trái của mạng xã hội; vận động nhân dân tích cực tham gia tố giác tội phạm nói chung, tội phạm xâm hại trẻ em nói riêng. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền pháp luật về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân.

Bên cạnh việc triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa xã hội kết hợp với phòng ngừa nghiệp vụ cần chủ động nắm chắc tình hình, có biện pháp quản lý chặt chẽ số đối tượng trọng điểm, đối tượng có tiền án, tiền sự về bạo lực, bạo hành, xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục trẻ em, số đối tượng có lối sống buông thả, liên quan đến các tệ nạn xã hội: Sử dụng trái phép các chất ma túy, văn hóa phẩm đồi trụy... để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến xâm hại trẻ em.

Duy trì tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm; đảm bảo 100% các tin báo, tố giác liên quan đến tội phạm xâm hại trẻ em đều được tiếp nhận, xác minh, giải quyết triệt để, phát huy hiệu quả của "Phòng điều tra thân thiện" và cán bộ có kỹ năng tốt trong việc lấy lời khai của trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật; tập trung lực lượng điều tra, nhanh chóng bắt giữ đối tượng gây án liên quan đến xâm hại trẻ em để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Công an thành phố khuyến cáo các bậc cha mẹ, gia đình, người chăm sóc trẻ, cần tăng cường sự quan tâm, giáo dục, quản lý, chia sẻ với các em, nhất là về vấn đề giới tính, không để các em quá tự do, tiếp xúc nhiều nguồn thông tin, dẫn tới các em thiếu hiểu biết về tâm sinh lý lứa tuổi và kiến thức pháp luật, kỹ năng về phòng, chống xâm hại, chủ động phòng tránh các hành vi xâm hại, biết tự bảo vệ mình trước mọi hành vi xâm hại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem