Thủ đoạn hô biến rừng cây cổ thụ: Có thể xử lý hình sự hành vi "bứng" cây cổ thụ từ rừng về nhà

Lam Anh – Văn Hoàng Thứ tư, ngày 05/05/2021 10:40 AM (GMT+7)
Cục Kiểm lâm Việt Nam đề nghị tăng cường lực lượng kiểm tra, truy xuất nguồn gốc cây đại cảnh tại các "vườn ươm" trên cả nước. Tuyên truyền để người dân không "chơi" cây cổ thụ có nguồn gốc từ rừng tự nhiên để rồi "vô tình hay hữu ý" tiếp tay cho vi phạm.
Bình luận 0
Thủ đoạn hô biến rừng cây cổ thụ: Có thể xử lý hình sự hành vi "bứng" cây cổ thụ từ rừng về nhà - Ảnh 1.

Khai thác cây cổ thụ có nguồn gốc từ rừng tự nhiên có thể bị xem xét xử lý hình sự


Theo văn bản mới nhất phản hồi loạt phóng sự Điều tra trên Dân Việt, ông Nguyễn Quốc Hiệu - Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm Việt Nam, Bộ NNPTNT nhấn mạnh: Tùy theo mức độ, thậm chí có thể xem xét xử lý hình sự đối với các "lâm tặc" rửa nguồn gốc, hô biến rừng cổ thụ ngoài tự nhiên thành cây đại cảnh (như Dân Việt phản ánh).

Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm: Tăng cường điều tra và ngăn chặn!

Ông Nguyễn Quốc Hiệu phân tích: Căn cứ Điều 9 Luật Lâm nghiệp năm 2017, hành vi khai thác cây gỗ từ rừng tự nhiên (trong đó có cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ) trái quy định của pháp luật là một trong các hành vi bị nghiêm cấm và phải bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm thì xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ; trường hợp vượt mức xử lý hành chính thì phải xem xét xử lý hình sự theo Điều 232 - Bộ Luật Hình sự năm 2015 (đã được sửa đổi bổ sung năm 2017).

Cục Kiểm lâm khẳng định hành vi khai thác rừng trái pháp luật (trong đó có cả hành vi đào gốc cây cổ thụ, cây cảnh, cây bóng mát) là hành vi bị nghiêm cấm, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái, gây ra tình trạng biến đối khí hậu, mất đa dạng sinh học, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của con người.

Thủ đoạn hô biến rừng cây cổ thụ: Có thể xử lý hình sự hành vi "bứng" cây cổ thụ từ rừng về nhà - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Quốc Hiệu, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp).

Thời gian qua, công tác quản lý cây cổ thụ, cây cảnh, cây bóng mát đã được các địa phương cơ bản thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật. 

Tuy nhiên, tại một số địa phương vẫn còn xảy ra tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển cây cổ thụ (trái pháp luật)… mà Dân Việt phản ánh và dư luận rất quan tâm.

Theo Cục Kiểm lâm: số liệu thống kê năm 2020 và 3 tháng đầu năm 2021, lực lượng kiểm lâm toàn quốc đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 6.870 vụ vi phạm khai thác, tàng trữ, mua bán, chế biến, vận chuyển lâm sản trái quy định của pháp luật.

Trong thời gian tới, Cục Kiểm lâm sẽ tiếp tục tham mưu cho cấp có thẩm quyền chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng kiểm lâm, các cơ quan chức năng của địa phương tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng khai thác trái pháp luật cây cảnh, cây cổ thụ, cây bóng mát có nguồn gốc từ rừng. 

Đồng thời, tiếp tục tham mưu hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý cây cảnh, cây bóng mát.

Không "chơi" cây cổ thụ có nguồn gốc từ rừng tự nhiên

Trước đó, ngay sau khi Báo NTNN/Dân Việt đăng tải loạt bài "Lật mặt nạ các phù thủy hô biến nhiều cánh rừng cổ thụ", Cục Kiểm lâm đã ra Văn bản chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm các tỉnh nhằm ngăn chặn, xử lý tình trạng trên.

Văn bản số 152/KL-ĐN ngày 23/4/2021 nêu: Thời gian qua, Báo Dân Việt đăng loạt phóng sự điều tra: "Lật mặt nạ các phù thủy hô biến nhiều cánh rừng cổ thụ!", phản ánh "Gần đây, lại rộ lên phong trào bứng cây cổ thụ về trưng diện cho nhà cửa, công trình, đặc biệt là các biệt thự, resort, khách sạn để… thể hiện đẳng cấp…

Thủ đoạn hô biến rừng cây cổ thụ: Có thể xử lý hình sự hành vi "bứng" cây cổ thụ từ rừng về nhà - Ảnh 3.

Cây cổ thụ được rao bán ven đường Hồ Chí Minh đoạn qua thành phố PleiKu, tỉnh Gia Lai

Các lão mộc tinh được tập kết trong các vựa buôn cây khắp từ Bắc chí Nam, đặc biệt là ở các khu vực trọng điểm như dọc đường Láng Hòa Lạc (huyện Hoài Đức), xã Yên Bài (Ba Vì - Hà Nội), miền núi các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Bình Dương và TP HCM...".

Cục Kiểm lâm đề nghị Chi cục Kiểm lâm các địa phương Tổ chức kiểm tra truy xuất nguồn gốc đối với cây cổ thụ và các loài thực vật rừng tại các vườn cây, trại tập kết, tụ điểm buôn bán cây cảnh, cây bóng mát trên địa bàn quản lý theo quy định của pháp luật

Tăng cường lực lượng Kiểm lâm tại các vùng trọng điểm về phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, chủ rừng, đẩy mạnh công tác tuần tra bảo vệ rừng, kịp thời ngăn chặn các đối tượng vi phạm về khai thác, vận chuyển, mua, bán, tàng trữ lâm sản trái pháp luật đặc biệt là cây cổ thụ và các loài thực vật có nguồn gốc từ rừng, tự nhiên.

Thủ đoạn hô biến rừng cây cổ thụ: Có thể xử lý hình sự hành vi "bứng" cây cổ thụ từ rừng về nhà - Ảnh 4.

Cây cổ thụ được vận chuyển đi tiêu thụ

Đồng thời, đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, nhân dân trên địa bàn không khai thác mua bán, sử dụng các loài thực vật rừng đặc hữu, nguy cấp, quý hiếm có nguồn gốc từ rừng tự nhiên để trưng bày, làm cây cảnh, cây bóng mát.

Từ ngày 20 đến 25/4/2021, Báo NTNN/Dân Việt đã đăng tải loạt bài điều tra dài kỳ phản ánh việc một số người khai thác, vận chuyển, phù phép giấy tờ, buôn bán cây cổ thụ có nguồn gốc từ rừng tự nhiên về làm cây "đại cảnh" ở các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum,…

Trả lời Báo Dân Việt sau loạt bài, ông Lê Minh Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội cho biết, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 7 vụ vi phạm pháp luật có liên quan đến vận chuyển, buôn bán cây xanh, cây bóng mát, cây cổ thụ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem