Thứ trưởng Bộ NNPTNT: Chương trình OCOP thể hiện vai trò, ý chí, sức mạnh sáng tạo của người dân

Hà Thanh Thứ sáu, ngày 13/11/2020 15:19 PM (GMT+7)
Tại Hội nghị đánh giá chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 – 2020 khu vực phía Bắc diễn ra sáng 13/11, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam đã khẳng định, chương trình OCOP thể hiện vai trò, ý chí, sức mạnh sáng tạo của người dân.
Bình luận 0

Sáng 13/11, tại Thái Nguyên đã diễn ra Hội nghị đánh giá chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 – 2020 khu vực phía Bắc do Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức.

Chương trình OCOP thể hiện vai trò, ý chí, sức mạnh sáng tạo của người dân - Ảnh 4.

Toàn cảnh Hội nghị đánh giá chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 – 2020 khu vực phía Bắc.

Tại Hội nghị, đại diện các địa phương đã trình bày các tham luận tập trung vào các vấn đề như: Kinh nghiệm triển khai chương trình OCOP, kinh nghiệm quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP, đề xuất giải pháp thực hiện chương trình cũng như một số khó khăn, hạn chế còn tồn tại trong quá trình thực hiện.

Chương trình OCOP có ý nghĩa vô cùng quan trọng

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ NNPTNT khẳng định, chương trình OCOP là chương trình rất có ý nghĩa. 

Qua chương trình cho thấy vai trò, ý chí, sức sáng tạo của người dân. Đây là chương trình của Chính phủ, có vai trò của các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo chặt chẽ, do cơ quan quản lý nhà nước chấm và đánh giá chất lượng sản phẩm.

Chương trình OCOP thể hiện vai trò, ý chí, sức mạnh sáng tạo của người dân - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại hội nghị

Các sản phẩm OCOP có 4 thế mạnh cụ thể: Xác định được vùng nguyên liệu, các sản phẩm OCOP phải là sản phẩm ở nông thôn, các sản phẩm OCOP đã xây dựng được nguồn lực lao động lớn, các sản phẩm OCOP chú ý đến vấn đề chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và vấn đề chỉ dẫn địa lý.

Thứ trưởng cũng cho biết, vấn đề xúc tiến thương mại được thực hiện cơ bản rất tốt. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm OCOP trong quá trình tham dự chưa thực sự chú ý đến mẫu mã và thương hiệu sản phẩm nên không được đánh giá cao về chất lượng.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT: Chương trình OCOP thể hiện vai trò, ý chí, sức mạnh sáng tạo của người dân - Ảnh 3.

Ông Phạm Văn Sỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thái Nguyên phát biểu tại hội nghị

Theo ông Phạm Văn Sỹ -  Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thái Nguyên cho biết, Thái Nguyên có nhiều tiềm năng để phát triển các sản phẩm OCOP đặc biệt là sản phẩm chè. Thái Nguyên định hướng đẩy mạnh sản xuất sản phẩm sạch theo hướng hữu cơ, gắn sản phẩm OCOP với xác định vùng sản xuất, xây dựng nhãn hiệu gắn truy xuất nguồn gốc. 

Trong quá trình thực hiện chương trình OCOP, Thái Nguyên đã thực hiện việc tham quan, nghiên cứu cách làm của nhiều đơn vị, địa phương khác, đồng thời qua các kênh tuyên truyền, tập huấn triển khai để nâng cao nhận thức của các cấp, chính quyền địa phương, các chủ thể, thành phần kinh tế hiểu rõ vai trò, ý nghĩa của chương trình OCOP. Trong đó, chú trọng phát triển các HTX, làng nghề, qua đó làm cơ sở để xây dựng và thực hiện sản phẩm OCOP.

Đến nay, quá trình triển khai thực hiện chương trình OCOP rất thuận lợi và đạt nhiều kết quả. Trong 2 năm, toàn tỉnh đã đạt 76 sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao và 7 sản phẩm đạt OCOP 5 sao tham dự sản phẩm OCOP trung ương.

Những kết quả bước đầu

Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn gắn với xây dựng NTM bền vững, tập trung phát triển các sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với đơn vị làng, xã để phát huy nội lực, sức sáng tạo, hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa gắn với cộng đồng.

Ngày 7/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 – 2020. Sau gần 3 năm triển khai, đến nay chương trình OCOP đã đạt được những kết quả quan trọng.

Chương trình OCOP thể hiện vai trò, ý chí, sức mạnh sáng tạo của người dân - Ảnh 1.

Các đại biểu tham luận tại hội nghị

Đã có 2.169 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao trở lên, đạt 90,4% mục tiêu của chương trình giai đoạn 2018 – 2020. Trong đó, khu vực đồng bằng sông Hồng có nhiều sản phẩm OCOP nhất với 712 sản phẩm, miền núi phía Bắc với 497 sản phẩm OCOP, đồng bằng Sông Cửu Long có 375 sản phẩm OCOP, thấp nhất là vùng Đông Nam Bộ chỉ có 17 sản phẩm OCOP của tỉnh Đồng Nai. 

Như vậy, các tỉnh phía Bắc có 1.209 sản phẩm OCOP, chiếm trên 55,7% tổng số sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn của cả nước.

Về cơ cấu sản phẩm được phân hạng, có 1.405 sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 716 sản phẩm OCOP đạt 4 sao và 48 sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao. Hiện nay, Hội đồng OCOP cấp quốc gia đang tổ chức đánh giá, phân hạng cho 43 sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao theo đề xuất của 12 tỉnh, dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 11/2020.

Về cơ cấu sản phẩm theo nhóm, có 1.786 sản phẩm OCOP thuộc nhóm thực phẩm, 163 sản phẩm OCOP thuộc nhóm đồ uống, 107 sản phẩm OCOP thuộc nhóm lưu niệm nội thất và trang trí, còn lại là các sản phẩm khác.

Về chủ thể, đã có 1.271 chủ thể có sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó có 471 HTX, 390 doanh nghiệp, 365 cơ sở sản xuất, còn lại là các Tổ hợp tác.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT: Chương trình OCOP thể hiện vai trò, ý chí, sức mạnh sáng tạo của người dân - Ảnh 4.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT: Chương trình OCOP thể hiện vai trò, ý chí, sức mạnh sáng tạo của người dân - Ảnh 5.

Một số sản phẩm OCOP tiêu biểu

Trong 3 năm qua, Bộ NNPTNT đã tổ chức đào tạo và tập huấn cho hơn 8.000 lượt cán bộ quản lý, giảng viên trường đại học, phối hợp với các địa phương tập huấn cho trên 25.000 lượt cán bộ cấp huyện, chủ doanh nghiệp, HTX, THT và chủ hộ sản xuất tham gia OCOP.

Hoạt động quảng bá, kết nối cung cầu, giới thiệu sản phẩm OCOP được các địa phương triển khai mạnh mẽ ngay từ năm 2019. Các địa phương đã tổ chức hội chợ sản phẩm tham gia chương trình OCOP, khuyến khích, hỗ trợ các chủ thể OCOP tham gia hội chợ trong nước, khu vực nhằm quảng bá, tuyên truyền hình ảnh sản phẩm OCOP của địa phương mình. 

Nhiều địa phương đã bắt đầu phát triển hệ thống trung tâm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, tổ chức các hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu sản phẩm OCOP thường niên như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Sóc Trăng, Bắc Kạn…

Chương trình OCOP đã góp phần tạo việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế của hộ gia đình nông thôn, đặc biệt là phát huy vai trò của phụ nữ nông thôn, các nhóm người yếu thế như đồng bào dân tộc thiểu số. Phát triển sản phẩm OCOP không chỉ là giải pháp để tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình mà còn là cơ hội, điều kiện để họ có thời gian chăm lo và thực hiện trách nhiệm đối với gia đình và cộng đồng địa phương.

Nhiều sản phẩm đã phát huy được giá trị, chất lượng sản phẩm, từng bước hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm OCOP, đặc biệt là sự tham gia của các HTX, doanh nghiệp. Trong đó thể hiện rõ vai trò của sản phẩm OCOP gắn với sự phát triển các HTX, tỷ lệ các chủ thể là các HTX ở nhiều vùng chiếm tỷ lệ cao. 

Sản phẩm OCOP đã góp phần thúc đẩy sản xuất, mở rộng doanh thu giá trị và thị trường đối với các chủ thể. Đa số các sản phẩm đề nghị Trung ương đánh giá, phân hạng cấp quốc gia đều có tốc độ tăng trưởng về doanh thu từ 10 – 40%, nhiều sản phẩm ở khu vực khó khăn đã mở rộng thị trường, hướng đến xuất khẩu.

Sản phẩm OCOP đã từng bước tham gia vào thị trường với vị thế của sản phẩm đặc sản của Việt Nam, dần trở thành một dấu hiệu nhận diện trên cả khía cạnh chính sách và khía cạnh sản phẩm đối với người tiêu dùng, gắn với thương hiệu OCOP Việt Nam.

Chương trình OCOP bước đầu đã có những tác động tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội khu vực nông thôn. Nhiều vùng, địa phương đã phát huy các lợi thế theo nhóm sản phẩm để phát triển OCOP như các làng nghề truyền thống ở đồng bằng Sông Hồng, khu vực miền núi phía Bắc phát huy lợi thế các sản phẩm đặc sản địa phương. Đặc biệt là khai thác lợi thế của vùng nguyên liệu địa phương gắn với phát triển thương hiệu cộng đồng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem