Thứ trưởng Bộ NNPTNT đề nghị triển khai thí điểm mô hình cảng cá chuyên dụng
Thứ trưởng Bộ NNPTNT đề nghị triển khai thí điểm mô hình cảng cá chuyên dụng
Công Tâm
Thứ bảy, ngày 25/11/2023 18:43 PM (GMT+7)
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu các cơ quan, đơn vị nghiên cứu đầu tư, hỗ trợ và thí điểm triển khai mô hình cảng cá chuyên dụng và đấu giá hải sản tại các cảng cá nhằm nâng cao giá trị sản phẩm khai thác.
Chiều 25/11, tại TP.Nha Trang (Khánh Hòa), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức hội nghị công tác quản lý hoạt động khai thác thủy sản tại cảng cá.
Tham dự hội nghị có ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NNPTNT, ông Trần Hòa Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa. Ngoài ra, còn có Vụ Kế hoạch, Vụ Tài chính, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Viện Nghiên cứu Hải sản, Viện Kinh tế Quy hoạch Thuỷ sản, Cục Thủy sản; đại diện Sở NNPTNT, Chi cục Thuỷ sản, Ban Quản lý cảng cá của 28 tỉnh, thành phố ven biển; các doanh nghiệp thu mua - chế biến hải sản, các công ty nghiên cứu ứng dụng thiết bị hỗ trợ khai thác thủy sản và ngư dân tham gia khai thác hải sản đạt hiệu quả.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, ngành thủy sản tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, có hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành rất nhiều chương trình, đề án như: Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chương trình quốc gia về phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững giai đoạn 2022 - 2025, định hướng 2030, Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái,..
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Cảnh báo "Thẻ vàng" của Ủy ban Châu Âu đối với sản phẩm hải sản của Việt Nam tiếp tục gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu thủy sản của nước ta vào thị trường EU, việc ứng dụng tiến bộ công nghệ, kỹ thuật vào lĩnh vực khai thác thuỷ sản nhất là ứng dụng vào công tác bảo quản sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch trên tàu cá còn chậm chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển,...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, ông Trần Hòa Nam cho biết, Khánh Hoà hiện có 3.189 tàu cá, trong đó nhóm tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên là 658 tàu, chủ yếu khai thác cá ngừ đại dương; thường xuyên hoạt động tại các vùng biển Trường Sa và nhà giàn DK1.
Khánh Hòa hiện có 5 cảng cá gồm: Hòn Rớ, Đá Bạc, Vĩnh Lương, Đại Lãnh, Quảng Hội và 1 khu neo đậu tránh trú bão Ninh Hải. Trong thời gian qua, mặc dù UBND tỉnh đã quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng dịch vụ cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão trên địa bàn tỉnh nhưng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nghề cá của tỉnh vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của nghề cá địa phương và các tỉnh lân cận trong khu vực.
Cuối tháng 10/2022, trong đợt kiểm tra thực tế lần thứ 3 về IUU tại Việt Nam, Đoàn Thanh tra của Ủy ban Châu Âu (EC) đã làm việc trực tiếp tại tỉnh Khánh Hòa để kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU tại địa phương thì hoạt động kiểm tra giám sát tàu cá và sản lượng thuỷ sản bốc dỡ tại cảng cá là một nội dung kiểm tra quan trọng của EC.
Đoàn thanh tra đã đánh giá Khánh Hòa cơ bản thực hiện tốt nhiệm vụ chống khai thác IUU, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu phục vụ cho công tác thanh tra của Đoàn.
Đại diện Sở NNPTNT tỉnh Bình Định cho biết, toàn tỉnh hiện có 5.326 tàu cá có chiều dài từ 6 mét trở lên đăng ký. Trong đó, tàu cá hoạt động vùng khơi là 3.253 chiếc, tàu cá hoạt động vùng lộng là 849 chiếc và tàu cá hoạt động vùng ven bờ là 1.224 chiếc. Tổng sản lượng khai thác thủy sản năm 2022 đạt gần 265.000 tấn, trong đó sản lượng khai thác cá ngừ đại dương đạt 12.040 tấn.
Bình Định có 3 cảng cá loại II được công bố theo quy định bao gồm: Cảng cá Quy Nhơn, cảng cá Đề Gi và cảng cá Tam Quan. Ngoài ra, tỉnh Bình Định còn có cảng cá Nhơn Châu, bến cá Tân Phụng, bến cá Nhơn Lý để phục vụ cho việc lên cá của cá tàu cá nhỏ hoạt động gần bờ.
Trong thời gian qua, việc đầu tư xây dựng, nâng cấp các cảng cá đã góp phần rất lớn trong việc phát triển cơ sở hạ tầng nghề cá phục vụ phát triển kinh tế thuỷ sản tại Bình Định. Tuy nhiên, so với phát triển năng lực tàu cá tỉnh Bình Định những năm gần đây thì sự phát triển cơ sở hạ tầng nghề cá chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế hiện có của địa phương.
Đại diện Cục Thủy sản cho biết, đến tháng 10/2023 cả nước có tổng số tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên khoảng 83.427 tàu. Số tàu đã được đăng ký và cập nhật trên cơ sở dữ liệu VNFisbase là 72.217 chiếc và còn khoảng 11.210 tàu chưa đăng ký, cập nhật trên VNFisbase (giảm 3.393 chiếc so với tháng 12/2022 do hư hỏng, không còn tồn tại trên thực tế tại địa phương).
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu các cơ quan, đơn vị nghiên cứu đầu tư, hỗ trợ và thí điểm triển khai mô hình cảng cá chuyên dụng và đấu giá hải sản tại các cảng cá nhằm nâng cao giá trị sản phẩm khai thác.
Tăng cường công tác quản lý tàu cá như tổ chức rà soát, kiểm tra lại việc đăng ký, đăng kiểm tàu cá; các trang thiết bị thông tin liên lạc, trang thiết bị đảm bảo an toàn cho người và tàu cá, các khu neo đậu tránh trú bão và các cảng cá cho tàu cá.
Đồng thời, thông tin, truyền thông, tuyên truyền, tập huấn, vận động cộng đồng ngư dân ven biển và các tổ chức, cá nhân có liên quan tuân thủ các quy định pháp luật về IUU.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.