Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp năm 2023 phấn đấu đạt 54 - 55 tỷ USD

Minh Ngọc Thứ sáu, ngày 01/09/2023 16:57 PM (GMT+7)
Thông tin với Dân Việt, ngày 31/8, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Phùng Đức Tiến cho biết, năm 2023, toàn ngành nông nghiệp sẽ phấn đấu xuất khẩu đạt 54 - 55 tỉ USD.
Bình luận 0

Phấn đấu xuất khẩu cả năm đạt 54-55 tỷ USD

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 33,21 tỉ USD. "Giá trị xuất khẩu có giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng không đáng kể", ông Tiến nói.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Tiến, xuất siêu đạt 6,72 tỉ USD (tăng 6,4%), đây là chỉ tiêu rất quan trọng bởi nếu thặng dư càng cao chúng ta sẽ có nguồn ngoại tệ để mua trang thiết bị công nghệ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Ông Tiến nhấn mạnh năm nay lúa gạo sẽ đạt trên 43 triệu tấn thóc và xuất khẩu trên 7,5 triệu tấn gạo, 19 triệu tấn rau, 18,6 triệu tấn quả, 7,6 triệu tấn thịt, hơn 18 tỉ quả trứng và 1,2 triệu tấn sữa, thủy sản đạt trên 9 triệu tấn.

"Với những tiêu chí này, khẳng định an ninh lương thực đảm bảo trong bất cứ hoàn cảnh nào. Ngành nông nghiệp sẽ cố gắng hết sức để xuất khẩu cả năm 2023 đạt mục tiêu 54 - 55 tỉ USD", ông Tiến nói về giá trị xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp năm 2023.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Chưa doanh nghiệp nào tiếp cận được gói vay 15.000 tỷ hỗ trợ ngành thủy sản và lâm nghiệp - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, phấn đấu năm 2023 xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp đạt 54-55 tỷ USD. Ảnh: Bích Hồng

Theo ông Tiến, thời gian tới, Bộ NNPTNT sẽ chỉ đạo tập trung đẩy mạnh xuất khẩu từng mặt hàng có thế mạnh và đẩy mạnh đàm phán, mở cửa thêm các thị trường xuất khẩu.

Cụ thể như xuất khẩu gạo, đến tháng 8 đã xuất khẩu 5,85 triệu tấn, thu về 3,17 tỉ USD. "Đây là ngành rất quan trọng trong bối cảnh an ninh lương thực toàn cầu khủng hoảng", ông Tiến khẳng định.

"Thời gian cho một vụ lúa chỉ 3 tháng, ngành nông nghiệp tập trung cao độ vào vụ hè thu và đông xuân 2023-2024 để xuất khẩu cả năm trên 7,5 triệu tấn gạo, thu về khoảng 4 tỉ USD", Thứ trưởng Tiến nói thêm.

Đối với, xuất khẩu rau quả, đến nay đã xuất khẩu được 3,45 tỉ USD, cà phê đạt 2,94 tỉ USD, điều 2,23 tỉ USD… Đây là các mặt hàng chúng ta đang có nhiều lợi thế dẫn đến tăng lượng và giá trị xuất khẩu.

Dự báo từ nay đến cuối năm, nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường tăng lên thì ngành nông nghiệp sẽ có giải pháp thúc đẩy, về đích theo đúng kế hoạch.

Chưa doanh nghiệp nào tiếp cận được gói 15.000 tỷ

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thông tin thêm, năm nay, đơn hàng gỗ và thủy sản giảm rất nhiều. Trước thực tế đó, Thủ tướng Chính phủ đã họp với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và có những giải pháp rất kịp thời, đặc biệt gói vay 15.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, ông Tiến cho biết, khi làm việc với VASEP và Viforest thì chưa doanh nghiệp nào tiếp cận được gói vay này. "Nếu sớm giải ngân được gói vay 15.000 tỉ đồng là nguồn lực rất quan trọng cho thúc đẩy tăng trưởng từ nay đến cuối năm", ông cho hay.

Thứ trưởng cũng thông tin, còn 1.600 tỉ đồng phải hoàn thuế cho ngành gỗ, vừa rồi họp Thường trực Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo rất gay gắt nhưng doanh nghiệp vẫn chưa được hoàn thuế, điều này dẫn đến doanh nghiệp chưa được vay vốn.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Chưa doanh nghiệp nào tiếp cận được gói vay 15.000 tỷ hỗ trợ ngành thủy sản và lâm nghiệp - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho biết, hiện chưa có doanh nghiệp gỗ và thủy sản nào tiếp cận được nguồn gói vay 15.000 tỷ. Ảnh: VASEP

Tuy nhiên, với những tín hiệu khởi sắc từ nay đến cuối năm, chủ tịch Viforest vẫn quyết tâm cả năm 2023, xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 17 tỉ USD.

Còn đối với thủy sản, chúng ta có thêm cơ hội mới đó là Trung Quốc cấm nhập khẩu hải sản từ Nhật Bản. Bộ NNPTNT đã chỉ đạo Cục Thủy sản chuẩn bị tổ chức hội nghị phát triển thủy sản trong tình hình mới để chủ động nguyên liệu. Khi thị trường xuất khẩu thuận lợi, chúng ta chớp thời cơ để đạt mục tiêu xuất khẩu thủy sản 10 tỉ USD trong năm 2023.

Trong thời gian vừa qua Trung ương, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt về gỡ thẻ vàng IUU. Theo đó, văn bản số 81 của Thường trực Ban bí thư; Công điện, Chỉ thị cũng đã ban hành; Công điện số 265; Kết luận của Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác IUU.

Chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài

Ngày 30/8, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng đã chủ trì về chống khai thác IUU; Bộ NNPTNT cũng đã họp để chuẩn bị cho việc đoán đoàn kiểm tra của EC.

Theo Thứ trưởng Tiến, sẽ tập trung vào các vấn đề quan trọng như: Thứ nhất, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật (ban hành Nghị định 42 và Nghị định 26, hiện đã trình Chính phủ).

Thứ hai, quản lý đội tàu: Bộ NNPTNT sẽ chỉ đạo cụ thể từng tỉnh. "Quản lý đội tàu thì bao nhiêu % lắp thiết bị giám sát hành trình, còn bao nhiêu tàu nằm ở đâu, địa phương nào thì phải rất cụ thể", ông Tiến nói.

"Trung tâm thông tin thủy sản đã gửi thông tin tàu vi phạm đã xử lý vi phạm chưa, còn bao nhiêu vụ chưa xử lý; lượng tàu vào cảng để quản lý được; lượng hải sản đánh bắt là bao nhiêu để truy xuất nguồn gốc, rất cụ thể bằng con số chứ không nói chung chung nữa...", Thứ trưởng cho biết. 

Một vấn đề nữa được ông Tiến nhấn mạnh, đó là việc không để tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. "Đây là thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng nhưng Bộ NNPTNT và các tỉnh, thành phố cũng phải phối hợp rất chặt chẽ để từ nay đến khi EC vào kiểm tra để không còn tàu vi phạm.

Việc xử lý vi phạm hành chính đối với các tàu vi phạm, các tỉnh, thành phố phải "cụ thể hóa". "Đã xử lý bao nhiêu vụ, phạt bao nhiêu tiền, còn bao nhiêu vụ chưa xử lý", ông Tiến nói.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem