Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định công nhận thành phố Bạc Liêu hoàn thành việc gì?
Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định công nhận TP Bạc Liêu hoàn thành xây dựng nông thôn mới
Chúc Ly - Ngọc Quyên
Thứ hai, ngày 25/10/2021 15:15 PM (GMT+7)
Từ năm 2011 đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của TP Bạc Liêu (Bạc Liêu) không ngừng tăng, năm 2020 khu vực nông thôn là 63,2 triệu đồng/người/năm; tăng 4,16 lần so với năm 2011.
Chiều 24/10, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận TP.Bạc Liêu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM).
Thông tin tại buổi lễ, bà Lê Kim Thúy - Chủ tịch UBND TP.Bạc Liêu cho biết, TP.Bạc Liêu là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Bạc Liêu; có tổng diện tích tự nhiên là 213,8 km2. Dân số của thành phố là 156.859 người. Thành phố có 3 dân tộc chính là Kinh, Hoa, Khmer; có 10 đơn vị hành chính cấp xã (7 phường và 03 xã NTM).
Theo bà Thúy, giai đoạn 2016 – 2020, thành phố đã huy động được 235.459 tỷ đồng thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM. Cùng với nguồn vốn xã hội hóa và hỗ trợ của Ngân sách các cấp, 10 năm qua TP.Bạc Liêu và các xã đã tập trung sửa chữa, cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới nhiều hạng mục, công trình hạ tầng kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, về lĩnh vực giao thông đã đầu tư sửa chữa, nâng cấp và xây dựng mới được 87 tuyến đường với tổng chiều dài trên 185km đường giao thông; sửa chữa, nâng cấp 9 tuyến với tổng chiều dài 37,6km.
Hàng năm, tỉnh, thành phố đều ưu tiên nguồn lực thực hiện nạo vét các tuyến kênh, để khơi thông dòng chảy đảm bảo phục vụ nuôi trồng thủy sản và sản xuất nông nghiệp, với tổng số 122 tuyến kênh (tổng chiều dài 305km, tổng mức đầu tư 68,98 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, năm 2011, trên địa bàn 3 xã, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 22,04%. Đến cuối năm 2020, trên địa bàn 3 xã không còn hộ nghèo theo tiêu chí (chỉ còn 26 hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội, chiếm 0,27%).
Tăng thu nhập cho người dân nông thôn
Trong nhưng năm qua, TP.Bạc Liêu luôn chú trọng phát triển sản xuất, giúp nông dân tăng thu nhập. Từ đó, thành phố đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh, thực hiện chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đúng định hướng, diện tích trồng lúa kém hiệu quả giảm dần chuyển sang đất nuôi tôm, chuyên canh rau màu và cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ngoài ra, một số mô hình nông nghiệp đô thị đang hình thành và bước đầu đạt hiệu quả trong điều kiện sản xuất ít đất và nâng cao hiệu quả trên cùng một diện tích đất như mô hình nuôi các loại cá có giá trị kinh tế cao; mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh, ứng dụng công nghệ cao; mô hình nuôi lươn không bùn; trồng rau thủy canh kết hợp nuôi cá, trồng rau trong nhà lưới kết hợp tưới nhỏ giọt, ... mang lại hiệu quả gấp 3 – 4 lần so với sản xuất truyền thống.
Về thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), trên địa bàn TP.Bạc Liêu, hiện có 13 sản phẩm đặc trưng của địa phương được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt là sản phẩm OCOP cấp tỉnh phân hạng chất lượng 4 sao (7 sản phẩm) và 3 sao (6 sản phẩm). Trong đó, có sản phẩm điểm du lịch "Khu lưu niệm Đờn ca tài tử Nam bộ và Nhạc sỹ Cao Văn Lầu", là sản phẩm điểm du lịch đầu tiên của ĐBSCL được xếp hạng 4 sao.
Song song đó, việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, các dự án của nông dân được thành phố quan tâm, đầu tư hỗ trợ vay vốn sản xuất, nhằm đầu tư và khôi phục tình hình sản xuất trong nhân dân.
Từ năm 2011 đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người không ngừng tăng, năm 2020 khu vực thành thị là 105,5 triệu đồng/người/năm, khu vực nông thôn là 63,2 triệu đồng/người/năm; tăng 4,16 lần so với năm 2011.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Phạm Văn Thiều – Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, mục tiêu xây dựng TP.Bạc Liêu đến năm 2025 trở thành đô thị loại I, theo hướng văn minh và từng bước hiện đại.
"Phát triển đô thị, nhưng không quên phát triển khu vực nông thôn, tận dụng tiềm năng, lợi thế của từng xã để phát triển. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng cơ bản phục vụ sản xuất và dân sinh ở nông thôn, theo hướng đáp ứng yêu cầu, nâng cao chất lượng", ông Thiều nhấn mạnh.
Ông Thiều cũng đề nghị TP.Bạc Liêu quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường ở nông thôn, phấn đấu nâng cao tỷ lệ chất thải rắn, nước thải sinh hoạt được phân loại, thu gom và xử lý; tập trung phát triển các mô hình ấp, xóm xanh, sạch, đẹp hình thành các vành đai sinh thái xanh.
"Các đồng chí phải lấy chất lượng tiêu chí để thực hiện, đi sâu vào thực chất, không chạy theo thành tích. Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác duy tu, bão dưỡng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn theo hướng đồng bộ và quy mô, nhất là các công trình giao thông, thủy lợi, thủy nông nội đồng, phục vụ tốt cho sản xuất và đời sống dân sinh", ông Thiều đề nghị.
TRANG THÔNG TIN NÀY CÓ SỰ PHỐI HỢP CỦA VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI
Vui lòng nhập nội dung bình luận.