Trung ương Hội NDVN học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Trần Quang Thứ năm, ngày 21/07/2022 19:01 PM (GMT+7)
Sáng 21/7, Bộ Chính trị, Ban Bí thư TƯ Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, quán triệt, học tập Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội tại Hà Nội và trực tuyến với 11.661 điểm cầu cấp huyện, cấp xã trên toàn quốc...
Bình luận 0
Hội NDVN nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII  - Ảnh 1.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng: Nhiều điểm mới trong chủ trương của Đảng để phát huy tối đa nguồn lực đất đai, chống tham nhũng, tiêu cực - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tham dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch nước; Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ; Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội; Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng...

Tham dự Hội nghị còn có lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp; các đồng chí trong Ban Thường vụ các Đảng ủy trực thuộc Trung ương; các đồng chí Ủy viên Ủy Ban Kiểm tra Trung ương; các đồng chí thủ trưởng các Ban Xây dựng Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, các đồng chí báo cáo viên Trung ương; các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, các Đảng ủy trực thuộc Trung ương.

Hội nghị diễn ra bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với điểm cầu Trung ương tại Hội trường Diên Hồng- Nhà Quốc hội (Hà Nội) và nhiều điểm cầu các đảng ủy, tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương trên toàn quốc. Thành phần tham dự là các cán bộ chủ chốt các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong toàn hệ thống chính trị và đông đảo cán bộ, đảng viên…

Đồng chí Lương Quốc Đoàn - Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cùng các đồng chí Phó Chủ tịch: Phạm Tiến Nam, Nguyễn Xuân Định, Bùi Thị Thơm tham dự tại điểm cầu Trung ương.

Dự Hội nghị tại điểm cầu Đảng bộ cơ quan Trung ương Hội Nông dân Việt Nam có đồng chí Đinh Khắc Đính - Phó Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cùng các cán bộ, đảng viên trong cơ quan Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.

Triển khai các nội dung văn kiện Hội nghị cấp ủy các cấp, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên

Hội nghị nhằm nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai các nội dung văn kiện Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tới cấp ủy các cấp, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên. 

Trên cơ sở đó, định hướng cấp ủy các cấp, các ban, bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng trong cơ quan, đơn vị, tổ chức và nhân dân; xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết, quyết định của Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, góp phần đưa Nghị quyết Hội nghị nhanh chóng đi vào thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra.

Hội nghị diễn ra trong 2 ngày 21 - 22/7 với 4 chuyên đề về: Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa đất nước trở thành nước phát triển có thu nhập cao; Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; 

Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới. Các chuyên đề này do các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng trực tiếp truyền đạt nhằm giúp các đại biểu nắm bắt một cách đầy đủ và có hệ thống tinh thần của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Hội NDVN nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII  - Ảnh 2.

Cán bộ, đảng viên tại điểm cầu Trung ương Hội Nông dân Việt Nam theo dõi phần phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Trần Quang

Tại phiên khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính truyền đạt nội dung về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa đất nước trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Mở đầu phần trao đổi, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đây là một chủ đề khó, phức tạp, nhạy cảm liên quan tới quá khứ, hiện tại, tương lai, liên quan tôn giáo, dân tộc, kinh tế - xã hội, văn hóa, quốc phòng, quốc tế cùng quan tâm.

Người đứng đầu Chính phủ khái quát 5 nội dung chính trong phần trình bày đó là: Các yếu tố nền tảng làm cơ sở xây dựng, hoàn thiện thể chế về đất đai; Tính cấp thiết về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai; Một số quan điểm, mục tiêu; Một số nhiệm vụ giải pháp và vấn đề thứ 5 đó là tổ chức thực hiện.

Thủ tướng nêu rõ: Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ được bổ sung năm 2011, chúng ta xác định 3 nhiệm vụ quan trọng đó là xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; phát huy tối đa dân chủ, huy động tối đa trí tuệ tập thể, lắng nghe ý kiến của nhau, tôn trọng nhau; kết hợp giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại.

Nền tảng tiếp theo cần nghiên cứu đó là xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Mọi tổ chức, mọi công dân đều phải thực hiện theo pháp luật. Xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, kinh tế thị trường tôn trọng quy luật khách quan, quy luật cạnh tranh, tính định hướng xã hội chủ nghĩa ở đây chính là có sự can thiệp của nhà nước bằng các công cụ, pháp luật, bằng các công cụ, đường lối chính sách của đảng, nhà nước.

"Chúng ta không hi sinh công bằng, tiến bộ xã hội, không hi sinh an sinh xã hội, bảo vệ môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần. Trên thực tế, những vấn đề này đều có liên quan tới vấn đề thể chế, chính sách về đất đai", Thủ tướng khẳng định và cho rằng: Cần nghiên cứu các quan hệ lớn trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước ta. 

Hội NDVN nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII  - Ảnh 3.

Dự Hội nghị tại điểm cầu Đảng bộ cơ quan Trung ương Hội Nông dân Việt Nam có đồng chí Đinh Khắc Đính - Phó Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cùng các cán bộ, đảng viên trong cơ quan Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Ảnh: Trần Quang

Nghiên cứu mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ. Vấn đề liên quan tới Nhà nước, thị trường, xã hội; mối quan hệ giữa đổi mới - ổn định - phát triển; quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, tăng cường dân chủ, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương của xã hội.

Chủ trương, chính sách, pháp luật về đất đai được đầu tư nghiên cứu kỹ, xuất phát từ thực tiễn

Nhắc tới 3 đột phá chiến lược, về xây dựng thể chế, trong đó có thể chế về đất đai; xây dựng đột phá về nguồn nhân lực; đột phá về hạ tầng chiến lược… Thủ tướng cho rằng những vấn đề này đều có liên quan tới đất đai.

Thủ tướng nêu rõ, đất đai là vấn đề "rất phức tạp nhưng không làm không được", cần phải nghiên cứu một cách rất tổng thể.

"Nhiều người giàu lên vì đất, nghèo đi cũng vì đất, đoàn kết cũng có, mất đoàn kết, chia rẽ nội bộ cũng vì đất, sai phạm, tù tội cũng liên quan tới đất. Đây là vấn đề khó, phức tạp, đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ. Tuy nhiên cũng không được cầu toàn, không nóng vội" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ nhắc lại phải bám sát thực tiễn, bám sát từ thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Điều gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, đa số đồng tình trên cơ sở đó chúng ta đưa vào chủ trương, trên cơ sở đó luật hoá; cái gì chưa chín, chưa rõ thì chúng ta đặt ra đưa vào thí điểm, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm.

Nhìn lại lịch sử cách mạng Việt Nam và thực tiễn hơn 35 năm đổi mới, các chủ trương mới của Đảng ta về đất đai về cơ bản là đúng đắn, phù hợp hoàn cảnh từng thời kỳ, từng giai đoạn, mang lại những thành tựu lớn cho phát triển đất nước, nâng cao đời sống của nhân dân.

“Thực tiễn cho thấy, nếu các chủ trương, chính sách, pháp luật về đất đai được đầu tư nghiên cứu kỹ, xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, đi vào thực tiễn thì mang lại hiệu quả lớn rất lớn và ngược lại. Mặc dù vậy, các chủ trương, chính sách dù hoàn thiện tới đâu cũng không thể bao phủ hết được hết các góc cạnh của cuộc sống, mặt khác, quá trình phát triển nói chung và việc quản lý, sử dụng đất nói riêng còn chịu tác động từ nhiều yếu tố và luôn thay đổi. Do đó, chúng ta bám sát thực tiễn, vừa làm vừa đúc rút, tổng kết kinh nghiệm, mở rộng, hoàn thiện dần, không cầu toàn, không nóng vội”, Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, đất đai là một hằng số nhưng người càng ngày càng đông hơn, do đó bài toán đặt ra là quản lý, sử dụng cho hợp lý, hiệu quả nhất. Thủ tướng cho biết đi công tác tại các địa phương, ông đã nhiều lấn nhấn mạnh rằng những vị trí đất đai đẹp nhất phải ưu tiên dành cho sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm, từ đó mới có người đến làm, có người đến làm thì mới có người đến ở, có người đến ở thì mới có người mua nhà, như thế thì phát triển bất động sản mới bền vững.

Hội NDVN nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII  - Ảnh 5.

Cán bộ, đảng viên theo dõi Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, quán triệt, học tập NQ Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tại điểm cầu Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Ảnh: Trần Quang

Tăng gấp đôi đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn 2021 - 2030

Trình bày chuyên đề "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết, Nghị quyết số 19-NQ/TW đã nêu bật những thành tựu to lớn của toàn Đảng, toàn dân ta sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW. Nông nghiệp tiếp tục phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tăng trưởng ở mức khá cao, khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia.

Nông nghiệp chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, năng suất và chất lượng ngày càng cao; bảo đảm lương thực, thực phẩm cho gần 100 triệu dân và tăng mạnh xuất khẩu. Giai đoạn từ 2008 đến 2020, tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp đạt 3,01%/năm, quy mô GDP (theo quy mô điều chỉnh, tính giá so sánh) toàn ngành tăng gấp 1,4 lần. 

Năng suất lao động nông nghiệp đạt 55,9 triệu đồng/người, gấp hơn 4 lần so với năm 2008. Quy mô xuất khẩu nông sản tăng bình quân 8,01%/năm; năm 2020 đạt 42,34 tỷ đô la Mỹ; năm 2021 đạt 48,6 tỷ USD. Nông sản của Việt Nam có mặt ở 196 quốc gia và vùng lãnh thổ. 

Hội NDVN nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII  - Ảnh 6.

Trình bày chuyên đề "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết, Nghị quyết số 19-NQ/TW đã nêu bật những thành tựu to lớn của toàn Đảng, toàn dân ta sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, nông nghiệp tiếp tục phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tăng trưởng ở mức khá cao. Ảnh: VGP/Đoàn Bắc

Trong hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đã huy động được nguồn lực lớn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn với tổng vốn đầu tư giai đoạn 2008 - 2020 là 1.567 nghìn tỷ đồng (cho sản xuất nông nghiệp 611 nghìn tỷ đồng, nông thôn 956 nghìn tỷ đồng); trong 5 năm 2016 - 2020 khoảng 942 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 1,9 lần so với 5 năm 2011 - 2015. 

Nghị quyết 19 đã đề ra 5 quan điểm phát triển theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh và nhấn mạnh mục tiêu tổng quát là: Nông dân và cư dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. 

"Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, quy mô sản xuất hàng hóa nông sản ngày càng lớn, bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Nông thôn phát triển toàn diện, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, môi trường sống an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; tổ chức đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh", Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh khẳng định.

Ông Trần Tuấn Anh cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số của toàn cầu, Nghị quyết 19 đã đề ra các yêu cầu cao hơn trong việc nâng cao trình độ nhận thức và bảo đảm quyền làm chủ của nông dân, phát huy vai trò của các tổ chức liên quan.

Theo đó, cần nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ, học vấn cho nông dân để đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản, làm giàu từ nông nghiệp, nông thôn. Đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang làm việc ở khu vực công nghiệp, dịch vụ; thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, tạo nhiều việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn; thu hút lao động có trình độ cao về làm việc ở nông thôn.

Theo ông Trần Tuấn Anh, Nghị quyết 19 cũng đặt mục tiêu bảo đảm quyền làm chủ của nông dân và cư dân nông thôn theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, y tế, văn hoá, thể thao cho nông dân và cư dân nông thôn.

Đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai; phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, chuyên canh hàng hoá tập trung, quy mô lớn, bảo đảm an toàn thực phẩm dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, cơ giới hoá, tự động hoá; gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản.

Cùng với đó đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghiệp, dịch vụ, hình thành mạng lưới lưu thông, bảo quản, chế biến, logistics, thương mại điện tử ở nông thôn. Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, hình thành các doanh nghiệp có quy mô lớn sản xuất kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp; tạo nhiều việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn...

Cũng theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Nghị quyết 19 còn chú trọng nhiệm vụ sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật đất đai bảo đảm quản lý, sử dụng bền vững, hiệu quả đất nông nghiệp, thúc đẩy tích tụ, tập trung, sử dụng linh hoạt, hiệu quả đất lúa; khắc phục tình trạng bỏ hoang, làm thoái hoá đất.

Cùng với tăng đầu tư ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 cho nông nghiệp, nông thôn ít nhất gấp 2 lần giai đoạn 2011 - 2020, Nghị quyết cũng đặt ra yêu cầu xử lý triệt để những tồn đọng về đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường, chấm dứt tình trạng các công ty nông, lâm nghiệp được giao đất, cho thuê đất nhưng không đầu tư, tổ chức sản xuất mà khoán trắng cho hộ gia đình, cá nhân. 

Đặc biệt, Nghị quyết cũng đặt vấn đề về khẩn trương hoàn thiện chính sách để mở rộng quy mô, đối tượng tham gia bảo hiểm nông nghiệp, góp phần giảm thiểu rủi ro cho nông dân.

Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế

Chiều 21/7, tiếp tục Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã trình bày chuyên đề "Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới".

Phó Thủ tướng tập trung vào các nội dung liên quan đến tính cấp thiết ban hành nghị quyết, nội dung cơ bản và các cấp, các ngành, địa phương cần làm gì để thực hiện có kết quả nghị quyết, sớm đưa nghị quyết vào thực tiễn cuộc sống.

Sau khi phân tích những kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém trong việc phát triển kinh tế tập thể giai đoạn vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh việc ban hành nghị quyết mới (Nghị quyết số 20-NQ/TW về "Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới" là một yêu cầu cấp thiết nhằm thực hiện nghị quyết đại hội XIII của Đảng.

Đồng thời phù hợp với thực tiễn, tạo nguồn lực và động lực mới để phấn đấu đến năm 2030 nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao,đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Hội nghị Trung ương 5 đã thống nhất cao về 5 quan điểm chỉ đạo, mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể đối với khu vực kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, cùng với đó là 5 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và phân công các đơn vị tổ chức thực hiện.

Hội NDVN nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII  - Ảnh 7.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái báo cáo chuyên đề "Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới" tại hội nghị chiều 21/7. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Theo Phó Thủ tướng Nghị quyết khẳng định quan điểm xuyên suốt của Đảng về kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Cạnh đó, phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế...

Phó Thủ tướng nêu nghị quyết cũng xác định kinh tế tập thể với nhiều hình thức tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, phát triển từ thấp đến cao (tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã…) trong đó hợp tác xã là nòng cốt.

Đồng thời đặt ra yêu cầu "tăng cường liên kết giữa các hợp tác xã, hình thành các liên hiệp hợp tác xã, không giới hạn về quy mô, lĩnh vực và địa bàn".

Nghị quyết nêu rõ kinh tế tập thể lấy lợi ích kinh tế là trọng tâm, bao gồm lợi ích của thành viên, tập thể và Nhà nước, đồng thời coi trọng lợi ích chính trị, văn hóa, xã hội trên địa bàn.

Nghị quyết đã chỉ rõ 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, đặc biệt với nhóm nhiệm vụ, giải pháp về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể.

Cụ thể, chính sách phát triển nguồn nhân lực; đất đai, tài chính; tín dụng; khoa học - công nghệ; hỗ trợ về thông tin kinh tế, kỹ năng tiếp thị và nghiên cứu thị trường; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng...

Trong đó liên quan đến chính sách đất đai, theo Phó Thủ tướng, nghị quyết chỉ rõ cần xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức kinh tế tập thể tích tụ đất đai cho sản xuất kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp để hình thành chuỗi sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp quy mô lớn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem