Vào những ngày tháng tám, tháng chín âm lịch, nếu có dịp đi ngang qua ấp Vĩnh Hạ, xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, chúng ta sẽ vô cùng ngạc nhiên bởi ở đây nhái khô nhiều vô kể, được bà con phơi đầy trước sân nhà.
Sau một hồi làm quen với anh Võ Văn Liền ở ấp Vĩnh Hạ, một trong những người đi đầu trong phong trào câu nhái, soi nhái và cũng là người có sáng kiến chế ra cây vợt chụp nhái, anh cho biết: Hiện ấp Vĩnh Hạ có trên 30 người chuyên sống bằng nghề soi nhái làm khô bán, đó là chưa kể những nơi khác trên vùng Bảy Núi, có tới hàng trăm người sinh sống bằng nghề nầy. Một người có kinh nghiệm mỗi đêm có thể soi từ 5 – 10 kg nhái đủ loại bán cho các cơ sở chế biến khô. Vào những ngày mưa chiều hoặc mưa vừa mới tạnh, nhái lên đồng bắt cặp, cất lên bản hợp xướng rền đồng, người soi tha hồ mà chụp. Ngược lại những đêm trời sáng trăng, ếch nhái im hơi lặng tiếng, rất ít người săn bắt. Nhái hay nhái cơm, có người còn gọi là bồ tọt (bù tọt), một loài động vật hoang dã, con nhỏ khoảng bằng cẳng cái, thường sống thành đàn và xuất hiện quanh năm trên đồng ruộng hoặc dưới chân núi, nhiều nhất là mùa mưa, khi mực nước ngoài đồng vừa xăm xắp.
Người soi nhái trang bị đầy đủ đèn, vợt và giỏ.
Thường những người đi câu nhái, soi nhái bắt đầu từ lúc trời nhá nhem. Mỗi người đều lên xe gắn máy chạy hàng chục cây số tới những cánh đồng xa lơ xa tít, tìm chỗ dựng xe an toàn rồi mới lội xuống ruộng soi cho đến nửa đêm mới về nhà. Trời càng về khuya, ếch nhái càng cất tiếng kêu inh ỏi, đó cũng là lúc đội quân soi nhái bắt đầu hoạt động tích cực. Dụng cụ soi nhái gồm một cái đèn bình hoặc đèn pin gắn nơi trán để ánh sáng luôn chiếu về phía trước; một cây vợt và giỏ đựng nhái. Khi soi, mỗi lần ánh đèn lướt qua phát hiện có nhái người đi soi chỉ dùng cây vợt chụp xuống là nhái sẽ hốt hoảng nhảy vào hom vợt. Các thợ soi nhiều năm kinh nghiệm cho biết da ếch thường tiệp màu với cỏ lá nên khó trông thấy. Trong đêm tối đòi hỏi người soi phải thật nhanh tay, lẹ mắt, thường xuyên căng mắt, theo dõi cử động của từng con, khi nào phát hiện có chấm đỏ nơi đèn chiếu mới dừng chân lại để chụp. Khi nào đầy vợt người ta mới mở miệng túi cho nhái vào giỏ và cứ thế mà tiếp tục lần mò từ ruộng nầy qua ruộng khác, có khi lội qua các xã ấp vùng sâu, vùng xa sát đường biên giới với Campuchia.
Ngoài soi nhái, cũng có khi người ta đi câu nhái kiếm thêm nguồn thực phẩm hoặc chỉ ăn chơi. Còn chủ yếu là soi vì cách này bắt được nhiều nhái chỉ trong một đêm. Soi nhái tuy là một nghề khá khổ cực, nhưng bù lại kiếm được nhiều tiền, bình quân một người soi giỏi kiếm từ 150.000 – 200.000đ/đêm. Có thể nói đây là “cần câu cơm” của những gia đình nghèo chưa có công ăn việc làm ổn định. Nhái soi xong bà con mang về phân loại lớn nhỏ, con lớn nhất mang ra chợ bán, loại nhỏ bán cho người mua phóng sanh. Số còn lại lột da, làm sạch rồi đem phơi khô. Khô nhái làm được nhiều món ăn rất ngon, vừa thơm vừa giòn, có thể coi là món “lai rai” hấp dẫn mà ít nơi nào có được.
Khi nhái đầy vợt, người soi nghiêng vợt đổ vào giỏ.
Nhái đem phơi khô.
Nhái chiên giòn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.