Bắt đầu từ việc nhà khảo cổ học người Australia, tiến sỹ Oxenham (thuộc trường Đại học quốc gia Australia) công bố trên báo chí nước ngoài về việc ông và cộng sự đã tìm thấy một nhà vệ sinh cổ nhất ở Việt Nam (và cả châu Á) có tuổi đời lên đến hơn 3.500 năm, vô số các quan điểm đồng tình cũng như phản đối đã diễn ra xung quanh sự kiện được cho là chấn động ngành khảo cổ này.
Và, khi chúng tôi tìm về nơi phát hiện ra nhà vệ sinh đó ở di tích Rạch Núi (ấp Tây, xã Đông Thạnh, Cần Giuộc, Long An) thì thấy nhiều câu chuyện ly kỳ xung quanh phát hiện rất lý thú này.
Phát hiện chấn động
Từ thành phố Hồ Chí Minh, men theo quốc lộ 50 khoảng gần hai chục cây số rồi rẽ vào tỉnh lộ 19 khoảng 5 cây số nữa, chúng tôi đã tới khu di tích khảo cổ Rạch Núi. Nhìn bên ngoài, di tích là một gò đất cao hơn so với mặt bằng chung khoảng từ 5 đến 10 mét và là khuôn viên của chùa Linh Sơn (hay còn có tên khác là chùa Rạch Núi). Theo hòa thượng Thích Bạch Huệ, chủ trì chùa Rạch Núi thì, đoàn khảo cổ đã tiến hành khai quật ở đây khoảng hơn 1 tháng.
|
Di tích Rạch Núi |
“Trong thời gian này, chúng tôi thấy họ đào sâu xuống đất khoảng từ 1,5 đến 2 mét, men theo chân tượng Phật Bà Quan Âm, theo từng khoanh vuông và chữ nhật được cố định. Nghe nói họ đã tìm được phân chó và phân người cùng nhiều dụng cụ khác như xương, chất thải, rau quả… nên khẳng định nơi đây là một nhà vệ sinh. Tuy nhiên, đây là di tích khoa học nên phải chờ những phân tích chính xác từ máy tính khác mới có thể xác định được”, Hòa thượng Thích Bạch Huệ cho biết.
Theo cô Nguyễn Thị Út, một người làm trong chùa và cũng từng có thời gian nấu ăn, giúp việc lặt vặt cho đoàn khảo cổ thì họ đã tìm thấy rất nhiều mẫu phân lẫn lộn, phải đến hàng trăm mẫu. Sau đó, đoàn khảo cổ còn xắn cả mảng đất lớn đi để lấy mẫu phân tích.
“Tôi chẳng biết đó có phải nhà vệ sinh gì đó hay không những thấy mọi người đều vui mừng, hoan hỉ. Ai cũng cười nói rất vui vẻ và có cảm giác, họ đã phát hiện ra cái gì đó rất to lớn”, cô Út kể lại.
Dẫn chúng tôi đi xem nơi đoàn khảo cổ đã tiến hành khai quật, cô Út cười bảo, sao khi nghiên cứu xong, đoàn khảo cổ đã lấp đất đi hết. Hiện nay, nơi đây chỉ như một bãi đất hoang và phải nhìn kỹ mới thấy dấu vết đào bới. Tuy nhiên, nhà chùa vẫn phải đóng cửa, canh phòng nghiêm ngặt để đề phòng những sự cố bất trắc khác.
Theo một số nhà khảo cổ học có uy tín trong nước, việc khẳng định đây là một nhà vệ sinh cổ thuộc niên đại đá mới là chưa có cơ sở và thiếu minh chứng khoa học. Cụ thể, tiến sỹ Nguyễn Hồng Kiên, chuyên gia khảo cổ học thuộc Viện khảo cổ học Việt Nam thì thông tin về nhà vệ sinh cổ đại là thiếu cơ sở và chưa có chứng cớ khoa học rõ ràng.
Hơn nữa, đây có thể đơn giản chỉ là bãi thải hay một dạng đàn tế lễ động vật sau đó con người và chó ăn rồi thải ra mà thôi. Với kiến thức và trình độ cách đây 3500 năm, việc hình thành một nhà vệ sinh là điều không hợp lý và vội vàng trong kết luận.
Tuy nhiên, trên một số phương tiện truyền thông nước ngoài, tiến sỹ Oxenham, người trực tiếp tiến hành khai quật, khẳng định rằng họ đã tìm thấy một nhà vệ sinh cổ nhất Châu Á với niên đại khoảng 3.500 năm cùng hơn 100 mẫu phân người và chó cùng xương một số động vật khác và xương cá cùng... rau xanh.
Những thức ăn thường thấy và được cho là sơ khai khi con người bắt đầu tiến hành chuyển từ cuộc sống hoang dã, dựa vào thiên nhiên sang cuộc sống có định cư, bắt đầu quá trình canh tác nông nghiệp, cây trồng. Đặc biệt, nhóm nghiên cứu còn phát hiện ra quả cau và hạt kê đuôi cáo, những thứ được cho là khá phổ biến trong quá trình sinh hoạt cộng đồng của người châu Á cổ nói chung và Đông Nam Á nói riêng.
Cộng thêm việc cũng tại di tích Rạch Núi này, vào các lần khai quật trước ở năm 1978 và 2003, các đoàn khảo cổ đã từng tìm thấy các đồ gốm, nền nhà, móng nhà cùng than, tro và một số vật dụng dùng trong sinh hoạt như rìu, cành cây khô… những dấu tích về đời sống văn minh tập trung của con người thời kỳ đá mới và đồ đồng nên có lẽ chỉ chờ các phân tích khoa học là chính thức công nhận mà thôi.
Và, nếu đây thực sự là một nhà vệ sinh như thế thì quả là một sự kiện gây chấn động không chỉ ngành khảo cổ học Việt Nam và còn có ý nghĩa quan trọng trong việc nghiên cứu lịch sử văn minh loài người nói chung và văn minh châu Á nói riêng bởi xét trên bình diện thế giới, không có nhiều nơi phát hiện được những đồ khảo cổ học có giá trị như thế.
Kiếm tiền tỉ từ toilet cổ
Trong khi các nhà khảo cổ học đang tranh luận để tìm ra những giá trị lịch sử chính xác thì ở địa phương và các vùng lân cận, nhiều tay buôn đồ cổ, sưu tầm các hiện vật khảo cổ lại nô nức rủ nhau vào Rạch Núi hòng tìm những cổ vật mà chúng cho là có giá trị kinh tế cao.
Với nhiều người, được sở hữu những chiếc rìu, chiếc chén, bát hay bất cứ đồ vật nào của cha ông ta để lại từ… hơn 3.500 năm trước thì quả là giá trị vô cùng.
Theo chị Nguyễn Thị N, một người dân sống ngay sát chùa thì có mấy thanh niên trong ấp đã tiến hành đào bới nhiều lần hồi trước Tết, tức là trước khi đoàn khảo cổ học tiến hành làm khoa học. Nghe đâu họ tìm thấy rất nhiều đồ gốm, đồ đất nung, vũ khí săn bắt nữa với số lượng lên đến hàng trăm chiếc.
Sau đó, có một số người nghe nói là dân buôn bán đồ cổ chuyên nghiệp trên Sài Gòn lặn lội về đây tìm mua. Chẳng biết giá cả ra sao nhưng chỉ dăm ngày mà mấy thanh niên đó đều có tiền xây nhà, mua xe xịn, sống rất sung túc. Chắc chắn, giá của chúng cũng phải cỡ… tiền tỷ.
Thế nên, sau đận ấy, nhiều kẻ cũng vào Rạch Núi với mong muốn đổi đời từ việc đào cổ vật. Do là dân trí thấp nên họ chỉ đào và lấy đi những đồ gốm, đồ nung, các vật dụng cứng như xương khác chứ… phân thì họ đã bỏ lại và may mắn đã được đoàn khảo cổ sau này phát hiện.
Có thể nói, sau sự kiện “cái toi-let” 3.500 tuổi này, những tay buôn bán cổ vật lành nghề sẽ hốt bạc vì hầu như giá trị của cổ vật ở Rạch Núi đều tăng cao so với giá trị thực.
Không chỉ có những kẻ hám tiền mới vào Rạch Núi đào bới, tìm kiếm mà nhiều kẻ vì tin tưởng rằng nơi đây, hơn 3.500 trước từng là đàn tế trời, tế đất của người Đông Nam Á cổ nên họ muốn tìm kiếm những vật dụng đã tế thần linh của cha ông để giờ đem về cầu nguyện.
Với niềm tin hão huyền vào giá trị linh thiêng của những cổ vật ngàn năm, khu di tích Rạch Núi đã bị nhiều kẻ hám lợi vào đào bới. Nói về điều này, ông Nguyễn Minh Thiện, một người dân sống cạnh khuôn viên chùa cũng khẳng định, cứ đêm xuống là họ chèo thuyền, men theo mấy rạch xung quanh vào đây đào bới hòng tìm các cổ vật có giá trị.
Chính vì thế, nhà chùa và cơ quan chức năng đã phải khóa cổng, rào kín khu vực nhưng xem ra khó lòng mà bảo vệ vì khuôn viên di tích rất rộng lớn, chừng 1 ha với nhiều vùng hoang hóa, tiếp giáp nhiều nơi, rất khó bảo quản. Có lẽ, cũng chính vì lý do này mà hàng ngàn cổ vật có giá trị nghiên cứu đã bị lấy mất và rơi vào tay những kẻ có thú đam mê sưu tầm cổ vật này.
Về Rạch Núi những ngày này, ngoài những người lên chùa Rạch Núi cầu an, cầu phước là rất nhiều người muốn chiêm ngưỡng tận mắt nhà vệ sinh lâu đời nhất châu Á cùng những kẻ cơ hội, muốn sở hữu những cổ vật có giá trị ngàn năm nơi đây cũng tìm đến. Một không khí nhộn nhạo bao trùm khắp cả vùng quê.
Theo GĐ & CS
Vui lòng nhập nội dung bình luận.