Thực phẩm bẩn bị bêu tên ở đâu?

Thứ năm, ngày 12/05/2016 19:50 PM (GMT+7)
Tên cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm bẩn tại TP.HCM được công khai trên trang web http://atvstp.org.vn.
Bình luận 0

 “Tại TP.HCM, nếu phát hiện cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trên địa bàn thì hãy gọi ngay đường dây nóng của Chi cục ATVSTP TP.HCM qua số (08) 39301714” - ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP.HCM, nhấn mạnh.

Công khai tên cơ sở sai phạm

Nếu xác định cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm bẩn, Chi cục ATVSTP TP.HCM sẽ “xử” như thế nào, thưa ông?

- Ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, tất cả cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo các điều kiện ATVSTP còn bị công khai tên, địa chỉ, hành vi sai phạm, số tiền phạt… trên website http://atvstp.org.vn của Chi cục ATVSTP TP.HCM (chi cục). Việc công bố cơ sở sai phạm trên website của chi cục đã được thực hiện từ tháng 8-2015.

Không chỉ vậy, đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm để xảy ra ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều người thì chi cục sẽ công bố ngay sau khi có kết luận chính thức.

Chi cục ATVSTP TP.HCM cũng thường lấy mẫu thực phẩm trên địa bàn giám sát và xét nghiệm để kịp thời cảnh báo người tiêu dùng. Vậy kết quả xét nghiệm có được công bố trên website của chi cục không?

- Kết quả giám sát các mẫu thực phẩm cũng được công bố trên website của chi cục. Chẳng hạn, ngày 21-4, chi cục đã thông tin cảnh báo chất vàng ô trên măng tươi, măng khô.

img

Cơ quan chức năng lấy mẫu thịt bẩn kiểm nghiệm để có cơ sở xử lý. Ảnh: Trần Ngọc

Kết nối với quận, huyện

. Các quận/huyện cũng có chức năng kiểm tra, thanh tra ATVSTP trên địa bàn. Vậy quận/huyện có công bố cơ sở vi phạm không?

+ Việc công bố cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm vi phạm ATVSTP là điều cần thiết. Tuy nhiên, hầu như các quận/huyện TP.HCM chưa thực hiện việc công bố cơ sở sai phạm.

Để khắc phục tình trạng trên, chi cục đang xây dựng phần mềm chương trình kiểm tra, thanh tra và xử lý các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Hệ thống chương trình sẽ kết nối giữa chi cục và 24 quận/huyện. Sau khi có kết quả xử lý cơ sở sai phạm, các quận/huyện sẽ chuyển thông tin về chi cục và chi cục sẽ công bố trên website.

Không riêng cơ sở có quy mô lớn bị công bố, người dân cũng muốn “bêu tên” những điểm kinh doanh nhỏ lẻ bán thực phẩm ngoài chợ, bán thức ăn đường phố sai phạm lên bản tin của chợ, của khu phố, phường/xã, thậm chí trên hệ thống phát thanh địa phương. Ông nghĩ sao?

- Tôi đồng tình với đề xuất của bà con. Đa phần điểm kinh doanh thực phẩm ngoài chợ, kinh doanh thức ăn đường phố vốn liếng không nhiều. Do vậy, nếu phạt tiền ở mức cao thì có thể người sai phạm không thể đóng. Hình thức răn đe hiệu quả nhất là nêu rõ tên người vi phạm, bán thực phẩm gì… lên bản tin của chợ, của địa phương, kể cả trên hệ thống phát thanh…

Tuy nhiên, áp dụng bất cứ hình thức nào thì cũng phải đúng pháp luật. Chi cục sẽ xem xét các quy định liên quan để sớm đề xuất hình thức “bêu tên” người vi phạm sao cho người dân có thể nắm bắt được những thông tin thiết thực nhất ở chợ, ở khu phố, phường/xã…

Xin cám ơn ông.

Trần Ngọc (Pháp Luật TP HCM)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem