Người ta mang xuống bến đá ao làng nào là đậu, nếp để vút; nào là nồi, chảo, chén bát để chùi rửa, cạo gọt lọ nghẹ cho sạch sẽ, trắng trẻo, tươm tất để đón nàng xuân sắp gõ cửa.
Nhớ thuở xưa, khi thiên nhiên vạn vật còn hoang sơ, tươi đẹp, hữu tình, nước sông trong xanh, chưa ô nhiễm thì cái bến đá ao làng tôi còn phát huy tác dụng lắm. Nước sông trong veo, mát rượi để mọi người khắp làng trên xóm dưới đến tắm gội, giặt, rửa; rồi những thùng nước sông lại theo chân các mẹ, các chị kẻo cà kẻo kẹt lên đến từng nhà, đổ vào lu vại để dùng dần trong mấy ngày Tết.
Ngày nay, tuy nước sông không còn sạch như thuở xưa, nhưng cái bến đá làng tôi xem ra vẫn còn đắt khách lắm! Người ta xuống bến không phải vì thiếu nước, thiếu nơi tắm gội, giặt rửa, mà vì thói quen sinh hoạt đã hằn sâu trong tiềm thức. Vì bến đá là nơi các bà nội trợ gặp nhau hàn huyên tâm sự, chuyện trò việc chợ búa, bếp núc, đồng án, chuyện chồng con, tết nhất…
Tôi cũng đã có lần gượng hỏi: Sao nội không vút nếp ở nhà?. Nội phân trần: “Xuống bến rộng rãi, thoáng đãng hơn nhiều cháu ạ! Hơn nữa, nước máy có mùi thuốc khử nước nên làm cho đậu, nếp bị thâm tím, hột đậu bị trân cứng”. Nội tôi kỹ càng hơn, múc nước sông lên cho vào lu vài ngày để lắng đọng các tạp chất, sau đó dùng để ngâm đậu, nếp cho… chắc ăn.
Những ngày giáp Tết này, cái bến đá làng tôi vẫn nhộn nhịp, đông vui, nườm nượp từng lượt người xuống rồi lên, đến rồi đi, tới rồi về, cả những người con phương xa về quê ăn tết cũng dừng lại dể trò chuyện, chào hỏi. Bầu không khí ở xung quanh cái ao làng vì thế mà vui, rộn tiếng cười ha hả. Nhưng tôi cũng đọc được một phần tâm trạng của nó, hầu như nó chưa vui trọn vẹn bởi những vị khách thiếu ý thức khi xuống sông “tổng vệ sinh” rồi bỏ lại trên bờ đá nào là rác các loại, rồi còn thả trôi bồng bềnh trên mặt ao, trước khi nó chưa kịp tống ra các kênh mương.
Nghĩ mà thương cho cái bến đá ao làng ngày Xuân…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.