Chợ núi bên sông

Bùi Việt Phương Chủ nhật, ngày 16/11/2014 09:00 AM (GMT+7)
Nếu ai đã từng lãng đãng với những chợ nổi của phương Nam kênh rạch, từng bang khuâng lạc lối với chợ vùng cao Bắc Hà thì mới chỉ cảm nhận được một nửa của sự độc đáo thú vị. Bởi, còn có những phiên chợ nơi sông lên mơn chớn, miên man đỉnh núi bằng những bến thuyền. Núi ghì chặt sông vào lòng bằng hơi rượu ngô, rượu sắn, núi vây những con thuyền ở lại nơi xóm vắng.
Bình luận 0

Chẳng biết xưa kia, khi đất trời còn “bạc lạc bời lời”, ngấn phù sa màu nhiệm đã để lại nền văn minh rực rỡ với trống đồng, cồng chiêng, lịch đọi, nhà sàn, sử thi như thế nào? Chỉ biết rằng khi dâng nước lên làm thủy điện, sông thành hồ, nhấn chìm kí ức dữ dằn của Thác Bờ, Ghềnh Hoa, nước bắt đầu tìm lại núi như con cháu thủy tề tìm dấu ấn tổ tiên của những trận đại hồng thủy. Ngấn nước đầu tiên tìm về vách núi khô khốc chắc phải  cuống quyết, cuồng nhiệt lắm…

img

 

Nhưng khác với những trận đại chiến của Thủy Tinh-Sơn Tinh, nước lên đến Vầy Nưa, Mường Chiềng (huyện Đà Bắc- Hòa Bình) lại thuận theo cái lí: nước dâng lên tới đâu, văn hóa theo tới đó. Dân cư vồn vã đón những chuyến hàng dưới miền xuôi như thể đón những món quà châu thổ nhiều hơn là chuyện mua sắm. Những vách đá treo leo hiểm ác vốn xưa chỉ có bóng bàng, ưng đứng ngắm con mồi giờ tấp nập neo thuyền. Nước đưa mái chèo va vào đỉnh núi. Dân mường xưa một thuở khiêng nhà sàn cha ông, khiêng cả nền văn minh lúa nước một thời lên núi:

"Những nền cũ để nước dâng/ Cho mình sáng điện, khắp mường sao mai

Cái ngày vui ấy nay mai/ Quên sao giờ bố nặng vai rời làng."

(Quách Ngọc Thiên)

Thế là từ những con thuyền độc mộc với xiên cá sông, dạ dày nhím, cuộn tê tê đến những “hạm đội” tàu hàng lênh đênh sóng nước, liều lĩnh với gió lốc bất thần của sông Đà mà tìm đến những bến chợ vùng cao mở phiên chợ sớm mai. Từ những chợ chạy vội vàng đó, văn hóa chợ miền ngược tự dưng được tiếp biến là linh hoạt thành  một nét ứng xử.

Chợ làng không có cây đa, gốc gạo, người đường xuôi tìm bóng mát nhà sàn trao câu tình tự. Người miền núi quên dần ngựa thồ, gồng gánh thì nay lại ngóng vọng từng phiên chợ dưới hạ lưu lên. Nhịp chợ vội vã, gấp gáp thay cho thư thả, nhàn nhã. Không có những mái lá, những gian hàng bám trụ cóc két, từng lớp chợ ào qua trong kí ức người dân bản địa như con sóng sông Đà ngày nước lên táp vào vách đá.

Thu, một chàng trai lớn lên từ núi rừng Đà Bắc nhưng lại yêu những bến sông có những phiên chợ ấy đến lạ. Trong mái nhà sàn gỗ, nằm đọc tiểu thuyết của những trời Tây xa xôi, trong đêm mưa rầm, Thu bỗng dưng mở cánh cửa sổ gỗ nhãn để ngóng ra mom sông nơi vẫn thường họp chợ. Nhiều người lên đây thầm ghen tị với anh sao có cảnh sắc núi rừng hoang sơ, lại có bến sông kì vĩ thế này.

Dường như, sống trong sự sung túc, đầy đặn của văn hóa chợ núi sẽ làm đôi mắt người ta sáng trong, phản chiếu một tâm hồn trong trẻo và viên mãn. Dẫu mai chợ lên có thiếu đi đôi ba thứ vật dụng đang cần thì đã sao. Mời bạn dưới chợ xuôi lên đầu sàn cùng nâng chén rượu sắn thơm nồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem