Một nhà hàng Hàn Quốc treo áp phích chào mừng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội với hình ảnh của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh do Reuters chụp ngày 22.2.2019.
Theo Al Jazeera, trong không khí chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội, các nhà chức trách đã tăng cường an ninh, cho trang trí cờ Mỹ, Triều Tiên cũng như các thông điệp hòa bình, hợp tác trên khắp các con phố tại thủ đô. Người dân và các doanh nghiệp, công ty, cửa hàng cũng hòa mình cùng không khí khẩn trương chuẩn bị cho thượng đỉnh: các quán bar phục vụ đồ uống ăn theo sự kiện, cửa hàng bán áo phông in hình ảnh hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Kim Jong-un, cửa hàng cắt tóc miễn phí cho các khách hàng chọn kiểu tóc giống nguyên thủ quốc tế,…
Khi mà việc chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh diễn ra vào hôm 27-28.2 tới đang được tiến hành 24/24h, bầu không khí tại Hà Nội tràn ngập sự tự hào, choáng ngợp.
“Tôi thường chuyển sản phẩm tới tận nhà khách hàng ở Hà Nội”, anh Vu Van Dong – 1 nông dân 28 tuổi – nói với Al Jazeera. “Nhiều con phố sẽ cấm phương tiện lưu thông để phục vụ cho thượng đỉnh, gây ảnh hưởng không nhỏ tới công việc của tôi. Tuy nhiên, nếu thượng đỉnh đem tới hòa bình cho thế giới, tôi sẽ ủng hộ việc này”.
Một cửa hàng cắt tóc tại Hà Nội miễn phí cho các khách hàng chọn kiểu tóc giống hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều Tiên. Ảnh: AP.
Theo Al Jazeera dẫn lời bà Nguyễn Phương Hòa - Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế thuộc Bộ Thể thao, Văn hóa và Du lịch, việc tổ chức thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội sẽ giúp Việt Nam có cơ hội quảng bá “sự thành công của một mô hình kinh tế xã hội đổi mới, tốc độ phát triển năng động, hình ảnh thân thiện, nền văn hóa giàu bản sắc và lịch sử hào hùng” của mình trước thế giới.
“Đây là một cơ hội tuyệt vời để quảng bá Việt Nam với tư cách là một điểm đến hấp dẫn, an toàn cho ngành du lịch và các nhà đầu tư”, bà Hòa nói với Al Jazeera.
“Chúng tôi đặt mục tiêu thu hút 18 triệu du khách quốc tế trong năm 2019 khi chi 2 triệu USD cho các hoạt động quảng bá”.
Tuy nhiên, bà Hòa cũng nhận định rằng “rất khó” để có thể xác định nền kinh tế Việt Nam được hưởng lợi như thế nào từ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội
“Singapore đã chi khoảng 14,8 triệu USD cho cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un. Đổi lại, nền kinh tế của họ đã thu về gấp 40 lần số tiền bỏ ra ban đầu”, bà Hòa cho biết.
Theo bà Hòa, bên cạnh các lợi ích kinh tế, Việt Nam cũng sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích “vô giá” khác.
Trả lời phỏng vấn với Al Jazeera, ông Huynh The Du – một giảng viên về chính sách công tại Khoa Quản lý và Chính sách Công thuộc trường Đại học Fulbright Việt Nam – cho rằng việc tổ chức thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội sẽ giúp Việt Nam “nhận thêm sự tin tưởng từ cộng đồng thương mại, đầu tư quốc tế” cũng như giúp thúc đẩy ngành du lịch trong nước.
“Nếu củng cố vị thế thông qua việc tăng cường tính trung lập cũng như hình ảnh thân thiện, Việt Nam có thể trở thành một địa điểm được ưa thích, một đối tác đáng tin cậy để các bên gặp gỡ, đàm phán. Lúc ấy, lợi ích thu được sẽ dài lâu”, ông Huynh The Du nói.
“Còn không, lợi ích từ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội sẽ chỉ là ngắn hạn”.
Được biết, trong những năm gần đây, Việt Nam đã căng cai tổ chức nhiều sự kiện quốc tế quan trọng, bao gồm Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương 2017 và một cuộc họp của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong năm 2018.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.