Thương hiệu mới cho cam Cao Phong

Việt Tùng Thứ bảy, ngày 08/11/2014 09:13 AM (GMT+7)
Thơm, ngon, sạch, đẹp, nhưng nhiều năm liền “vựa” cam ở huyện Cao Phong (Hòa Bình) chưa có được thương hiệu cho riêng mình. Vừa qua Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) đã công nhận thương hiệu “Chỉ dẫn địa lý” cho cam Cao Phong. Đây là một nỗ lực suốt hơn 50 năm qua của người dân, Đảng bộ và chính quyền nơi đây.
Bình luận 0

Một thời xuất khẩu đi châu Âu

Cao Phong là một huyện miền núi thuộc tỉnh Hòa Bình, với độ cao khoảng 300m so với mực nước biển, khí hậu ôn hòa, nhiệt độ thấp hơn các nơi khác từ 3 - 4 độ C, do được bao quanh bởi những dãy núi đá vôi và có tầng đất canh tác dày, thoáng khí, hàm lượng dinh dưỡng cao, nên rất phù hợp với cây có múi, nhất là cam, quýt…

img Những ngày này, ở thị trấn Cao Phong có đến cả trăm sạp bán đặc sản cam có “Chỉ dẫn địa lý Cao Phong”.  Ảnh:  V.T

Vì vậy, từ năm 1960 Nông trường Cao Phong (nay là Công ty TNHH MTV Cao Phong) đã được thành lập để phát triển thành vùng cam, với các giống cam chủ yếu như Xã Đoài, Sông Con và một số giống nhập khác như Naven, Valenxia, hay quýt Ôn Châu… Đến năm 1976, Cao Phong đã có 900ha cam, với sản lượng khoảng 3.000 tấn/năm, trong đó khoảng 50% được xuất khẩu sang Liên Xô trước đây. Thời điểm đỉnh cao của cam Cao Phong là khoảng những năm 1986, khi đó ngoài nông trường, còn có hàng trăm hộ trồng cam. Sản phẩm cam giai đoạn này chủ yếu là xuất khẩu sang Liên Xô, các nước Đông Âu và một phần cung cấp cho thị trường nội địa.

Tuy nhiên, do biến động năm 1991 Liên Xô tan rã, hợp đồng xuất khẩu cam đi Liên Xô và các nước Đông Âu bị cắt, việc tiêu thụ trong nước chậm, khiến những năm sau diện tích cam liên tục giảm. Hơn chục năm trở lại đây, xác định cam, quýt là một trong những cây mũi nhọn của địa phương, Huyện ủy Cao Phong đã ban hành các nghị quyết về việc đẩy mạnh phát triển cam và cây có múi, nhờ đó diện tích cam liên tục tăng. Trung bình mỗi năm tăng thêm vài chục ha và hiện nay là gần 2.000ha. Ngoài các giống cũ, các giống cam, quýt chín muộn, chín sớm chất lượng cao như cam V2, CS1, cam đường Canh hay quýt ngọt… cũng được bổ sung, để rải vụ, tránh cục bộ, dễ bị ép giá.

Ông Phạm Văn Long – Chủ tịch UBND huyện Cao Phong cho hay, những năm trước diện tích cam giảm, là vì đầu ra bấp bênh. Cam Cao Phong chất lượng rất tốt, được nhiều người tiêu dùng lựa chọn, nhưng vì chưa xây dựng được thương hiệu, nên giá trị vẫn còn thấp. “Để khắc phục hạn chế này, chúng tôi đã tổ chức quy hoạch lại vùng cam, theo đó chỉ trồng ở những vùng có điều kiện thuận lợi, không trồng ồ ạt, đồng thời hướng dẫn người dân sản xuất cam theo mô hình “cam sạch”, chủ yếu dùng chế phẩm sinh học để chăm sóc cây trồng, sản xuất theo quy trình VietGAP để cam Cao Phong vừa có giá trị dinh dưỡng cao, vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tuyệt đối cho người tiêu dùng. Hiện thị trấn Cao Phong có diện tích cam lớn nhất và một số xã như Thu Phong, Bắc Phong, Dũng Phong…” – ông Long cho biết thêm.

Thương hiệu “Chỉ dẫn địa lý”… thành quả của tập thể

Từ định hướng trên, Phòng NNPTNT huyện đã phối hợp với các xã, thị trấn và Công ty TNHH MTV Cao Phong mở hàng trăm lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăn sóc cam, đặc biệt là việc lựa chọn giống, cách sử dụng phân bón hợp lý, đúng quy trình.

Ông Tạ Đình Đào, một trong những người đã gắn bó hàng chục năm với cây cam cho hay: “Trước đây tôi cứ nghĩ, cam đẹp, quả to là bán được giá, chứ cần gì thương hiệu. Nhưng xem tivi nhiều tôi mới biết, thương hiệu rất quan trọng, điển hình như bưởi Năm Roi, bưởi da xanh, hay tỏi Lý Sơn, vải Thanh Hà… Khi đã có thương hiệu, giá trị cao hơn rất nhiều lần so với sản phẩm thường. Nên những năm gần đây các hộ trồng cam ai cũng hướng đến sản xuất sạch và tiến tới là VietGAP”.

Mặc dù năm nay sản lượng cam, quýt giảm hơn năm ngoái, dự kiến khoảng 16.000 tấn (năm ngoái 18.000 tấn), song bù lại giá lại nhỉnh hơn. Chị Phạm Thị Hà, ở khu 4, thị trấn Cao Phong có hơn 1ha cam đang cho thu hoạch phấn khởi cho biết: “Gần đây thương hiệu cam Cao Phong đã được nhiều người biết đến và lựa chọn, điều đáng quý là giá cả đã tăng lên rõ rệt so với trước. Năm ngoái chỉ 20.000 – 30.000 đồng/kg, thì nay giao động từ 30.000 – 40.000 đồng/kg, đặc biệt cam V2, cam đường Canh lên tới 45.000 đồng/kg”.

Ngày 4.11.2014, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) đã ký chứng nhận “Thương hiệu chỉ dẫn địa lý” cho cam Cao Phong. Đây là thành quả của cả một tập thể, sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu. Song có được thương hiệu đã khó, giữ thương hiệu càng khó hơn, do đó chúng tôi đã và đang xây dựng lộ trình để giữ vững thương hiệu và phát triển bền vững hơn nữa. Trong đó, sẽ tăng cường liên kết tiêu thụ, tiến đến xây dựng dây chuyền bảo quản, đóng gói và xa hơn là thành lập nhà máy chế biến các sản phẩm từ cam. Theo kế hoạch, ngày 15 và 16.11.2014 tỉnh Hoà Bình sẽ tổ chức lễ đón nhận Chỉ dẫn địa lý Cam Cao Phong. Đây là niềm vui lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Cao Phong - ông Phạm Văn Long - Chủ tịch UBND huyện Cao Phong cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem