Ngày ấy, người dân tứ xứ đến vùng đất đồng bằng Sông Cửu Long để khai hoang khẩn hóa. Vùng đất cỏ mọc thành tinh, rắn đồng biết gáy này kênh rạch chằng chịt, sông nước mênh mông. Phương tiện đi lại của người dân quê chủ yếu là ghe, xuồng. Dùng sức người để làm cho xuồng ghe rẻ nước lướt đi bằng các hình thức chủ yếu chèo, chống hoặc bơi.
Bơi thì dùng dầm, người bơi thường hay ngồi, và di chuyển xuồng ghe trên đoạn sông ngắn. Chống thì dùng sào thường là cây tre dài, thon và cũng để đi trong đoạn ngắn. Trong xóm, khi nhà ai đó đám tiệc người ta bơi xuồng đi đám.
Bà con lâu ngày không gặp thì bơi xuồng đi thăm. Người ta thường chống ghe lòi lúa sau khi thu hoặc hoặc chống xuồng dâm mạ trên ruộng khi bước vào mùa cấy. Chống chèo còn là từ ghép để chỉ chung một hành động làm cho chiếc ghe lao về phía trước. Buồn biết bao cho cảnh tượng này:
"Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi/ Buôn bán không lời chèo, chống mỏi tay" – Ca dao
Và chèo là cách thức được dùng đẩy ghe, xuồng đi nhiều hơn cả. Ghe tam bản hay xuồng ba lá khi đóng, người ta làm luôn bổ chèo, tức là trên then ghe, xuông người ta đục lổ để cặm cột chèo. Cột chèo là những khúc cây ngắn, cặm hơi nghiêng ra phía ngoài sông.
Chèo gắn với cột bằng quai chèo. Quai chèo được đánh bằng dây bụp dừa nước phơi khô, hoặc các loại dây có độ dẻo, dai khác. Mỗi khi chèo mà bị đứt quai hoặc gãy cột chèo thì khốn khổ không thua vì cảnh gãy chèo.
Giai thoại dân gian vùng đất này còn tương truyền, trong lúc thuyền chúa Nguyễn Ánh đang lênh đênh giữa dòng sông rộng khi chạy tránh quân Tây Sơn thì thình lình giông gió nổi lên, mây đen kịt kéo phủ đầy trời.
Mọi người ra sức chèo chống, chẳng may dây quai chèo và dây cột bánh lái đứt ra. Thuyền ngừng hẳn, mặc cho sóng nhồi, gió tạt, quan quân sợ hãi chống chèo không được nữa, nhà vua cùng tuỳ tùng ngửa mặt lên trời cầu nguyện trong tuyệt vọng. Bỗng đâu, từ xa vang lên câu hò:
"Bớ chiếc ghe sau chèo mau em đợi/ Kẻo giông khói đèn mờ mịt hiểm nguy".
Quan quân trông vọng vào nơi đó. Một chiếc ghe nan lướt sóng chèo đến thuyền vua. Tới nơi, họ ngơi tay chèo, nghe kể rõ tình thế, các cô vội vàng lấy ra nhiều cuộn tơ bông trăng quăng sang. Thì ra, hai thiếu nữ này là người buôn tơ sợi, nhân dịp mua tơ về, gặp thuyền chúa nguy nan nên giúp đỡ.
Sau khi lên ngôi, Gia Long cho người tìm đến hai người con gái năm xưa để đền đáp công lao cứu tử. Nhưng họ đã lìa đời, nhà vua ban sắc phong và truyền lập miếu thờ tại làng Đa Phước Hội. Miếu Hai Bà hay chùa Hai Bà đến nay vẫn còn.
Phổ biến nhất ở vùng sông nước Tây Nam bộ là ghe hai chèo đặt ngang ngay, phía sau gần lái. Nếu là ghe lớn hơn thì dùng một chèo trước và chèo sau, mỗi chèo đặt ở một bên thân ghe. Nhiều ghe muốn đi nhanh hơn, đường xa hơn thì dùng đến bốn chèo, hai chèo trước, hai chèo sau.
Khi ấy sẽ phải hai người chèo. Không như miền ngoài, dân miền Tây Nam bộ, thường đứng và dùng tay chèo thoăn thoắt, nhịp nhàng kết hợp với động tác chân trước chân sau. Hình dáng cô gái mặc chiếc áo bà ba khoan thai đưa ghe về phía trước đã đi vào lời thơ dân gian xao xuyến lòng người:
"Nước Láng Linh chảy ra Vàm Cú/ Thấy dạng em chèo cặp vú muốn hun".
Cũng từ chuyện chèo ghe, dân gian đã sáng tạo ra thành ngữ anh em cột chèo để chỉ hai chàng rể trong một nhà. Hình ảnh ẩn dụ này cũng có nhiều ý kiến giải thích khác nhau.
Người thì cho rằng cột chèo là trụ chịu đựng để đẩy ghe, xuồng đi tỷ như vai trò của người đàn ông trong gia đình nhà vợ. Nhờ công ở rể làm lụng của họ mà gia đình của các cô gái phát tài, còn hai chị em ruột như hai chèo khuấy, người trước, nước sau. Trong ngôn ngữ bình dân người ta thường nói tắt theo kiểu: đây cột chèo với tui, va chèo lái, tui chèo mũi, …
Có người lại giải thích cột chèo phải cặm vào lổ của bổ chèo mới hay. Bổ chèo liên tưởng đến chị em nhà gái, chiếc ghe, xuồng như cả nhà của họ, … xem ra sự suy diễn đầy tính khôi hài nhưng cũng không kém phần trí tuệ, sâu sắc, dù chưa chắc nó đã thuyết phục được các nhà ngôn ngữ học, Có điều dân gian nghĩ vậy, nói vậy, khi trà dư tửu học giải thích chơi chơi vậy, có sao đâu!
Khi chèo ghe, không biết tự lúc nào người ta cũng đã quy ước, cứ bên tay phải của mình mà đi. Những lúc ghe khẳm, nước xuôi chảy mạnh, trời lại tối, lỡ không bẻ lái kịp để ghe lạc dòng lệch sang trái, người ngồi trước mũi phát hiện kịp có ghe ngược chiều phải luôn miệng kêu: cạy … cạy … tức ra hiệu xin đi ngược chiều. Nếu như ghe ở đường sông bên phải, thuận đường rồi thì người ngồi trước kêu: quát … quát! Ghe đối diện nghe sẽ biết cách điều chỉnh tránh gây tai nạn.
Những chiếc xuồng chèo bán bánh còng, bánh cam hay bánh lá dừa đã trở thành hình bóng quen thuộc ở miền quê. Nó giản dị, hiền hòa như cuộc sống của con người nơi đây. Cũng từ những con người chân chất ấy, điệu hò chèo ghe ra đời. Nghệ thuật diễn xướng dân gian này đã đóng góp một phần quan trọng vào kho tàng văn hóa dân gian vùng đất mới.
XEM THÊM
>>
Sức quyến rũ của mùa nước nổi
>>
Đến Huế, chỉ mong... "tựa mạn thuyền"
>>
Độc đáo cách "dụ" cá bằng chà ở miền Tây
Ai đã từng xem bộ phim Đất phương Nam do cố nhà văn, nhà Nam bộ học Sơn Nam làm cố vấn có phục dựng đoạn hò chèo ghe trên sông. Với bối cảnh gia đình Tám Luông bị điền chủ áp bức phải bỏ đi, xuôi dòng Hậu Giang về Nọc Nạn, dọc đường, gặp cô gái chèo ghe (vốn là đồng bọn của nhóm cướp sông, giả dạng), điệu hò đối đáp cất lên.
"Ai đi nhớ nhé đừng quên/ Đò ngang bến đổ ngày đêm tôi chờ,
Tôi chờ vạn kiếp vẫn chờ, Mong người trở lại Hò … ơ… mong người trở lại thăm đò thăm quê...".
Ngày nay, khi kinh tế phát triển, đường sá liền thôn ấp, phương tiện đi lại chủ yếu bằng xe đạp, xe máy. Dưới sông máy đuôi tôm, vỏ lãi dần thay cho mái chèo và chiếc xuồng ba lá. Một vẻ đẹp xưa đang dần dần lùi xa để đi vào dĩ vãn, … khi đã hoàn thành sứ mệnh quan trọng của mình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.