Lâu nay mọi người đều quan niệm, phim truyền hình không kỳ công như điện ảnh, nhưng điều nay không đúng với “Thương nhớ ở ai” khi trên thực tế, đoàn làm phim đã mất đến 3 năm để thực hiện 34 tập của bộ phim truyền hình này với cực nhiều tâm huyết.
Để tạo dựng khung cảnh một ngôi làng ở vùng nông thôn Bắc Bộ thời kỳ sau chiến tranh thật điển hình, đạo diễn Lưu Trọng Ninh đã đi quay cảnh ở 18 ngôi làng khác nhau, sử dụng kỹ xảo để tạo ra một ngôi làng đẹp tuyệt với đầm sen, ruộng lúa thẳng cánh cò bay, con đường triền đê, những ngôi đình, ngôi nhà cổ, cầu ngói, ao làng, thủy đình, thậm chí cả những ngọn núi đá vôi được phủ xanh cây và xám thời gian… Tất cả đều được xử lý rất tự nhiên bằng công nghệ một cách tinh vi và vừa mắt, như lời đạo diễn: “Tôi dâng cho khán giả một ngôi làng tuyệt đẹp đã mất, một ngôi làng không thể tìm thấy được ở đâu trên khắp đất nước này”.
Theo tiết lộ của đạo diễn Bùi Thọ Thịnh - người sát cánh cùng đạo diễn Lưu Trọng Ninh thực hiện bộ phim này, nỗi lo dây điện, cột điện chằng chịt trên cao không bằng mối e ngại những ngôi nhà ống, mái prô-xi-măng và các con đường đã bị bê tông hóa, thậm chí ngay cả mặt đê cũng hiếm chỗ còn đường đất đúng kiểu làng quê xưa. Cuối cùng, hai vị đạo diễn đã quyết định dựng lại một làng quê cũ hoàn chỉnh bằng việc chắp nối từ nhiều góc khác nhau, cụ thể là bờ ao, giếng nước ở chỗ này, con đường làng chỗ nọ…
Để thực hiện được điều đấy, phim đã phải sử dụng kỹ xảo đối với trên 2.000 cảnh quay khắp nhiều tỉnh thành để ra được chất của một ngôi làng Bắc bộ truyền thống và để cho khán giả thấy được “màu thời gian” và rất nhiều hoài niệm gửi gắm trên từng thước phim. Có cảnh quay tiền kỳ rồi nhưng đạo diễn yêu cầu làng quê Bắc Bộ này không được lặp lại những cái cũ của “Bến không chồng” nên riêng ê kíp thực hiện kỹ xảo phải mất 10 lần làm đi làm lại và 2 năm sau mới tạm hoàn thiện. “Thương nhớ ở ai” cũng trở thành bộ phim sử dụng nhiều kỹ xảo nhất của VFC.
Là người đảm nhiệm phần hình ảnh của phim, NSƯT Hoàng Tích Thiện cũng phải thừa nhận đây là bộ phim truyền hình cầu kỳ nhất trong số các phim anh từng làm, với đầu tư chi phí và thời gian nhiều gấp 3-4 lần phim khác. Và “Thương nhớ ở ai” thực sự đã trở thành một trong những bộ phim truyền hình Việt đậm chất điện ảnh nhất từ trước đến nay.
Cùng với rất nhiều tâm sức trong thực hiện hình ảnh kết hợp chuyển tải cảm xúc của nhân vật thì nhạc phim cũng là một kỳ công của bộ phim này. Trong quá trình làm phim, ê kíp đã phải thay thế đến 4 nhạc sĩ. Người thứ 5 được chọn – nhạc sĩ Nguyễn Quang Hưng là một nhạc sĩ đã có bề dày sáng tạo thành công cho vài chục nhạc phim, trong đó có 2 phim truyền hình đặc biệt nổi tiếng về nông thôn là “Gió làng Kình” và “Ma làng”.
Khán giả theo dõi phim sẽ bắt gặp rất nhiều chất liệu âm nhạc truyền thống như ca trù, chèo, chầu văn, quan họ, xẩm, hát ru, độc tấu đàn bầu… Thách thức cho nhạc sĩ là phải thu âm từ khâu tiền kỳ sản xuất phim rồi hòa trộn âm nhạc làm sao cho khớp với diễn xuất của diễn viên, đẩy được cảm xúc cho người xem. Chưa kể, nếu chỉ sử dụng âm nhạc truyền thống thì sẽ cũ nên nhạc sĩ phải kết hợp thêm âm nhạc của phương Tây. Có lẽ vì đòi hỏi nhiều kỳ công như thế nên có những lúc, đạo diễn và người làm nhạc phim tranh cãi gay gắt đến mức tưởng chừng “đứt gánh giữa đường”.
Đặc biệt, phim không thuê các ca nương chuyên nghiệp lồng tiếng mà tự diễn viên phải hoàn toàn thể hiện. Diễn viên Thanh Hương - người vừa nổi đình đám với vai con gái “Người phán xử” – lần này lại vào vai một cô ca nương bị ruộng rẫy. Thanh Hương đã bỏ ra ba tháng theo học NSƯT Bạch Vân để học cách hát cho đúng, gõ phách cho chuẩn một làn điệu ca trù.
Cùng với Thanh Hương, dàn diễn viên của phim ngoài Thiện Tùng và Lâm Vissay là hai gương mặt đã khá quen thuộc với khán giả, thì phần lớn những diễn viên còn lại đều là “tay ngang”, thậm chí có người còn chưa bao giờ đóng phim, như Trà My, Ngọc Anh, Hồng Kim Hạnh, Jimmii Khánh... Đạo diễn chia sẻ: “Tôi chọn diễn viên dựa trên cảm tính của mình, nhiều khi chỉ là hết sức tình cờ. Thí dụ như Trà My vai Hạnh, cô ấy tình cờ gọi cho tôi khi tôi mới ở trong Nam ra và đang rất không ưng ý với những phần đã quay được của bộ phim này. Tôi chợt nảy ra ý định mời cô ấy thử vai, và kết quả là tôi đã đảo lộn toàn bộ dàn diễn viên của phim để lựa chọn được nhân vật ưng ý”.
Lấy cảm hứng từ tiểu thuyết “Bến không chồng” - tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Dương Hướng, bộ phim truyền hình 34 tập “Thương nhớ ở ai” đã lập tức “gây sốt” từ khi vừa tung ra những hình ảnh phim đầu tiên với những cảnh quay vùng nông thôn Bắc Bộ tuyệt đẹp, âm nhạc giàu chất nghệ thuật dân gian, dàn diễn viên trẻ với lợi thế về sắc vóc, ngoại hình và thể hiện rất mềm mại vai diễn của mình… Phim chính thức lên sóng vào 14h20 các ngày thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần trên kênh VTV3, bắt đầu từ 4.11.2017.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.