Thưởng tiền vì sinh 2 con gái: Bao nhiêu cho đủ?

Thứ năm, ngày 07/03/2013 15:21 PM (GMT+7)
Dân Việt - Vấn đề mấu chốt không phải là thưởng tiền (vì thưởng biết bao nhiêu cho đủ) mà phải đẩy mạnh công tác truyền thông, chia nhỏ các nhóm đối tượng để tuyên truyền...
Bình luận 0

Việc Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) đưa ra Đề án giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2013 - 2020, trong đó có việc hỗ trợ kinh tế gia đình sinh con gái một bề - theo tôi là một giải pháp mang tính nhân văn cao. Nó được kỳ vọng sẽ làm giảm mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta.

img
 

Con số 3.000 tỉ để thực hiện Đề án này – khó có thể nói rằng nó “lớn” hay không. Vấn đề quan trọng nhất mà nếu như Đề án này được thông qua là tiền đó được chia cho những ai? Chia như thế nào? Tính từ thời điểm nào?

Tức là việc xác định đối tượng phải rõ ràng. Đơn cử, nếu như tính từ năm 2013 thì sẽ không công bằng cho những người sinh hai con gái từ năm 2012 đổ về trước. Do đó, sẽ rất khó để tạo sự đồng thuận trong đại bộ phận dân chúng.

Bên cạnh đó, trên thực tế, nhiều cặp vợ chồng khi sinh hai con gái đều thấy thoải mái, vui vẻ, hạnh phúc và khá giả. Như vậy, việc hỗ trợ tiền đối với gia đình sinh hai con gái kia là không cần thiết, thậm chí người ta cũng chẳng vui vẻ để nhận khoản hỗ trợ này. Chưa kể, hai bé gái được sinh ra cùng một lúc, thế nhưng một bé thì được Nhà nước hỗ trợ còn bé kia thì không chỉ vì bố mẹ cháu “trót” sinh tự nhiên được 1 trai, 1 gái. Rõ ràng, đó là một sự không công bằng!

Ở một khía cạnh khác, việc hỗ trợ tiền cho các cặp vợ chồng sinh hai con gái; miễn giảm học phí, cộng điểm thi đại học, cao đẳng cho em gái; ưu tiên cho nữ giới khi đi xin việc rất có thể sẽ càng hằn sâu thêm quan niệm con gái là thấp kém (vì thế mới cần động viên, hỗ trợ). Điều đó càng làm cho sự phân biệt, định kiến với nữ giới gia tăng.

Thực tế cũng cho thấy, quan niệm “trọng nam, khinh nữ” đã ăn sâu trong nếp nghĩ của người dân từ hàng ngàn đời nay. Việc thưởng tiền này – chắc chắn nhiều thì không có mà ít thì chẳng thấm vào đâu sẽ chỉ có tác dụng với một bộ phận gia đình nào đó sinh hai con gái. Còn với những gia đình thực sự có khát vọng con trai thì có khi thưởng tới hàng chục triệu cũng chẳng ích gì.

Từ những lý do trên, tôi cho rằng, thưởng tiền cũng là một giải pháp để ngăn chặn mất cân bằng giới tính khi sinh. Thế nhưng, thật khó để kỳ vọng vào một sự thay đổi như mong đợi. Vấn đề mấu chốt không phải là thưởng tiền (vì thưởng biết bao nhiêu cho đủ) mà phải đẩy mạnh công tác truyền thông, chia nhỏ các nhóm đối tượng để tuyên truyền vì mỗi nhóm sẽ cần đến nội dung, hình thức tuyên truyền khác nhau.

Đồng thời, phải thắt chặt hơn nữa việc thực thi, giám sát thực thi pháp luật. Bởi trên thực tế, Pháp lệnh dân số 2003 đã nghiêm cấm việc xác định giới tính thai nhi song đến nay, nhiều phụ nữ mang thai vẫn biết giới tính của mình. Nếu tra Google số vụ bị xử phạt vì xác định giới tính thai nhi cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Luật đã có nhưng lại rơi vào cảnh “có cũng như không” thì dù có thưởng bao nhiêu, có tuyên truyền đến mức nào cũng khó có thể khắc phục được tình hình mất cân bằng giới tính.

(Học viện Báo chí và Tuyên truyền)

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem