Cơ hội “xuất ngoại” nhiều sản phẩm sang EU
Tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam – EU tổ chức tại TP.HCM sáng 30/7, các chuyên gia nhận định: Sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) có hiệu lực vào đầu năm 2020, 5 ngành hàng Việt Nam có thế mạnh được EU cam kết giảm thuế gồm đồ gỗ nội thất, da giày, dệt may, thủy sản và rau quả.
Ông Lê Kỳ Anh – Đại diện phái đoàn Liên minh châu Âu cho biết: EU đang là thị trường xuất khẩu thủy sản đứng thứ hai của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 17% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, riêng sản phẩm tôm xuất khẩu sang EU chiếm 22% tỷ trọng, cá tra chiếm 11% và 30-35% tỷ trọng các mặt hàng hải sản khác.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn Thương mại Việt Nam – EU
Từ nhiều năm nay, chỉ số tiêu dùng thủy sản tại thị trường EU tăng cao hơn hẳn so với thịt, do người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang ăn thủy sản nhiều hơn. EVFTA sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực đối với tôm. Sản phẩm cá tra hiện đang chịu mức thuế 9% sẽ được giảm về 0% với lộ trình 3 năm.
Khi EVFTA có hiệu lực, các sản phẩm hải sản (hàu, điệp, mực..) sẽ được giảm thuế nhập khẩu về 0% từ mức 20%. Các sản phẩm mực, bạch tuộc đông lạnh hiện đang chịu mức thuế 6-8% sẽ giảm ngay về 0%, cá cờ kiếm từ 7,5% về 0%.
Với ưu đãi về thuế quan so với các nước chưa có FTA, ngành thủy sản Việt Nam kỳ vọng sẽ tăng trưởng khá trong những năm tới đây.
Đối với ngành rau quả, EU cam kết mở cửa rất mạnh cho rau quả Việt Nam trong EVFTA bằng việc xóa bỏ ngay 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả khi Hiệp định có hiệu lực, trong đó có nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dưa…
Phần lớn các dòng thuế EU cam kết xóa bỏ ngay hiện đều đang có mức thuế MFN trung bình trên 10%, cá biệt có những sản phẩm rau quả đang chịu thuế trên 20%. Như vậy, mức cam kết này của EU sẽ tạo ra lợi thế lớn về giá cho rau quả Việt Nam, đặc biệt trong cạnh tranh nhập khẩu vào EU với các nước có cùng ngành hàng về quả chưa có FTA với EU như Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia,...
Với lộ trình loại bỏ thuế tương đối dài áp dụng cho phần lớn các sản phẩm rau quả, EVFTA cho người sản xuất, kinh doanh rau quả Việt Nam đủ thời gian thích ứng với việc không còn hàng rào thuế.
Các doanh nghiệp Việt Nam phải đảm bảo quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu vào EU.
Nghiêm túc thực hiện các cam kết chung
Tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam – EU, nhiều chuyên gia đến từ các nước thành viên EU lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam về điều kiện để hàng hóa thủy sản, rau quả mở rộng thị phần xuất khẩu tại EU phải đảm bảo nhiều tiêu chuẩn.
Các doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác, chú trọng liên kết chuỗi để nâng cao năng suất, chất lượng, kiểm soát tốt an toàn vệ sinh thực phẩm; Cần xây dựng và phát triển thương hiệu tập thể, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động nuôi, chế biến và phân phối.
Đồng thời, áp dụng công nghệ tự động hóa, sẽ giúp kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc, cần chủ động tìm hướng hợp tác với các đối tác nước ngoài, đổi mới công nghệ, đầu tư dây chuyền chế biến sâu, tăng giá trị cho sản phẩm, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đại diện Đại sứ quán Tây Ban Nha nhấn mạnh: Các doanh nghiệp Việt Nam phải đảm bảo quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu vào EU, các quy định về truy xuất nguồn gốc của các nước nhập khẩu hàng hóa ngày càng chặt chẽ và khắt khe hơn, nguy cơ hàng Việt bị "mượn danh" xuất sang EU cũng từng được các chuyên gia kinh tế cảnh báo. Điều này gây ra nhiều hệ luỵ khiến hàng hoá Việt xuất vào EU có thể bị áp thuế chống bán phá giá cao.
Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn và quy trình quản lý do EU quy định cũng được đại diện các đại sứ quán EU lưu ý. Đối với hàng thủy sản ngoài những lưu ý trên cần hết sức tuân thủ các quy tắc IUU về chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không khai báo và không đăng ký. EVFTA sẽ gỡ bỏ ngay 85,6% số dòng thuế, tương đương với 70,3% kim ngạch hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU.
Các doanh nghiệp thủy sản phải tuân thủ nguyên tắc chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không khai báo và không đăng ký.
Hiện rau quả tươi Việt Nam chủ yếu bán trong các cửa hàng nhỏ lẻ của người châu Á, chưa có mặt trong các siêu thị lớn. Như vậy có thể thấy, việc mở và giữ được thị trường cho từng loại rau quả tại thị trường EU là không hề đơn giản.
Với thị trường EU, cần xác định phải luôn đáp ứng được yêu cầu ở mức độ gần như khắt khe nhất. Việc đáp ứng các quy tắc xuất xứ hay vượt qua được các rào cản kỹ thuật, kiểm dịch động thực vật là các vấn đề đáng quan ngại đối với nhiều doanh nghiệp.
Doanh nghiệp nên từng bước phát triển sản phẩm hữu cơ vì ngày càng nhiều người tiêu dùng EU thích các sản phẩm thực phẩm được sản xuất và chế biến bằng phương pháp tự nhiên.
Đối với nhóm rau củ và rau quả tươi cần phải có sự liên kết chặt chẽ hơn giữa nhà XK với người sản xuất đảm bảo nguyên liệu đạt chuẩn VSATTP của EU; cần thiết phải triển khai hệ thống truy xuất nguyên liệu XK và vùng sản xuất phải đạt chuẩn VietGAP.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.