Trong bản Thông điệp liên bang 2020 lần này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã sắp xếp rất rõ ràng thứ tự các ưu tiên trong đường lối lãnh đạo đất nước tới đây, đó là người dân, tài chính và cải cách chính trị. Và chính ưu tiên thứ ba đó đã gây ra cơn chấn động trên toàn nước Nga.
Tuy Tổng thống Putin không đặt ra vấn đề thông qua Hiến pháp mới như một số dự đoán, song những sửa đổi ông đề xuất sẽ thay đổi diện mạo cả hệ thống chính trị của đất nước, tạo ra một nền tảng mới về chất cho quá trình phát triển không chỉ trong vài năm tới, mà cho cả một giai đoạn dài tiếp sau.
Ngay sau khi Tổng thống Nga kết thúc bản Thông điệp liên bang, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã đệ đơn xin đưa cả chính phủ từ chức, mở đường “hiện thực hóa” các sáng kiến của Tổng thống Putin.
Những đề xuất sửa đổi được Tổng thống Putin trình bày rất cụ thể, đó là chỉ có công dân Nga sống ít nhất 25 năm tại đất nước và không có bất kỳ cơ sở nào để thường trú tại nước khác mới được giữ các chức vụ lãnh đạo nhà nước quan trọng, đó là khẳng định quy định nhiệm kỳ tổng thống không kéo dài quá 2 kỳ liên tiếp, đó là nâng cao vai trò và trách nhiệm của cơ quan lập pháp, đó là quy chế hiến định cho một cơ quan do chính ông Putin lập ra vào năm 2000 là Hội đồng quốc gia...
Nếu thời gian tới, những đề xuất sửa đổi được xã hội ủng hộ thông qua trưng cầu dân ý, nước Nga sẽ có cơ quan lập pháp mạnh, đảm đương cả vai trò bổ nhiệm lãnh đạo cao nhất của nhánh hành pháp thay vì chỉ phê chuẩn theo đệ trình của tổng thống như hiện nay, đánh dấu một sự “kết đoàn” trở lại giữa hai nhánh lập pháp và hành pháp sau những “phân chia chiến tuyến” từ thời kỳ1993 và cũng là bối cảnh để bản Hiến pháp hiện thời ra đời.
Sau gần 20 năm “thử thách”, người đứng đầu nước Nga đề nghị đưa vào Hiến pháp quy chế của Hội đồng quốc gia, cơ quan không chỉ do tổng thống đứng đầu, tập trung lãnh đạo cao nhất cấp địa phương, mà cả các cựu lãnh đạo có kinh nghiệm quản lý nhà nước và xã hội, chủ tịch hai viện quốc hội, các đại diện toàn quyền của tổng thống ở địa phương cũng như đại diện các đảng trong cơ quan lập pháp.
Theo giới chuyên gia, giờ đây, sau khi đưa quy chế về cơ quan này vào Hiến pháp, vai trò của Hội đồng quốc gia vẫn sẽ không thay đổi, song chức năng và nhiệm vụ cụ thể sẽ là vấn đề được chú ý, quan tâm, đặc biệt là trong so sánh với chính phủ.
Nhìn vào tình hình bộ máy lãnh đạo cấp vùng trong vài năm qua tại Nga, có thể thấy rõ độ tuổi lãnh đạo được trẻ hóa rất mạnh. Tổng thống V.Putin cũng cho thấy ông sẵn sàng thực hiện các thay đổi nhân sự một cách nhanh chóng và quyết đoán. Mục đích hoàn toàn thấy rõ: hiệu quả quản lý là yêu cầu tối cao được tổng thống đặt ra với lớp lãnh đạo địa phương.
Sau khi ông Dmitry Medvedev đệ đơn từ chức, Tổng thống Putin đã đề cử một quan chức còn ít người biết tiếng, ông Mikhail Mishustin, người đứng đầu Cơ quan Thuế LB Nga, làm Thủ tướng mới.
Trên thực tế, trong điều kiện nền kinh tế phải chống trả với các biện pháp trừng phạt cũng như các cục diện bất lợi trên thế giới, Cơ quan Thuế của ông Mikhail Mishustin đã đóng góp xuất sắc cho ngân sách, “tiêu diệt” đa phần các mô hình thuế “xám”, chống ngầm hóa doanh nghiệp.
Chỉ còn chờ Đuma quốc gia (Hạ viện) thông qua, Nga sẽ có tân thủ tướng là một nhà kỹ trị thực thụ, nổi tiếng với mục tiêu số hóa nền kinh tế và xã hội. Tập trung tài và lực vào một mối vì lợi ích của đất nước hẳn là “chương trình hành động” mà Tổng thống Putin muốn thực hiện kể cả sau năm 2024.
Đánh giá đầu tiên, song đa phần là nhất quán trong giới quan sát Nga, là các đề xuất của Tổng thống Putin thực chất đã thay đổi cơ cấu nền tảng của chính quyền hành pháp, biến Liên bang Nga từ một nước cộng hòa “siêu tổng thống” từ năm 1993 thành nước cộng hòa tổng thống - nghị viện, với cơ quan lập pháp mang tính đại diện và thực hiện đầy đủ vai trò đại diện, với đội ngũ lãnh đạo địa phương đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, có năng lực quản lý hiện đại, với hai nhánh chính quyền hành pháp và lập pháp có liên hệ chặt chẽ, đảm bảo cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Hiến pháp, năm 2024 sẽ kết thúc nhiệm kỳ thứ hai liên tiếp của Tổng thống Putin, khi ông sẽ không tiếp tục ứng cử lần ba. Và người lãnh đạo cao nhất đang bắt đầu xây dựng di sản của mình cho đất nước, quan trọng nhất trong đó là hệ thống chính trị cân bằng và vững chắc, có khả năng cải tổ các cơ cấu. Hệ thống đó sẽ hoạt động kể cả khi ông không còn nắm giữ vị trí “tổng tư lệnh”.
Mục đích và nhiệm vụ đã rõ, song diễn biến tiếp theo trên chính trường Nga sẽ còn phụ thuộc vào phản ứng từ phía hệ thống hiện hành, hay đúng hơn là vào niềm tin của hệ thống đối với tầm nhìn của ông Putin, với di sản chính trị mà ông để lại.
Tâm Hằng (TTXVN)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.