Toàn cảnh buổi Giao lưu trực tuyến.
Có mặt tại buổi Giao lưu trực tuyến "Phát triển sản phẩm bảo vệ sức khỏe từ nguồn dược liệu Việt" do báo Nông thôn Ngày nay/ Điện tử Dân Việt tổ chức ngày 17.10 tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Tâm - GĐ Công ty TNHH Thương mại SBG chia sẻ: Trong hoạt động kinh doanh, khi doanh nghiệp sản xuất và đưa sản phẩm ra thị trường, chúng tôi rất quan tâm đến nguồn dược liệu vì hiện tại, đa phần, vùng dược liệu vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún.
"Doanh nghiệp chúng tôi mong muốn phát triển vùng dược liệu quy mô, tiêu chuẩn nhằm sản xuất ra các sản phẩm chất lượng. Tôi cũng muốn bổ sung về vấn đề doanh nghiệp sẽ xử lý như thế nào khi có quảng cáo hay tư vấn chưa đúng về sản phẩm. Thực tế, doanh nghiệp đã làm rất chặt và nghiêm túc trong vấn đề này. Với tất cả đại lý hay nhân sự quảng cáo, tư vấn sản phẩm không đúng, doanh nghiệp sẽ có hình thức kỷ luật nghiêm như dừng hợp tác, dừng phân phối...", ông Tâm chia sẻ thêm.
Trong khi đó, cũng có mặt tại buổi Giao lưu trực tuyến, TS Nguyễn Trí Ngọc - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Tổng Hội Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ:
Thời gian qua, Tổng hội NN&PTNT Việt Nam đã có nhiều buổi trao đổi, liên kết với các DN. Trong đó, có nhiều DN thuộc lĩnh vực chế biến dược liệu và chúng tôi cũng đã kết nối thành công và hình thành được vùng trồng dược liệu cho chính doanh nghiệp và làm nguyên liệu để xuất khẩu.
Ví dụ như trường hợp của Công ty Bình Minh. Sản phẩm của họ nghiên cứu ra đã được sử dụng rộng rãi, nguyên liệu họ trồng cũng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật.
TS Nguyễn Trí Ngọc - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Tổng Hội Nông nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, có một thực tế là đa phần các DN hiện nay đều là doanh nghiệp nhỏ lẻ, tính thích ứng với vấn đề thị trường cũng như vấn đề sản xuất đều có những khó khăn nhất định.
Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản, chính sách nhằm trợ giúp DN ví dụ như Nghị định 65, rồi Nghị định 57 sửa đổi từ NĐ 210 cùng nhiều NĐ, chính sách khác cũng đều khuyến khích DN, các tổ chức, cá nhân vào cuộc để phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp.
Thế nhưng, chúng tôi cũng thừa nhận những chính sách tuy nhiều, đa dạng nhưng khả năng tiếp cận của DN vẫn còn hạn chế, còn nhiều bất cập. Đó chính là những điểm nghẽn trong quá trình phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, khiến cho chúng ta thường xuyên thiếu nguyên liệu. Trong khí đó, theo xu hướng hội nhập, DN cần phải phát triển chuỗi giá trị sản phẩm. Đó là đầu tư phải đầy đủ từ a-z thì mới tạo ra sản phẩm đủ chất lượng đáp ứng yêu cầu thị trường, quy tụ 5 nhà cùng bắt tay trong đó Nhà nước cầm trịch.
Hiện 63 tỉnh, thành đều có viện Y học cổ truyền, đây là điều kiện rất tốt để chúng ta phát triển cây dược liệu. Đồng thời, chúng tôi cũng được biết 63 tỉnh, thành đều đã có quy hoạch về vùng trồng dược liệu. Chính sách chúng ta đã có, tuy nhiên, đáp ứng yêu cầu của DN vẫn còn hạn chế nhất định.
Thậm chí có những dự án đã được phê duyệt nhưng điều kiện vật chất không có nên “lực bất tòng tâm”. Vì những lý do trên mà số DN đầu tư vào lĩnh vực này còn khá khiêm tốn.
Trong 2 năm gần đây chúng tôi đã có những kiến nghị trực tiếp tới Chính phủ để tháo gỡ những khó khăn trong DN, cụ thể là tháo gỡ những khó khăn về thủ tục hành chính, về vốn, về môi trường đầu từ… Chúng tôi cũng vui mừng là Thủ tướng đã lắng nghe và rất nhiều khó khăn đang từng bước được tháo gỡ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.