Tiền Giang: Mua củi, bán kiểng, anh nông dân đất phèn lời 700 triệu đồng mỗi năm

Trần Đáng Thứ bảy, ngày 25/09/2021 19:56 PM (GMT+7)
Thay vì trồng khóm, làm lúa như bao nông dân khác, anh nông dân “rốn phèn” Lê Văn Út (xã Phước Lập, Tân Phước, Tiền Giang) chỉ mua bán cây xanh. Công việc này giúp anh mỗi năm thu lợi 700 triệu đồng.
Bình luận 0

Mới đây, anh Út cho biết đang đóng xe cẩu chở cây xanh với giá hơn 1 tỷ đồng.

Tiền Giang: Mua củi, bán kiểng, anh nông dân đất phèn lời 700 triệu mỗi năm - Ảnh 1.

Một cơ sở kinh doanh cây xanh của anh Lê Văn Út ở huyện Tân Phước. Ảnh: Trần Đáng.

Cha truyền, con nối bán cây xanh

Anh nông dân 8x này kể, nghề "mua củi, bán kiểng" vốn có từ cha anh. Hiện, gia đình anh có 5 anh em theo nghề bán cây xanh của ông già.

"Xưa cha tôi mua bán cây tràm làm cừ xây nhà. Giờ anh em tôi bán cây xanh", anh Út thổ lộ.

Hỏi tại sao lại không mua bán cừ tràm như "ông già" mà chuyển sang bán cây xanh, anh Út thẳng thừng: "Bán cây xanh lời hơn".

Hiện, anh Út có 5 vựa bán cây xanh ở huyện Tân Phước. Các loại cây anh Út bán gồm: Sala, bàng Đài Loan, lộc vừng, giáng hương, bằng lăng tím…

Các loại cây xanh này được cung cấp cho các công trình cây xanh lớn, nhỏ.

Tuy nhiên, theo anh Út, lợi nhuận "khủng" nhất là từ "mua củi, bán kiểng". Theo đó, sau khi mua cây xanh về, anh Út tuyển lại cây có dáng, tàng đẹp, rồi tỉa tót bán cây kiểng. Những cây xấu anh bán theo dạng cây xanh.

Tiền Giang: Mua củi, bán kiểng, anh nông dân đất phèn lời 700 triệu mỗi năm - Ảnh 3.

Đám cây bàng Đài Loan tại vựa bán cây xanh của anh Út. Ảnh: Trần Đáng

"Tôi vừa mua 23 cây vú sữa, giá 50.000 đồng/cây. Trong số cây này, tôi đã tuyển được vài ba cây khá đẹp. Chỉ cần bán một cây tôi đã lấy vốn, lẫn lời", anh Út thổ lộ.

Ngoài ra, anh Út cũng cho biết, mua được cây vú sữa lâu năm với giá 40 triệu đồng.

"Mới mua về tôi đưa hình ảnh cây vú sữa lên mạng chơi. Vậy là có người hỏi mua với giá 60 triệu đồng, nhưng tôi không bán", anh Út bộc bạch.

Tuy nhiên, cũng theo anh Út, làm nghề buôn bán cây xanh cũng lắm rủi ro. Mặc dù, cây xanh là loại cây rừng rất khỏe, nhưng nếu bứng về không đúng lúc vẫn xảy ra tình trạng chết cây.

"Hơn 10 năm trong nghề, không ít lần tôi bị chết cây giá trị lớn", anh Út chia sẻ.

Theo anh Út, ngoài kinh nghiệm lâu năm trong nghề, người "mua củi, bán kiểng" cần phải tìm hiểu kỹ thuật trồng các loại cây xanh để giảm thiểu rủi ro.

Thị trồng cây xanh rộng mở

Tiền Giang: Mua củi, bán kiểng, anh nông dân đất phèn lời 700 triệu mỗi năm - Ảnh 4.

Anh Út trong lần đi mua bán cây xanh. Ảnh: Trần Đáng.

Ngay khi dịch Covid-19 đang còn rất phức tạp, anh Út đã lo đóng mới chiếc xe cẩu chở cây xanh có giá hơn 1 tỷ đồng.

"Khi dịch tạm lắng, chính quyền cho mở cửa hoạt động kinh doanh, tôi sẽ khởi động ngay việc buôn bán cây xanh", anh Út cho biết.

Theo anh Út, dịch Covid-19 bùng phát khiến các hợp đồng giao cây xanh của anh bị đứt gãy.

Anh Út cho biết, những năm qua, thị trường cây xanh trong nước phát triển rất tốt. Bởi, khi thu nhập tăng cao, xã hội hướng mạnh đến nhu cầu giải trí.

Cây xanh không chỉ cung cấp cho các công trình công cộng, mà còn phục vụ các nhu cầu giải trí của cá nhân.  

Hiện, thị trường cây xanh của anh Út trải dài từ miền Nam cho đến miền Trung.

Anh Út cho biết, để cái nghề "mua củi, bán kiểng" mang lại nguồn thu nhập 700 triệu đồng mỗi năm, anh phải nỗ lực tìm kiếm đầu ra cho cây xanh.

Tiền Giang: Mua củi, bán kiểng, anh nông dân đất phèn lời 700 triệu mỗi năm - Ảnh 5.

Để đáp ứng nhu cầu cây xanh của thị trường, anh Út đã trồng hơn 1ha cây xanh. Ảnh: Trần Đáng.

"Tôi tích cực lên mạng tìm kiếm đối tác bán hàng, nghiên cứu thị trường và giới thiệu, quảng bá sản phẩm cây xanh trên mạng", anh Út bộc bạch.

Năm 2020, tại Hội nghị sơ kết Chuyên đề thi đua "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi", Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang đã tuyên dương anh Út là nông dân điển hình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem